Vụ thử tên lửa mới của Triều Tiên gửi đi tín hiệu gì cho chính quyền Trump?

Trong vụ thử nghiệm vũ khí đầu tiên kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Bình Nhưỡng dường như đã lựa chọn hướng tiếp cận cứng rắn thay vì thể hiện sự kiềm chế.

Người dân Seoul theo dõi bản tin về vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong hôm đầu tuần. Ảnh: WJS.

Người dân Seoul theo dõi bản tin về vụ thử tên lửa của Triều Tiên trong hôm đầu tuần. Ảnh: WJS.

Triều Tiên đã tiến hành vụ thử tên lửa đầu tiên kể từ khi ông Donald Trump đắc cử, một dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng dường như không vội vàng cắt giảm các hoạt động thử nghiệm này và quay lại với ngoại giao bất chấp sự thay đổi trong chính quyền Mỹ.

Vụ phóng tên lửa tầm trung trong hôm 6/1 đã chấm dứt gần 2 tháng không có các cuộc thử vũ khí của Triều Tiên. Lần gần đây nhất mà nước này thử nghiệm tên lửa chính vào ngay trước thời điểm mà người dân Mỹ đi bỏ phiếu bầu Tổng thống ngày 5/11/2024.

Trong lúc chỉ còn 2 tuần nữa là đến lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Donald Trump, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như vẫn đánh tín hiệu cứng rắn, từ chối thể hiện với ông Trump và nước Mỹ rằng ông đang mong muốn các cuộc đàm phán. Thay vào đó, Bình Nhưỡng dường như đi theo hướng ngược lại, theo đánh giá của một số hãng truyền thông phương Tây.

Trong bài phát biểu vào tháng 11/2024, vài tuần sau cuộc bầu cử Mỹ, Bình Nhưỡng đã hạ thấp hoạt động ngoại giao trước đó với Washington, tuyên bố rằng Mỹ vẫn áp dụng "chính sách hung hăng và thù địch không thay đổi" đối với họ.

Tại kỳ họp cuối năm, Đảng Lao động Triều Tiên đã quyết định ban hành biện pháp phản công "cứng rắn nhất" đối với Mỹ. Sau đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bỏ qua bài phát biểu năm mới từng được coi là diễn đàn chính sách đối ngoại của ông, nơi ông hé lộ về đường hướng và ưu tiên của Triều Tiên trong thời gian tới.

Sau ba cuộc gặp trực tiếp với ông Trump vào năm 2018 và 2019, Bình Nhưỡng đã buộc phải áp lệnh phong tỏa do lo ngại về Covid-19, sau đó là 4 năm hoàn toàn lạnh nhạt với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.

 Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won-shik cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Seoul hôm 6/1. Ảnh: WSJ.

Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won-shik cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Seoul hôm 6/1. Ảnh: WSJ.

Nhóm an ninh quốc gia sắp tới của ông Trump có sự tham gia của một số nhà đàm phán kỳ cựu từng làm việc với Triều Tiên. Tại Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa vào tháng 7/2024, ông Trump đã gợi ý rằng ông có thể kiểm soát tốt hơn mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên nếu ông trở lại Nhà Trắng.

"Thật tuyệt khi hòa thuận với ai đó sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân hoặc những thứ khác", ông Trump nói, đồng thời nói thêm rằng ông cảm thấy ông Kim "nhớ tôi".

Sự trở lại của ông Trump - Tổng thống Mỹ đầu tiên và duy nhất gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên - mang đến cho Bình Nhưỡng một cơ hội để đàm phán hiếm hoi, vấn đề chỉ là thời điểm và cách thức, theo Sungmin Cho, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sungkyunkwan ở Seoul. Trong quá trình chuẩn bị cho các cuộc đàm phán có thể xảy ra, ông Kim Jong-un có thể muốn tỏ ra mạnh mẽ hơn đối với Mỹ và ông Trump, bằng cách chứng minh cách các cuộc thử vũ khí của Triều Tiên có thể diễn ra mà không bị trừng phạt.

"Đối với ông Kim, cuộc thử nghiệm tên lửa thực sự là lời nhắc nhở rằng chúng tôi đang ở đây, chúng tôi có thể làm điều gì đó", ông Cho nói. "Vì vậy, đừng quên chúng tôi cho đến khi thời điểm thích hợp đến".

Theo vị chuyên gia, một lý do quan trọng cho màn phô diễn sức mạnh mới nhất là mối quan hệ chặt chẽ giữa Nga và Triều Tiên. Các nhà lãnh đạo của hai nước đã ký một hiệp ước phòng thủ chung vào tháng 6/2024 tại một hội nghị thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng. Triều Tiên đã cung cấp đạn dược, tên lửa và binh lính để giúp Nga chiến đấu với Ukraine. Trong khi đó, Moscow tăng cường thương mại xuyên biên giới và các hỗ trợ quân sự khác cho Triều Tiên.

Mối quan hệ quân sự của hai nước có thể trở nên sâu sắc hơn nữa, khi Nga thể hiện sự sẵn sàng cung cấp cho Triều Tiên công nghệ vệ tinh và không gian tiên tiến để đổi lấy sự hỗ trợ trên chiến trường Ukraine, Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết tại một cuộc họp báo hôm 6/1 ở Seoul, Hàn Quốc. Tuy nhiên, ông Blinken không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho việc chuyển giao công nghệ như vậy.

“Đây là con đường hai chiều”, ông Blinken, người đang trong chuyến công du nhiều chặng dừng bao gồm Nhật Bản và Pháp, cho biết. Những phát biểu của ông được đưa ra chỉ vài giờ sau vụ thử tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, mà ông lên án và gọi là một hành vi vi phạm khác đối với nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Vụ phóng tên lửa hôm đầu tuần này diễn ra vào khoảng trưa giờ địa phương, bay khoảng 680 dặm (1.094 km) trước khi rơi xuống vùng biển giữa Bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản, các quan chức Seoul và Tokyo cho biết. Bình Nhưỡng đã tiến hành các cuộc thử vũ khí vào tháng 1 trong suốt 4 năm qua.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/vu-thu-ten-lua-moi-cua-trieu-tien-gui-di-tin-hieu-gi-cho-chinh-quyen-trump-post181674.html
Zalo