'Luồng gió mới' cho kinh tế tập thể - bài 2: Đa lợi ích cho nông dân

Để phát triển bền vững, các hợp tác xã đã 'bắt tay' với nông dân nhằm có thêm nguồn lực như đất đai, nhân lực mở rộng quy mô sản xuất. Sự liên kết này không chỉ khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai ở địa phương, nâng cao giá trị canh tác mà còn giải quyết được nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Nhờ liên kết với hợp tác xã mà 1 sào chè gia đình ông Phan Văn Hà, xóm Xuân Trường, xã Ôn Lương (Phú Lương) thu được 3 triệu đồng/lứa, cao hơn so với trước khi liên kết khoảng 30%.

Nhờ liên kết với hợp tác xã mà 1 sào chè gia đình ông Phan Văn Hà, xóm Xuân Trường, xã Ôn Lương (Phú Lương) thu được 3 triệu đồng/lứa, cao hơn so với trước khi liên kết khoảng 30%.

Biến “tấc đất” thành “tấc vàng”

Về các xã trên địa bàn tỉnh, chúng ta dễ dàng nhận thấy phần lớn giới trẻ ở khu vực nông thôn đi làm tại các khu công nghiệp. Vì thế, diện tích đất nông nghiệp ở nhiều nơi bỏ hoang hóa do thiếu lao động. Khi bắt tay liên kết với các hợp tác xã (HTX) nhiều hộ dân đã biến những “tấc đất” thành những “tấc vàng”. Nhờ nguồn lực đầu tư của HTX mà nhiều hộ dân giảm chi phí đầu tư trong sản xuất, chất lượng sản phẩm được nâng cao, có đầu ra ổn định thông qua kênh phân phối của HTX…

Một trong những đơn vị đã xây dựng được mối liên kết có tính bền chặt và đạt hiệu quả cao từ khi thành lập năm 2020 đến nay là HTX nông sản Phú Lương ở xóm Khau Lai, xã Ôn Lương (Phú Lương). HTX hiện liên kết để sản xuất 60ha chè nguyên liệu, 30ha cấy lúa nếp Vải. Dự kiến đến hết năm 2024, HTX cung cấp ra thị trường 30 tấn trà tôm nõn, móc câu; 40 tấn gạo nếp Vải; 30 tấn mỳ với doanh thu đạt khoảng 12-15 tỷ đồng.

Khi liên kết với HTX, bà con nông dân được tham gia các lớp tập huấn, được hướng dẫn khoa học kỹ thuật để sản xuất chè, lúa theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng hữu cơ; được hỗ trợ miễn phí phân hữu cơ do HTX tự sản xuất và bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định.

Là một trong những hộ liên kết với HTX đến nay đã được hơn 4 năm, ông Phan Văn Hà, xóm Xuân Trường, cho biết: Gia đình tôi liên kết với HTX để sản xuất 5 sào chè, 5 sào lúa nếp Vải. Không chỉ được hỗ trợ phân bón mà tôi còn được HTX thu mua toàn bộ sản phẩm chè, thóc.

Với 1 sào chè, tôi thu lãi được hơn 3 triệu đồng/lứa và 1 sào lúa được 2 triệu đồng/vụ, tăng khoảng 30% giá trị so với trước đây. Tôi còn được HTX nhận vào làm với thu nhập từ 6-8 triệu đồng/tháng. - Ông Phan Văn Hà

Thay đổi tư duy nông nghiệp, giúp người dân chuyển đổi cây trồng, nâng cao thu nhập đó là một trong những hiệu quả tích cực mà HTX nông nghiệp Tiên Phong, xã Yên Trạch (Phú Lương) đem lại trong thời gian vừa qua. Gia đình ông Nguyễn Quốc Huấn, xóm Bài Kình, cho biết: Tôi liên kết với HTX trồng 2 sào sâm bố chính, đến nay, đã thu hoạch được 2 lần, trừ hết chi phí mỗi sào thu được gần 7 triệu đồng/lứa. Đầu năm nay, tôi quyết định cải tạo lại 0,6ha đất vườn tạp để liên kết trồng măng Lục Trúc và dự kiến đầu năm 2025 sẽ cho thu hoạch.

Khi thu nhập được tăng lên, người dân thêm gắn bó với đồng đất, tích cực mở rộng diện tích, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Xóm Phú Thọ, xã Phú Đô (Phú Lương) hiện có 81 hộ với 363 nhân khẩu, có trên 90% là đồng bào dân tộc Mông. Cách đây hơn 10 năm cả xóm chỉ khoảng 2ha chè nhưng đến nay đã tăng lên 30 ha, trong đó có 19ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và 5ha trồng theo hướng hữu cơ. Có được kết quả trên ngoài sự nỗ lực của người dân thì có sự đóng góp không nhỏ của HTX trà an toàn Phú Đô.

