Nguyên nhân khiến Honduras đe dọa trục xuất quân đội Mỹ

Honduras đã đe dọa trục xuất quân đội Mỹ, trả đũa cho kế hoạch trục xuất hàng loạt người tị nạn và người xin tị nạn của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Các chuyên gia cho biết, lời đe dọa xem xét lại quan hệ quân sự của Honduras đánh dấu một thời điểm quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ Latinh và Mỹ.

Tuyên bố cứng rắn của Tổng thống Honduras

Trong thông điệp năm mới 2025, Tổng thống Honduras Xiomara Castro đã dọa sẽ xem xét lại quan hệ hợp tác quân sự của nước này với Mỹ nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump thực hiện lệnh trục xuất hàng loạt người nhập cư không có giấy tờ.

Bà Xiomara Castro tuyên bố rằng, các cơ sở quân sự của Mỹ tại Honduras, đặc biệt là Căn cứ không quân Soto Cano, sẽ “mất hết lý do tồn tại” nếu lệnh trục xuất được áp dụng. Nhưng bà cũng tận dụng cơ hội này để chỉ trích sự hiện diện lâu dài của quân đội Mỹ trên đất Honduras nói chung.

Tổng thống Xiomara Castro đưa ra tuyên bố quan trọng được phát trên truyền hình quốc gia

Tổng thống Xiomara Castro đưa ra tuyên bố quan trọng được phát trên truyền hình quốc gia

“Trước thái độ thù địch nhằm trục xuất hàng loạt những người anh em của chúng ta, chúng ta sẽ phải cân nhắc thay đổi chính sách hợp tác với Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực quân sự, nơi mà trong nhiều thập kỷ, họ không trả một xu nào, vẫn duy trì các căn cứ quân sự trên lãnh thổ của chúng ta. Trong trường hợp này, chúng sẽ mất hết lý do tồn tại ở Honduras”, Tổng thống Xiomara Castro tuyên bố.

Tầm quan trọng của căn cứ quân sự Mỹ ở Honduras

Theo Al Jazeera, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Honduras tập trung chủ yếu ở Căn cứ không quân Soto Cano, nơi đi vào hoạt động vào những năm 1980, hiện là nơi trú ngụ của hơn 1.000 quân nhân và nhân viên dân sự Mỹ. Đây cũng là một trong số ít địa điểm để máy bay lớn trên tuyến Mỹ - Colombia có thể hạ cánh, ngoài Guantanamo.

Căn cứ này đóng vai trò là điểm xuất phát quan trọng cho việc triển khai nhanh chóng hoạt động của quân đội Mỹ trong khu vực, bao gồm cả việc cung cấp cứu trợ thiên tai và viện trợ, cũng như cho các hoạt động chống ma túy.

Vị trí của căn cứ này gần với các hành lang buôn bán ma túy ở Trung và Nam Mỹ, đồng thời cũng là nơi tập trung thiết yếu cho hoạt động giám sát và ngăn chặn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia đã chỉ trích việc Mỹ đưa quân đến đóng tại Soto Cano sau khi Washington ủng hộ chính phủ của Tổng thống Juan Orlando Hernandez, người đang thụ án 45 năm tù tại New York kể từ tháng 6-2024 vì phạm tội ma túy và rửa tiền. Mâu thuẫn ở chỗ Soto Cano được lập nên để chống lại nạn buôn bán ma túy trong khi Mỹ hợp pháp hóa và đổ hàng triệu USD vào một chính quyền tiếp tay cho tham nhũng và buôn lậu ma túy.

Binh sĩ Mỹ và Honduras trong các cuộc tập trận Zambrano Artillery Range ở Honduras

Binh sĩ Mỹ và Honduras trong các cuộc tập trận Zambrano Artillery Range ở Honduras

Các chuyên gia cho biết, lời đe dọa từ Honduras đánh dấu một thời điểm quan trọng trong địa chính trị Trung Mỹ. “Tôi nghĩ đây là một bước ngoặt thực sự hấp dẫn và mạnh mẽ trong vai trò của Mỹ khi cho rằng họ sẽ thống trị Tây Bán Cầu, đặc biệt là thống trị Trung Mỹ”, Dana Frank, Giáo sư danh dự về lịch sử tại Đại học California Santa Cruz cho biết.

Giáo sư Dana Frank cho biết, quân đội Mỹ đặc biệt có xu hướng giữ lại Soto Cano trong bối cảnh cạnh tranh với Trung Quốc, quốc gia không có sự hiện diện quân sự ở Trung Mỹ.

Honduras có khả năng thực hiện như thế nào?

Tuy nhiên theo giới phân tích, Honduras cũng không muốn mối quan hệ với Mỹ bị cắt đứt. Quốc gia này phụ thuộc vào kiều hối từ công dân ở nước ngoài: 27% GDP đến từ kiều hối vào năm 2022. Nếu không có kiều hối từ công dân ở Mỹ, nền kinh tế của Honduras cũng có thể bị ảnh hưởng lớn.

Cộng đồng người Honduras di cư lớn nhất là ở Mỹ, nơi có khoảng 5% dân số Honduras, với hơn 500.000 người sinh sống. Người Honduras đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động. Trong vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore vào tháng 3-2024, 1 trong 6 công nhân xây dựng thiệt mạng là công dân Honduras, trong khi những người khác là người nhập cư từ Mexico, Guatemala và El Salvador.

Bởi vậy, Honduras khó có thể im lặng trước những lời đe dọa trục xuất hàng loạt. Thứ trưởng Ngoại giao nước này Tony Garcia cho biết, khoảng 250.000 người Honduras có thể bị trục xuất khỏi Mỹ vào năm 2025, một con số mà quốc gia Trung Mỹ này không đủ khả năng tiếp nhận ngay lập tức.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích coi lời đe dọa nói trên là một chiến thuật đàm phán hơn là một sự thay đổi chính sách ngay lập tức và cho rằng Honduras không có đòn bẩy để tác động có ý nghĩa đến các chính sách của Mỹ.

Giáo sư Dana Frank mô tả động thái này là một “đòn tấn công phủ đầu” đối với chính quyền sắp nhậm chức và là sự khẳng định đáng kể về chủ quyền của Honduras và Trung Mỹ. Ông Trump đã cam kết trục xuất nhanh chóng những người nhập cư không có giấy tờ nhưng chưa có kế hoạch cụ thể nào, khiến các chính phủ Mỹ Latinh tìm cách ứng phó.

Yên Vũ

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nguyen-nhan-khien-honduras-de-doa-truc-xuat-quan-doi-my-post600433.antd
Zalo