Lực đẩy dòng vốn mới
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào chu kỳ đầu tư mới khi VN-Index bứt phá lên ngưỡng 1.500 điểm, được trợ lực bởi hệ thống chính trị tinh gọn, đồng bộ và nhất quán, với quyết tâm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua phát triển mạnh mẽ về chất lượng và quy mô hàng hóa
Khát vọng “vươn mình” của nền kinh tế và thị trường
Chuyên gia Dragon Capital trình bày về những chuyển biến nhanh chóng trên mọi mặt của nền kinh tế, thể hiện khát vọng và tầm nhìn lớn của hệ thống chính trị. Nếu những yếu tố này được chuyển hóa thành công, một “kỷ nguyên vươn mình” của thị trường chứng khoán cũng đang đến gần.
Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối Đầu tư của Dragon Capital chia sẻ, giai đoạn 2007 - 2025, chính sách mở cửa đón “đại bàng” về làm tổ, lấy “ngoại sinh là động lực” (thu hút các tập đoàn đa quốc gia và dòng vốn FDI) đã giúp dịch chuyển lao động sang các ngành công nghiệp năng suất cao, gia tăng tích lũy vốn và năng lực lao động.
Tuy nhiên, từ năm 2025 trở đi, các động lực “nội sinh” sẽ dẫn dắt chu trình lan tỏa: hình thành nên các cụm liên kết ngành; tạo dựng lợi thế cạnh tranh cốt lõi cho quốc gia. Điều này có nghĩa là Việt Nam phải tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Đây không chỉ là sự điều chỉnh chiến lược, mà còn là yếu tố mang tính quyết định đối với tăng trưởng của cả dân tộc trong thời đại mới.
Bộ Chính trị đã đặt ra mục tiêu mà Dragon Capital đánh giá là rất nghiêm túc và lớn lao: Việt Nam sẽ có ít nhất 20 doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Từ mục tiêu này, lần đầu tiên khối tư nhân được giao phó các sứ mệnh quốc gia, được dẫn dắt bởi sự đồng lòng, nhất trí cao độ và cùng nhìn về một hướng từ khối doanh nghiệp tư nhân và Chính phủ - một điều vô cùng khác biệt so với các năm trước.
Cải cách thể chế và pháp lý: Bung tỏa nguồn lực
Sự hỗ trợ từ bộ máy đồng nhất, với nhịp độ cải cách nhanh chóng (hợp nhất từ 18 còn 14 bộ, 63 xuống 34 tỉnh, thành phố) có thể khiến nhiều người bỡ ngỡ, nhưng nhịp độ này là cần thiết, như một cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp quy mô lớn.
Các cải cách về lập pháp cũng diễn ra mạnh mẽ: trong 1 năm qua, số lượng luật và nghị định được Nhà nước ban hành gấp 2 - 3 lần tổng số của 3 năm trước cộng lại. Đặc biệt, có các cơ chế đặc thù cho Chính phủ để giải quyết vướng mắc do cơ chế tạo ra. Nghị quyết số 206/2025/QH15 ngày 24/6/2025 cho phép Chính phủ được tháo gỡ các vướng mắc luật pháp, pháp lý mà Quốc hội chưa có thời gian để sửa luật.
Bà Đặng Nguyệt Minh - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu tại Dragon Capital đưa ra quan điểm: với khoảng 2.200 dự án đang vướng mắc có tổng số tiền đầu tư 235 tỷ USD (tương đương 50% GDP), chỉ cần các dự án này được tháo gỡ thì nguồn lực sắp tới được bung ra cho nền kinh tế sẽ rất mạnh mẽ.
Nâng hạng thị trường: Dấu mốc quan trọng và dòng chảy vốn mới
Thị trường vốn Việt Nam đang đứng trước nhiều cột mốc quan trọng trong năm 2025, với mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi, thu hút các dòng vốn trong và ngoài nước.
Dòng chảy vốn vào Việt Nam cũng đứng trước nhiều dấu mốc quan trọng, với mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi, thu hút các dòng vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong đó, câu chuyện nâng hạng đã được đề cập trong hơn 1 thập kỷ qua - từng khiến không ít nhà đầu tư nước ngoài chán nản. Tuy nhiên, hiện nay, từ cam kết, nó đã trở thành một chiến lược mang tính hệ thống, được phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành: Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Điều này thể hiện qua chiến lược với 3 trọng tâm chính: hoàn thiện thể chế, cải thiện và nâng cao hạ tầng kỹ thuật, chủ động đối thoại với các định chế tài chính.