Trước đây, giá trị cây chè đem lại cho người dân xóm Phú Thọ thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của xã. Nguyên nhân là do người dân chưa chú trọng đầu tư nên năng suất, chất lượng thấp; chủ yếu là bán chè tươi thông qua các thương lái.

Ông Phùng Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Phú Đô (Phú Lương): Khi HTX trà an toàn Phú Đô ra đời năm 2022 đã tích cực hướng dẫn người dân trồng chè theo hướng hữu cơ, VietGAP; thu mua chè của bà con về để chế biến. Khi giá trị từ cây chè dần được tăng lên đã tạo động lực để bà con mở rộng diện tích. Đến nay, thương hiệu chè của xóm Phú Thọ đã khẳng định được trên thị trường và được nhiều người tiêu dùng biết đến.

Thêm việc làm cho nông dân

Trong quá trình liên kết với nông dân, các HTX không chỉ khai thác phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, mà các HTX đã tạo được nhiều việc làm cho lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định.

Chị Nguyễn Thị Trang, Giám đốc HTX bò mông số 11, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ): HTX hiện chăn nuôi 60 con bò, cùng với đó là sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ thịt bò: xúc xúc, thịt bò sấy khô, lạp xưởng tươi. HTX hiện giải quyết việc làm thường xuyên và thời vụ cho gần 40 lao động. Các lao động được trả lương theo ngày, trung bình từ 200-300 nghìn đồng/ngày công.

Các HTX đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động, giúp người dân “ly nông” mà không cần “ly hương”. Đặc biệt, do đóng chân ở những địa ở các nơi vùng sâu, vùng xa trên địa tỉnh nên nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật.

Công việc đóng gói sản phẩm tại Hợp tác xã Nông sản Võ Nhai hiện nay phù hợp với khả năng của chị Ma Thị Hiệu, xóm Na Đồng, xã Vũ Chấn (Võ Nhai).

Công việc đóng gói sản phẩm tại Hợp tác xã Nông sản Võ Nhai hiện nay phù hợp với khả năng của chị Ma Thị Hiệu, xóm Na Đồng, xã Vũ Chấn (Võ Nhai).

Từ nhỏ chị Ma Thị Hiệu, sinh năm 1993, dân tộc Tày ở xóm Na Đồng, xã Vũ Chấn (Võ Nhai) đã bị câm điếc bẩm sinh. Sau khi lập gia đình, sinh con, do bị khuyết tật khó xin được việc làm nên chị quyết định ở nhà chăm sóc con và làm việc đồng áng. Cũng bởi thế mà mọi sinh hoạt trong gia đình chị đều phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ nghề đi xây dựng của chồng nên cuộc sống cũng gặp không ít khó khăn. Cách đây gần 2 năm chị may mắn được HTX nông sản Võ Nhai nhận vào làm, với thu nhập trung bình 8 triệu đồng/tháng. Công việc hằng ngày của chị Hiệu là đóng gói các sản phẩm cho HTX. Chị Hiệu làm việc ở HTX đến nay đã được gần 5 năm.

Làm việc cùng xưởng với chị Hiệu còn có bà Phạm Thị Phương, sinh năm 1963 ở xóm Na Mấy. Trao đổi cùng chúng tôi, bà Phương tâm sự: So với đi làm thuê trước đây thì làm ở HTX đỡ vất vả hơn, việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo cho cuộc sống. Hiện mỗi tháng tôi được trả từ 7-8 triệu đồng/tháng, nhờ đó đã giúp tôi cải thiện được cuộc gia đình. Nhiều năm nay gia đình đã ra khỏi diện hộ nghèo của xã.

Tính đến hết tháng 6-2024, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang giải quyết việc làm cho 32 nghìn thành viên và người lao động; thu nhập bình quân của người lao động đạt 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, các HTX do người trẻ làm chủ đã và đang giải quyết việc làm thường xuyên, thời vụ cho nhiều lao động địa phương, có nhiều HTX đã tạo việc làm cho trên dưới 100 lao động.

Vũ Công - Thúy Hằng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202411/luong-gio-moi-cho-kinh-te-tap-the-bai-2-da-loi-ich-cho-nong-dan-31308a0/
Zalo