Thủ tướng Phạm Minh Chính truyền thông điệp quan trọng tại WEF 2025
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền đi thông điệp quan trọng tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam với chủ đề: Giải phóng tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam: Thúc đẩy đầu tư và đổi mới sáng tạo vì một tương lai hùng cường.
Chiều 21/1 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự và phát biểu, đối thoại tại Phiên Đối thoại chính sách đặc biệt “Bứt phá tới tương lai: Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu” trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Davos năm 2025.
Tâm điểm của Hội nghị WEF 2025 là Phiên Đối thoại chính sách đặc biệt "Bứt phá tới tương lai: Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu"
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên WEF 2025 với một tâm thế lớn, tự tin và bản lĩnh khi Việt Nam đang chuyển động mạnh mẽ, coi khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng mới, nhất là Bộ Chính trị vừa mới ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo quốc gia.
Trong chuyến công tác tham dự WEF lần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì một số cuộc tọa đàm về ứng dụng AI, kỷ nguyên thông minh và hình thành Trung tâm Tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các cuộc tọa đàm thu hút đông đảo tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và thế giới tham dự; thảo luận sôi nổi và chia sẻ thẳng thắn và đại diện các tập đoàn quốc tế đã đóng góp nhiều ý kiến bổ ích giúp Việt Nam góp phần hoàn thiện thể chế cho tiến trình này.
WEF đã tổ chức riêng những cuộc Đối thoại chiến lược quốc gia quan trọng liên quan Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền đi thông điệp quan trọng tại Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam với chủ đề: Giải phóng tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam: Thúc đẩy đầu tư và đổi mới sáng tạo vì một tương lai hùng cường. Đây là một trong số ít các hoạt động Đối thoại quốc gia được tổ chức tại Hội nghị WEF Davos năm nay và là Phiên Đối thoại chiến lược quốc gia lần thứ 4 mà WEF tổ chức với Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đối tác, nhà đầu tư tiếp tục đồng hành, hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển cả trong góp ý xây dựng, hoàn thiện thể chế, thu hút đầu tư chất lượng cao, xây dựng hạ tầng, ưu đãi tài chính, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ hiện đại, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị hiện đại.
Các doanh nghiệp nhiều lần bày tỏ ấn tượng với quyết tâm và cam kết của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường đầu tư hấp dẫn và sự quan tâm, ủng hộ rất cao cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tâm điểm của Hội nghị WEF lần này là Phiên Đối thoại chính sách đặc biệt "Bứt phá tới tương lai: Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu", được WEF sắp xếp làm điểm nhấn trong ngày làm việc chính thức đầu tiên của Hội nghị và là một trong 5 phiên đối thoại chính sách với người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ, những người được WEF đánh giá là có tầm nhìn, ảnh hưởng và khả năng truyền cảm hứng của hội nghị lần này.
Phiên đối thoại được truyền hình trực tiếp trên các nền tảng trực tuyến lớn của WEF. Thủ tướng nhấn mạnh, kỷ nguyên thông minh là một kỷ nguyên mà chính trị ổn định, không có chiến tranh; kinh tế phát triển nhanh nhưng phải bền vững, môi trường phải được bảo đảm và không ai bị bỏ lại phía sau.
Người dẫn chương trình nổi tiếng - Trưởng ban Biên tập tạp chí Financial Times Gillian Tett thường xuyên hỏi những câu khó, nhạy cảm như quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ nhưng Thủ tướng đã trả lời trôi chảy những câu hóc búa này, được các đại biểu đánh giá rất cao và nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng.
Đánh giá về bối cảnh quốc tế hiện nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh kỷ nguyên thông minh là một kỷ nguyên mà chính trị ổn định, không có chiến tranh; kinh tế phát triển nhanh nhưng phải bền vững, môi trường phải được bảo đảm và không ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt, kỷ nguyên thông minh phải đi đôi với phát triển trí tuệ thông minh, cơ sở dữ liệu.
Để chuẩn bị cho kỷ nguyên thông minh, Thủ tướng cho biết Việt Nam chủ trương thúc đẩy hoàn thiện thể chế, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể phát triển bình đẳng trong nền kinh tế nhiều thành phần, xác định phát triển trí tuệ nhân tạo Việt Nam phải dựa trên cơ sở dữ liệu của Việt Nam. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị mới ban hành về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ tạo cú hích mạnh mẽ cho đầu tư vào nghiên cứu phát triển.
