Thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển để xây dựng nông thôn mới
Kinh tế tập thể với trọng tâm là các hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới tại TP. Phú Quốc (Kiên Giang). Hoạt động hiệu quả, các hợp tác xã không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đáp ứng các tiêu chí phát triển bền vững.
Những chiếc xe tải nhỏ chở đầy cỏ voi rời khỏi Hợp tác xã nông nghiệp An Lành từ sáng sớm, đưa nguồn nguyên liệu tươi sạch đến doanh nghiệp trên địa bàn TP. Phú Quốc. Từ một vùng đất chỉ toàn cỏ dại, bằng sự đoàn kết và quyết tâm của 13 thành viên, hợp tác xã đã biến 16ha đất cằn cỗi thành khu vực sản xuất hiệu quả, cung cấp sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đồng thời mang lại thu nhập ổn định cho nhiều người lao động. Chỉ sau 3 năm, Hợp tác xã nông nghiệp An Lành đã khẳng định là một hình mẫu điển hình trong phát triển kinh tế tập thể, góp phần thúc đẩy nông thôn mới đảo ngọc.
Hợp tác xã nông nghiệp An Lành ra đời tháng 6-2021 với ngành nghề chính là chăn nuôi bò, heo và trồng cỏ voi, dừa, mít… Hợp tác xã nhanh chóng định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học và phân bón vô cơ. Kết quả, sản phẩm của hợp tác xã không chỉ đạt chất lượng cao mà còn tạo được uy tín trên thị trường địa phương. Hiện hợp tác xã cung cấp đều đặn 4 tấn cỏ voi mỗi ngày cho doanh nghiệp tại TP. Phú Quốc, đồng thời tạo việc làm cho gần 10 người lao động với mức thu nhập ổn định.
Chị Hứa Nguyễn Hồng Thanh là công nhân Hợp tác xã nông nghiệp An Lành, gắn bó với hợp tác xã từ những ngày đầu. Chị Thanh nói: “Mỗi tháng hai vợ chồng tôi thu nhập khoảng 15-16 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Chúng tôi yên tâm làm việc vì hợp tác xã đang ngày càng phát triển tốt”. Không chỉ giúp ổn định đời sống người lao động, Hợp tác xã nông nghiệp An Lành còn thu lợi nhuận hàng năm hơn 1,8 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.
Ông Nguyễn Văn Tại - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp An Lành nhìn nhận sự phát triển của hợp tác xã có được không chỉ nhờ nỗ lực của các thành viên mà còn nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và Phòng Kinh tế TP. Phú Quốc. Ông Tại cho biết: “Chính quyền đã hỗ trợ chúng tôi về vốn, kỹ thuật canh tác và con giống, tạo điều kiện thuận lợi để sản xuất phát triển bền vững. Chúng tôi luôn cam kết duy trì chất lượng sản phẩm và tiếp tục mở rộng quy mô”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Dương Tơ Nguyễn Phước Long, xã hiện có 8 hợp tác xã và 7 tổ hợp tác hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Thời gian qua, chính quyền đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, dạy nghề cho các thành viên hợp tác xã, đồng thời triển khai nhiều chương trình hỗ trợ vốn sản xuất. Xã nhận ủy thác hơn 1 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và hơn 200 triệu đồng từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân xã để hỗ trợ người dân vay vốn phát triển sản xuất. Hợp tác xã nông nghiệp An Lành được chính quyền địa phương đăng ký nhận hỗ trợ 500 triệu đồng thực hiện các dự án mô hình, phương án, kế hoạch liên kết chuỗi giá trị liên kết sản phẩm nông nghiệp từ nguồn vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong năm 2025.
Ở TP. Phú Quốc, phát triển kinh tế tập thể đang là động lực quan trọng giúp TP. Phú Quốc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện thành phố có 28 hợp tác xã, trong đó 20 hợp tác xã nông nghiệp và 8 hợp tác xã giao thông vận tải. Từ năm 2020 đến nay, thành phố thành lập mới 18 hợp tác xã, với các ngành, nghề đa dạng như trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ vận tải, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.
Các hợp tác xã đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp và thu nhập của người dân. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tại TP. Phú Quốc (trừ xã Thổ Châu) năm 2024 đạt khoảng 65 triệu đồng/người/năm, vượt xa tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Điều này không chỉ giúp nâng cao đời sống người dân mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Theo Trưởng Phòng Kinh tế TP. Phú Quốc Huỳnh Thanh Minh, các chương trình khuyến nông, hỗ trợ vốn và đào tạo kỹ thuật cho các hợp tác xã sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. “Chúng tôi cam kết tạo điều kiện tốt nhất để các hợp tác xã phát triển bền vững, trở thành động lực thúc đẩy kinh tế tập thể và xây dựng nông thôn mới”, ông Huỳnh Thanh Minh nhấn mạnh.
Kinh tế tập thể đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong việc thay đổi diện mạo nông thôn TP. Phú Quốc. Các mô hình như Hợp tác xã nông nghiệp An Lành không chỉ giúp người dân ổn định thu nhập mà còn tạo động lực phát triển toàn diện cho thành phố. Đây chính là minh chứng rõ nét cho sự kết hợp hiệu quả giữa nỗ lực của cộng đồng và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.