Giới công nghệ Trung Quốc tìm đến 'thiên đường mới'

TikTok, Huawei và Alibaba đang đẩy mạnh hiện diện tại Dubai, tận dụng chính sách mở cửa và tham vọng công nghệ của tiểu vương quốc khi giảm phụ thuộc vào dầu mỏ.

 Dubai thu hút nhiều công ty công nghệ Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Dubai thu hút nhiều công ty công nghệ Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Dubai đang trở thành điểm đến chiến lược cho các tập đoàn công nghệ Trung Quốc trong bối cảnh họ tìm cách mở rộng ra toàn cầu và vượt qua những khó khăn trong nước. Những cái tên như ByteDance, Huawei hay Alibaba hiện diện ngày càng rõ nét trong hệ sinh thái công nghệ đang phát triển nhanh chóng tại tiểu vương quốc vùng Vịnh.

Trung tâm của làn sóng này là Thành phố Internet Dubai (DIC), nơi tập trung hàng loạt trụ sở khu vực của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, Amazon, cùng với các đối thủ đến từ Trung Quốc. Tại đây, ByteDance, công ty sở hữu TikTok vận hành một văn phòng quy mô lớn với hàng trăm nhân viên. Chuyến thăm của CEO TikTok Chew Shou Zi trong năm 2024 càng củng cố cam kết mở rộng hoạt động của công ty tại Dubai.

“Dubai khiến tôi có cảm giác như đang sống trong thời kỳ bùng nổ công nghệ. Các công ty vẫn mạnh tay đầu tư, mở rộng và tuyển dụng, điều hoàn toàn trái ngược với bối cảnh tại Trung Quốc lúc này", Angela Ji, nhân viên TikTok từng làm việc tại Bắc Kinh chia sẻ.

Chính sách mở cửa của Dubai là chất xúc tác mạnh mẽ cho xu hướng này. Chính quyền thành phố đã thiết lập nhiều khu vực tự do như DIC hay Dubai Silicon Oasis, cho phép doanh nghiệp nước ngoài sở hữu 100% vốn. Đồng thời, chương trình “Thành phố thông minh” do Digital Dubai Authority triển khai tạo môi trường thuận lợi để công nghệ phát triển và thu hút đầu tư.

Huawei là một trong những công ty công nghệ Trung Quốc đặt nền móng sớm tại Dubai, với văn phòng khu vực được mở từ năm 2016. Từ đây, tập đoàn mở rộng hoạt động sang viễn thông, điện toán đám mây và tiêu dùng điện tử. Hiện Huawei có 6 cửa hàng tại UAE, trong đó 4 chi nhánh đặt tại Dubai. Theo một nhân viên bán hàng, các mẫu điện thoại như Mate X6, Mate X5 hay Pura 80 đều bán chạy và được người tiêu dùng địa phương ưa chuộng.

Ở mảng điện toán đám mây, Huawei cạnh tranh trực tiếp với Alibaba Cloud, Microsoft và Amazon Web Services. Năm ngoái, tại hội chợ Gitex Global, Huawei ra mắt Cloud Stack 8.5 dành cho thị trường Trung Đông và Trung Á. Công ty hiện có hơn 6.000 đối tác trong khu vực.

Trên đường Sheikh Zayed, trục giao thông chính của Dubai, các showroom xe điện BYD, Nio và Zeekr được so sánh với Bentley hay Rolls-Royce, cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng rõ nét của các thương hiệu Trung Quốc trong quá trình định hình tương lai số của Dubai.

Minh Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/gioi-cong-nghe-trung-quoc-tim-den-thien-duong-moi-post1570492.html
Zalo