Với chất xúc tác nâng hạng, nhiều thương vụ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) dự kiến được thúc đẩy mạnh mẽ trong giai đoạn 2026 - 2027, với quy mô niêm yết ước tính có thể đạt 47,5 tỷ USD cho 3 năm tới. Trong đó, 12,8 tỷ USD kỳ vọng đến từ mảng tiêu dùng với loạt tên tuổi lớn như Thaco Auto, Bách Hóa Xanh, Golden Gate và Highlands Coffee. Quy mô niêm yết mới trong mảng dịch vụ tài chính được dự báo đạt trên 5 tỷ USD, công nghệ đạt 4,7 tỷ USD, khách sạn đạt 2 tỷ USD, chăm sóc sức khỏe đạt 1,9 tỷ USD…
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương chia sẻ trong hội thảo mới đây, thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua phát triển mạnh mẽ về chất lượng và quy mô hàng hóa, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Nếu có thể thu hút được dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn từ các nhà đầu tư tổ chức và các quỹ đầu tư lớn, sẽ tạo ra nhiều tác động tích cực ở nhiều góc độ, góp phần phát triển hơn nữa kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc nâng hạng thị trường chứng khoán là một giải pháp có tính hiệu quả cao trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp.
Theo bà Phương, trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán Việt Nam là điểm mấu chốt để các tổ chức xếp hạng xem xét, đánh giá.
“Khi chúng ta đã hoàn thiện các cơ chế chính sách, tháo gỡ các điểm nút, thì việc các nhà đầu tư nước ngoài trải nghiệm trên thị trường Việt Nam là yếu tố hết sức quan trọng, vì chính họ mới là những người bỏ phiếu để chúng ta được nâng hạng”, bà Phương nhấn mạnh.
Do đó, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, vai trò của các công ty niêm yết (đơn vị cung cấp hàng hóa, cổ phiếu) là vô cùng quan trọng. Các công ty cần nâng cao chất lượng quản trị, công bố thông tin song ngữ đầy đủ bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Tương tự, các công ty chứng khoán góp phần quan trọng vào trải nghiệm của khối ngoại, với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ, cần nâng cao chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của nhà đầu tư. Nhà đầu tư trong nước cũng cần trang bị kiến thức bài bản, góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường.
Theo bà Phương, nâng hạng không phải điểm đến cuối cùng mà là một hành trình xây dựng, củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp và cơ quản quản lý.
Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới”
Nhân dịp 25 năm vận hành thị trường chứng khoán (28/7/2000 - 28/7/2025), Báo Tài chính - Đầu tư - cơ quan ngôn luận của Bộ Tài chính, tổ chức Tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới” vào 8h30 ngày 23/7/2025 tại địa chỉ 47 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội.
Tọa đàm quy tụ những nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia tài chính, các tổ chức đầu tư trong và ngoài nước, nhà đầu tư có nhiều năm gắn bó với thị trường chứng khoán cùng các cơ quan thông tấn, báo chí. Mục đích là nhằm thảo luận và tìm kiếm lực đẩy dòng vốn mới, cơ hội tăng trưởng, khơi thông thị trường vốn Việt Nam, đồng hành cùng chiến lược phát triển đất nước.
Nhiều quyết sách quan trọng được Đảng, Chính phủ ban hành trong thời gian gần đây đang tạo những trụ cột thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước tiến lên trong kỷ nguyên mới. Trong dòng chảy đó, thị trường vốn Việt Nam cũng đứng trước nhiều cột mốc quan trọng trong năm 2025, với mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi, thu hút các dòng vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động doanh nghiệp và nền kinh tế.
Hội thảo sẽ tập trung vào việc giải mã lực đẩy thực sự của dòng vốn trong giai đoạn mới, các chính sách vĩ mô trọng yếu, chuyển động dòng vốn và điều kiện để kích hoạt, thúc đẩy các dòng vốn. Qua đó, các thành viên thị trường có thể nhận diện, nắm bắt cơ hội, đồng thời thúc đẩy nỗ lực đổi mới, đồng hành, đóng góp vào giai đoạn phát triển mới của đất nước.