Luôn chủ động trong công tác ứng phó triều cường

Trong những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai ngày càng trở nên gay gắt, thực tế là sạt lở, dông lốc xảy ra ngày càng nhiều làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Cùng với các loại hình thiên tai trên, thì triều cường (nước dâng) cũng thường xảy ra tại một số thời điểm trong năm, ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Triều cường diễn ra theo 'quy luật' nên các địa phương có ảnh hưởng loại hình thiên tai này đã chủ động triển khai phương án ứng phó, bảo vệ sản xuất và đảm bảo việc đi lại của người dân tại khu vực có xảy ra triều cường.

Xã Đại Hải là địa phương thuộc vùng trũng của huyện Kế Sách (Sóc Trăng) nên thường vào ngày 15, 30 thuộc các tháng 8, 9, 10, 11 âm lịch hằng năm, tại một số điểm và đặc biệt có một số tuyến đường chính của xã bị ảnh hưởng bởi triều cường, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, phương tiện vận chuyển và làm thiệt hại phần nào diện tích trồng hoa màu, cây ăn trái của hộ dân. Cụ thể, xã có tuyến Đường tỉnh 932B nối từ Quốc lộ 1A vào trung tâm xã, có chiều dài gần 10km, có khoảng 2km bị triều cường dâng làm ngập sâu trong nước và tuyến Đường tỉnh 932C nối từ trung tâm xã đến huyện Kế Sách cũng có vài đoạn bị ngập trong nước dài hơn 1km.

Đoạn đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Đại Hải, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) bị ngập do triều cường, ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân tại địa phương. Ảnh: THÚY LIỄU

Đoạn đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Đại Hải, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) bị ngập do triều cường, ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân tại địa phương. Ảnh: THÚY LIỄU

“Trước đây để khắc phục tình trạng ngập do triều cường dâng, người dân sống tại khu vực đó và chính quyền địa phương tiến hành đắp tạm các bao cát hay đất tạo thành kè chắn nước tràn qua mặt lộ giao thông. Còn đối với các vườn cây ăn trái, rẫy trồng màu của nông dân, hộ dân đều có đắp bờ bao ngăn triều cường. Tuy nhiên, triều cường chỉ diễn ra thời gian 2 - 3 ngày nên không gây thiệt hại nhiều đến trồng trọt, chủ yếu làm khó khăn cho người dân đi lại trên đường. Hiện tại, các tuyến Đường tỉnh 932B, Đường tỉnh 932C trên địa bàn xã Đại Hải đã được ngành chuyên môn nâng cấp hoàn thiện nên đợt triều cường vừa qua các tuyến đường trên không còn bị ngập”, đồng chí Trương Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Đại Hải thông tin.

Huyện Cù Lao Dung cũng là địa phương có triều cường thường xuyên xảy ra trong năm, mực nước dâng cao tràn vào nội đồng làm sạt lở bờ bao, công trình chống lũ lụt, phá hoại sản xuất mùa màng, cây ăn trái. Theo rà soát của địa phương, huyện Cù Lao Dung có tuyến đê biển dài 23km, tuyến đê Tả - Hữu dài 81km, có 29 cống nhỏ, 65 bọng, 102 bờ câu khoan đào và huyện có hơn 360 kênh, rạch, hơn 1.000km bờ bao trong dân. Hệ thống sông, rạch chiếm tỷ lệ hơn 31% diện tích tự nhiên của huyện và diện tích mặt nước sông, cửa biển chiếm hơn 37% diện tích tự nhiên của huyện. Trong đợt triều cường các tháng cuối năm 2024, các tuyến đê biển, đê bao Tả - Hữu, đê bao sông, bờ câu khoan đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Các đập, bờ bao cập các tuyến lộ giao thông ở các xã, thị trấn cơ bản đảm bảo; một vài điểm ở các tuyến lộ giao thông nông thôn, ở các xã có cao trình thấp còn xảy ra tràn cục bộ, nhưng đã được các xã bồi trúc kịp thời. Các bờ bao, bọng, đập trong dân tại các xã, thị trấn cơ bản giữ vững nhưng vẫn còn xảy ra một số điểm tràn gây ngập ruộng mía, diện tích ngập khoảng 10ha. Tuy nhiên, thời gian triều cường gây ngập ngắn nên không ảnh hưởng đến diện tích trồng mía.

Huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã đầu tư xây mới nhiều công trình phòng, chống sạt lở, triều cường dâng tại các địa phương trên địa bàn huyện. Ảnh: THÚY LIỄU

Huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đã đầu tư xây mới nhiều công trình phòng, chống sạt lở, triều cường dâng tại các địa phương trên địa bàn huyện. Ảnh: THÚY LIỄU

Để ứng phó triều cường, hằng năm, huyện Cù Lao Dung thường tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động người dân tự bồi trúc bờ bao, bọng của người dân và thường xuyên kiểm tra khi có triều cường dâng cao. Tuyên truyền người dân chăm sóc, thu hoạch an toàn trong các thời điểm triều cường để đảm bảo giảm thiệt hại thấp nhất khi có tình huống xảy ra. Vận động người dân gia cố bảo vệ các tuyến lộ giao thông nông thôn đoạn qua nhà, đất ở mỗi hộ dân. Riêng đối với huyện nhằm ứng phó triều cường, huyện thường xuyên tiến hành gia cố bờ bao, bọng đập, bờ câu khoan đào; gia cố sạt lở đường giao thông nông thôn; xây dựng bọng đập, chống triều cường.

Đồng chí Nguyễn Văn Đắc - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung cho biết, trên địa bàn huyện triều cường thường xảy ra từ tháng 9 của năm trước đến tháng 2 của năm sau. Vì vậy, để chủ động trong công tác ứng phó triều cường, huyện đã tổ chức trực ban, kể cả vào thứ Bảy, Chủ Nhật khi các đợt triều cường xảy ra, nhằm báo cáo nhanh tình hình triều cường hằng ngày về ngành chuyên môn cấp trên. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến của thời tiết, triều cường, sạt lở trên các hệ thống đê bao biển, đê bao Tả - Hữu Cù Lao Dung. Xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố tràn, sạt lở các tuyến đê bao trên địa bàn huyện.

Riêng các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, huyện đã giao địa phương chủ động rà soát, kiểm tra, gia cố các đoạn đê bao, bờ bao xung yếu trên địa bàn. Rà soát phương án phòng, kế hoạch chống thiên tai, ứng phó hiệu quả với các đợt triều cường trong năm và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, nhằm làm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân khi thiên tai, triều cường xảy ra. Tuyên truyền rộng rãi trong người dân về việc gia cố các đoạn đê bao, bờ bao xung yếu để người dân hiểu về công tác phòng, chống thiên tai và tích cực hưởng ứng, chủ động thực hiện. Các cơ quan, đơn vị có liên quan, các địa phương trên địa bàn huyện tổ chức trực 24/24 giờ nhằm chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra.

Mặc dù triều cường là loại hình thiên tai không gây ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và đời sống người dân, nhưng nếu không có biện pháp ứng phó, ngăn chặn kịp, thời triều cường sẽ tác động xấu đến sản xuất, đặc biệt là gây cản trở cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân. Do đó, việc ứng phó triều cường góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; nâng cao nhận thức cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

THÚY LIỄU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/202501/luon-chu-dong-trong-cong-tac-ung-pho-trieu-cuong-d784529/
Zalo