Củng cố, phát triển hợp tác xã tạo nền tảng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị
Thời gian qua, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Long An phát triển về số lượng nhưng chất lượng hoạt động còn những hạn chế nhất định. Do đó, việc củng cố, phát triển các HTX đang là vấn đề được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện.
Tập trung củng cố, phát triển hợp tác xã
Những năm gần đây, các HTX trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, khẳng định vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất, đóng góp tích cực cho tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Hiện toàn tỉnh có 249 HTX nông nghiệp, trong đó có 40 HTX ngưng hoạt động và 209 HTX đang hoạt động với tổng số 5.328 thành viên; 1.343 tổ hợp tác với 24.036 thành viên và 5 liên hiệp HTX.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, Sở phối hợp các sở, ngành liên quan tập trung đẩy mạnh tuyên truyền sâu, rộng Luật HTX và các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế hợp tác, góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển kinh tế hợp tác. Đồng thời, Sở tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cơ sở về phát triển kinh tế hợp tác; triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX;...
Mặt khác, Sở khuyến khích, hỗ trợ các HTX nâng cao năng lực tổ chức, điều hành theo hướng cơ cấu bộ máy tinh gọn, linh hoạt và năng động; mở rộng ngành, nghề trong các lĩnh vực như vận tải ở nông thôn, vệ sinh môi trường, thủy lợi, kênh, mương nội đồng,...
Nhìn chung, các HTX được củng cố, nâng chất theo hướng tích cực, đa dạng hóa về các ngành nghề và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu hợp tác, phát triển sản xuất. Hoạt động của các HTX được đổi mới, từng bước gắn với quyền và lợi ích của thành viên.
Theo Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh - Trần Hoài Bảo, các HTX bước đầu thực hiện được vai trò liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần chuyển dịch và cơ cấu lại kinh tế theo định hướng chung của tỉnh, nâng cao thu nhập cho các thành viên, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, bảo đảm an sinh xã hội.
Trước đây, gia đình anh Hồng Minh Tuấn (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) trồng 5ha lúa theo phương thức truyền thống. Mỗi năm, gia đình anh Tuấn trồng 2 vụ, năng suất đạt nhưng thường xuyên gặp điệp khúc “được mùa, rớt giá”. Qua các buổi tuyên truyền của Liên minh HTX tỉnh và địa phương, nhận thấy nhiều lợi ích khi tham gia HTX, anh tham gia HTX Nông nghiệp Hưng Tân (xã Hưng Thạnh). Anh Tuấn chia sẻ: “Khi tham gia HTX, các thành viên được giảm chi phí sản xuất nhờ mua chung nguyên liệu, vật tư nông nghiệp, áp dụng các quy trình sản xuất đồng bộ,...; đồng thời, HTX cũng bao tiêu đầu ra với giá cao hơn thị trường nên an tâm sản xuất”.
Xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị
Xác định liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu của các tổ hợp tác, HTX, hộ dân, cá thể, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện để phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, tỉnh hỗ trợ nhiều HTX đầu tư xây dựng hạ tầng, phối hợp đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ; hướng dẫn áp dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi;...
Để xây dựng HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị phát triển bền vững, HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp, qua đó giúp thành viên tiêu thụ nông sản. HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất với quy trình gần như khép kín từ giống, quy trình sản xuất, sản phẩm, sơ chế, đóng gói, vận chuyển đến nơi các đơn vị liên kết tiêu thụ.
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường, thời gian qua, HTX ký hợp đồng liên kết với các HTX lân cận, tổ hợp tác của huyện Thạnh Hóa, Châu Thành và TP.Tân An để đáp ứng đủ hàng hóa, đa dạng sản phẩm khi thời tiết bất lợi. HTX có chính sách và tạo điều kiện cho nông dân như đầu tư giống, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nhật ký đồng ruộng, tái đầu tư sản xuất; hỗ trợ thu mua nông sản của thành viên khi giá thị trường xuống thấp.
“Đồng thời, HTX quy hoạch trồng theo nhu cầu chuỗi và thị trường để hạn chế ùn ứ sản phẩm như trước đây; phát triển vùng trồng không bị ảnh hưởng bởi nước mặn, triều cường, tránh hàng hóa bị khan hiếm làm đứt gãy chuỗi cung ứng” - ông Nguyễn Quốc Cường cho biết.
Hiện các sản phẩm của HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh có mặt trong nhiều siêu thị, cửa hàng tại TP.HCM, hệ thống Co.opmart các tỉnh miền Tây, Satra Food và các công ty chế biến rau, củ, quả trên các địa bàn lân cận. Ngoài ra, sản phẩm của HTX cũng được đưa lên các sàn thương mại điện tử tiêu thụ với doanh thu rất khả quan.
HTX Long Hội (huyện Châu Thành) sản xuất thanh long theo quy trình GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học với diện tích 46ha. Tất cả sản phẩm của HTX đều được Công ty TNHH Một thành viên The Fruit Republic Cần Thơ ký kết hợp đồng bao tiêu xuất khẩu sang các thị trường khó tính, mang lại cho nông dân lợi nhuận ổn định từ 150-200 triệu đồng/ha.
Giám đốc HTX Long Hội - Trương Minh Trung cho biết: “Khi tham gia chuỗi liên kết, các thành viên HTX và nông dân được tiêu thụ nông sản với giá cả ổn định, an toàn, ít rủi ro. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng hỗ trợ về giống đạt chất lượng, vật tư nông nghiệp để nông dân an tâm sản xuất”.
Việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là cần thiết để hướng đến nền sản xuất hàng hóa hiện đại, mang lại giá trị tăng cao. Các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh là liên kết giữa người dân và doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Nhận thức của một bộ phận nông dân còn hạn chế, chưa thật sự tuân thủ những ràng buộc trách nhiệm với doanh nghiệp, vẫn có tâm lý bán hàng ra ngoài, phá vỡ cam kết khi giá thị trường lên cao,...
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, nhằm hỗ trợ các HTX nông nghiệp chuyển đổi mô hình liên kết chuỗi giá trị, Sở đã triển khai các chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, đến nay, Sở hỗ trợ 39 HTX xây dựng 11 dự án và 28 kế hoạch trên cây lúa, rau, chanh và con cá tra với kinh phí hỗ trợ thực hiện hơn 21,4 tỉ đồng. Nội dung hỗ trợ chủ yếu là giống chất lượng cao, vật tư nông nghiệp, phân bón hữu cơ,...
“Thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể; hỗ trợ thành lập mới HTX, chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 và xây dựng mô hình HTX điển hình. Đồng thời, Sở cũng phối hợp các sở, ngành, địa phương rà soát, sắp xếp lại các HTX hoạt động không hiệu quả; xử lý dứt điểm các HTX ngừng hoạt động. Sở đẩy mạnh hướng dẫn, khuyến khích các HTX phát triển sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ để tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin.
Thực tiễn cho thấy, kinh tế tập thể, HTX chính là nền tảng vững chắc để xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị hàng hóa bền vững và chỉ có HTX mới có khả năng liên kết người dân và doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị và mang lại lợi nhuận cao cho nông dân./.