Nối nhịp bờ vui!

Những ngày cuối tháng Chạp, người dân thị trấn Đa Phước và xã Vĩnh Trường (huyện An Phú) vô cùng hân hoan, khi cầu Đa Phước - Vĩnh Trường chính thức thông xe. Đây là khát vọng trăm năm của người dân xã cù lao Vĩnh Trường, mở ra cơ hội phát triển mới cho vùng đất từng một thời phải ngăn sông, cách đò.

Một buổi sáng sương lạnh của những ngày cuối tháng Chạp, ông Đinh Quang Trạng (người dân xã Vĩnh Trường) hào hứng đến dự lễ khánh thành cầu Đa Phước - Vĩnh Trường. Với người nông dân đã gắn bó gần cả đời với xứ cù lao này, chiếc cầu mang đến niềm vui khó tả. Ông Trạng chia sẻ: “Trước đây, Vĩnh Trường là xã cù lao biệt lập với phần còn lại của huyện An Phú. Vì ngăn sông cách đò, đời sống người dân Vĩnh Trường gặp nhiều khó khăn, kinh tế cũng chậm phát triển hơn. Được các cấp chính quyền đầu tư xây dựng cầu nối cù lao này với các khu vực khác của huyện, đời sống người dân Vĩnh Trường sẽ khởi sắc lên”.

Huyện ủy, UBND huyện An Phú đã xây dựng cầu An Phú - Vĩnh Trường vào cuối năm 2024, giúp cho xã cù lao không còn ngăn cách. Nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng, nên cầu Đa Phước - Vĩnh Trường hình thành đã gỡ “nút thắt” về kết nối giao thông hàng trăm năm nay của vùng đất này.

Khánh thành cầu Đa Phước - Vĩnh Trường

Khánh thành cầu Đa Phước - Vĩnh Trường

Cùng niềm phấn khởi, ông Ông Mách Ta Rế (người dân ấp La Ma, xã Vĩnh Trường) khẳng định: “Người Chăm ở ấp La Ma rất mong chờ ngày cầu Đa Phước - Vĩnh Trường chính thức thông xe để việc đi lại, làm ăn, mua bán thuận lợi hơn. Bản thân tôi rất phấn khởi khi quê hương từng bước đổi mới, hệ thống cầu, đường ngày càng thông suốt giúp người Chăm có điều kiện nâng cao đời sống, cùng chung tay xây dựng quê hương Vĩnh Trường thêm phát triển”.

Ông Mách Ta Rế cũng cho hay, bản thân sẽ tích cực vận động cộng đồng người Chăm ở Vĩnh Trường nêu cao tinh thần đoàn kết, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền, tích cực ủng hộ các chủ trương của địa phương. Trong đó, cầu Đa Phước - Vĩnh Trường là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm, tạo điều kiện nâng cao đời sống người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, của các cấp chính quyền tỉnh An Giang.

Phát biểu tại lễ khánh thành cầu Đa Phước - Vĩnh Trường, Chủ tịch UBND huyện An Phú Trang Công Cường cho biết: “An Phú là huyện biên giới đầu nguồn của tỉnh, điều kiện kinh tế - xã hội và hạ tầng kỹ thuật còn nhiều khó khăn. Được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các sở, ngành tỉnh, nên hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện ngày càng được đồng bộ, đặc biệt là hệ thống giao thông. Trong đó, cầu Đa Phước - Vĩnh Trường là một trong những công trình trọng điểm của huyện An Phú giai đoạn 2021 - 2025, có ý nghĩa rất quan trọng đối với người dân thị trấn Đa Phước và xã Vĩnh Trường nói riêng, Nhân dân huyện An Phú nói chung”.

Chính thức thông xe cầu Đa Phước - Vĩnh Trường

Chính thức thông xe cầu Đa Phước - Vĩnh Trường

Nhằm bảo quản, khai thác hiệu quả cầu Đa Phước - Vĩnh Trường, Chủ tịch UBND huyện An Phú Trang Công Cường yêu cầu Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp UBND thị trấn Đa Phước và xã Vĩnh Trường thường xuyên theo dõi quá trình sử dụng, thực hiện tốt việc bảo trì, bảo dưỡng theo quy định, đảm bảo vệ sinh, mỹ quan để công trình sử dụng lâu dài.

Hiện nay, UBND huyện An Phú đang giao Ban Quản lý dự án Đầu tư - Xây dựng khu vực An Phú thuê tư vấn khảo sát, đề xuất đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường kết nối với cầu Đa Phước - Vĩnh Trường. Cụ thể, phía bờ thị trấn Đa Phước là đường nối từ Quốc lộ 91C tại điểm giao cầu này đi qua Tỉnh lộ 957. Bờ xã Vĩnh Trường là đường nối từ cầu đi ngang tuyến dân cư dân tộc Chăm, kết nối đường giao thông nông thôn của xã phía bên kia cù lao.

“Nếu cân đối được nguồn vốn đầu tư các tuyến đường kết nối này trong giai đoạn 2026 - 2030, sẽ giúp cho việc đi lại, giao thương của người dân thuận lợi hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của xã Vĩnh Trường, thị trấn Đa Phước nói riêng, huyện An Phú nói chung. Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các đồng chí nguyên là lãnh đạo huyện An Phú cùng các sở, ngành tỉnh đã luôn đồng hành, hỗ trợ để địa phương đầu tư các công trình trọng điểm, tạo sức bật vươn lên của huyện đầu nguồn trong năm 2025 và những năm tới” - Chủ tịch UBND huyện An Phú Trang Công Cường nhấn mạnh..

Cầu Đa Phước - Vĩnh Trường có kết cấu bê-tông cốt thép và bê-tông cốt thép dự ứng lực vĩnh cửu, tải trọng khai thác 13 tấn. Cầu có tổng chiều dài hơn 158m, chiều rộng mặt cầu 7m, chiều cao thông thuyền 3m so với đỉnh lũ cao nhất năm 2000 và 2011. Công trình có tổng kinh phí xây dựng hơn 40,13 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách tỉnh và huyện.

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/noi-nhip-bo-vui--a414003.html
Zalo