Chính phủ Việt Nam cũng chú trọng bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ nhằm tạo khuôn khổ pháp lý bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ. Thủ tướng chia sẻ Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực thúc đẩy đầu tư, huy động nguồn lực xã hội, doanh nghiệp cho phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thông minh, dự kiến hoàn thành xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia trong tháng 6/2025.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh mặc dù là đất nước chịu nhiều thiệt thòi, có xuất phát điểm thấp, có nền kinh tế đang chuyển đổi, nên đầu tư nghiên cứu và phát triển còn hạn chế so với các quốc gia khác trong khu vực. Song những năm vừa qua, Việt Nam đang thúc đẩy thể chế khuyến khích R&D và huy động nguồn lực để đầu tư cho R&D. Với những nỗ lực đó, Việt Nam đã trở thành đối tác quan trọng về hợp tác nghiên cứu và phát triển và là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ lớn toàn cầu như Samsung, NVIDIA…
Trả lời câu hỏi về việc Việt Nam đã trao đổi với Chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chưa? Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, phía Việt Nam đã thảo luận với phía Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao đổi trực tiếp với Tổng thống Donald Trump; có những nội dung có thể công bố nhưng cũng có những nội dung còn đang trong quá trình thảo luận. Bà Gillian Tett cũng hỏi Thủ tướng có kế hoạch tới dinh thự Mar-a-Lago ở bang Florida của Tổng thống D.Trump và chơi golf với Tổng thống không? "Nếu chơi golf mà mang lại lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích cho đồng bào thì tôi không ngại và tôi sẵn sàng", Thủ tướng trả lời.
Trả lời câu hỏi khó về Phản hồi về các quan ngại liên quan tới thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ, Thủ tướng cho biết, Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe, trao đổi và giải quyết các vấn đề mà các đối tác quan tâm; Việt Nam mong muốn phát huy các lợi thế cạnh tranh, tăng cường nhập khẩu và hợp tác trong các lĩnh vực mà Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như hàng không, công nghệ cao…, đồng thời tăng cường trao đổi để hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn, với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", không tạo ra chiến tranh thương mại.
Thủ tướng khẳng định rằng, Việt Nam có đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn với tất cả các nước; là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cho nên Việt Nam là bạn với tất cả các nước, tất cả là đối tác tin cậy, trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Thủ tướng nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên".
Đối với câu hỏi Việt Nam có thể là bạn với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc không? Thủ tướng khẳng định rằng, Việt Nam có đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn với tất cả các nước; là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cho nên Việt Nam là bạn với tất cả các nước, tất cả là đối tác tin cậy, trong đó có Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong những năm vừa qua, Việt Nam đã làm tốt việc này, đóng góp vào phát triển quan hệ với hai nước.
Chia sẻ nhận định của bà Gillian Tett về các thách thức từ biển đối khí hậu và bảo đảm mục tiêu kép về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, Việt Nam cam kết mạnh mẽ đưa phát thải ròng về 0 và nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi xanh, sản xuất xanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng chia sẻ một số ví dụ cụ thể, có ý nghĩa lan tỏa như việc phát triển 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp để vừa đóng góp bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, vừa thúc đẩy tăng trưởng xanh. Riêng về lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tăng tốc, nỗ lực hoàn thiện thể chế nhằm khơi thông nguồn lực cho phát triển năng lượng tái tạo, bắt đầu khởi động dự án điện hạt nhân để bảo đảm nguồn cung năng lượng sạch cho phát triển đất nước.
Kết luận Phiên đối thoại, bà Gillian Tett chia sẻ ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài về Việt Nam là đất nước ấn tượng với quá trình chuyển đổi nền kinh tế trong suốt 4 thập kỷ đổi mới, duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian dài, thu hút số lượng lớn các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, giữ ổn định tài chính, tiền tệ và tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 7% ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn trong năm 2024.
Với mục tiêu tăng trưởng hai con số trong thời gian tới, Việt Nam sẽ trở thành hình mẫu của phát triển trên thế giới. Bà Gillian Tett chia sẻ đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp với cam kết của Chính phủ Việt Nam vì sự phát triển và lợi ích quốc gia dân tộc, theo lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh "đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên".
Sự thành công của phiên đối thoại chính sách năm thứ hai liên tiếp WEF góp phần củng cố vai trò, vị thế quốc tế, lan tỏa những thành tựu to lớn của đất nước trong những năm qua, cũng như tầm nhìn và triển vọng phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chuyến tham dự Hội nghị WEF lần thứ 55 của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thành công tốt đẹp; Việt Nam là tâm điểm của Diễn đàn WEF lần này, tạo được tiếng vang lớn, đóng góp vào thành công chung của sự kiện, được các nhà lãnh đạo đánh giá rất cao và đồng tình về các thông điệp, sáng kiến, đề xuất mà nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã đưa ra. Cộng đồng quốc tế đánh giá, trong bối cảnh thế giới phức tạp như hiện nay, việc các quốc gia có vị thế và vai trò ngày càng cao như Việt Nam tham gia tích cực vào những nỗ lực chung của thế giới là vô cùng quan trọng và cần thiết.
Nguồn: Nhân Dân, VGP