Lực lượng đang bảo vệ Tổng thống Hàn Quốc mạnh thế nào và nguy cơ là gì?

Được sự cho phép của thẩm phán, các điều tra viên từ Văn phòng Điều tra Tham nhũng (CIO) hôm 3/1 đã cố gắng tiến vào dinh thự Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol để thực hiện lệnh bắt giữ nhưng đã bị đội an ninh của ông ngăn lại.

Các sĩ quan của Cơ quan An ninh Tổng thống (PSS) sử dụng xe buýt, ô tô và dàn hàng ngang để ngăn chặn các điều tra viên, buộc họ phải rút lui vì lo ngại an toàn.

"Điều này cực kỳ đáng lo ngại" vì đây là sự đối đầu giữa các nhánh khác nhau của chính quyền, theo giáo sư Vladimir Tikhonov tại Đại học Oslo, cho biết. Tuy chưa xảy ra bạo lực, ông cảnh báo không có gì đảm bảo tương lai cũng như vậy.

PSS, được thành lập năm 1963, tương tự Cơ quan Mật vụ Mỹ, chịu trách nhiệm bảo vệ Tổng thống. Tổng thống Yoon đã bổ nhiệm Kim Yong Hyun, một người bạn học và cựu Bộ trưởng Quốc phòng, làm người đứng đầu PSS. Dù hiện đang bị giam giữ vì vai trò trong tuyên bố thiết quân luật, ông Kim Yong Hyun vẫn được coi là trung thành với Tổng thống Yoon.

 Lực lượng chức năng đến cổng Dinh Tổng thống để thi hành lệnh bắt giữ Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol tại Seoul, Hàn Quốc vào ngày 3 tháng 1 năm 2025. (Ảnh do AP cấp bản quyền, không phát hành lại)

Lực lượng chức năng đến cổng Dinh Tổng thống để thi hành lệnh bắt giữ Tổng thống bị luận tội Yoon Suk Yeol tại Seoul, Hàn Quốc vào ngày 3 tháng 1 năm 2025. (Ảnh do AP cấp bản quyền, không phát hành lại)

Các binh sĩ của Bộ Tư lệnh Phòng thủ Thủ đô, dưới quyền PSS, đã đứng ra đối đầu các điều tra viên và từ chối hợp tác. Theo ông Kim Ki Ho, cựu đại tá quân đội và giảng viên tại Đại học Christian Seoul, lực lượng này hoạt động với chuỗi chỉ huy nghiêm ngặt và buộc phải tuân thủ mệnh lệnh từ PSS.

PSS, từng có quyền lực lớn dưới thời kỳ của cựu Tổng thống Park Chung Hee, vẫn được trao quyền rộng rãi theo Đạo luật An ninh Tổng thống, cho phép bảo vệ các địa điểm quan trọng. Tuy nhiên, hành động ngăn chặn lệnh bắt giữ của PSS hôm 3/1 đã bị nhiều chuyên gia và chính trị gia chỉ trích là vi phạm hiến pháp và cản trở công lý.

Các nhóm công dân và chính trị gia đối lập đã đệ đơn khiếu nại hình sự chống lại Giám đốc PSS Park Jong Jun, cáo buộc ông lạm dụng quyền lực và cản trở nhiệm vụ chính thức. Theo giáo sư luật hiến pháp Lim Ji Bong, hành động này có thể dẫn đến án phạt nghiêm trọng.

Cuộc khủng hoảng hiện nay không chỉ đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp trong hành động của PSS mà còn làm nổi bật sự bất ổn nội bộ của Chính phủ Hàn Quốc, khi quyền lực giữa các nhánh đang bị thách thức công khai.

Ngọc Ánh (theo KOT, AFP, Yonhap)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/luc-luong-dang-bao-ve-tong-thong-han-quoc-manh-the-nao-va-nguy-co-la-gi-post328904.html
Zalo