Xã Đạo Trù (Thú Thọ): Ổn định sau sáp nhập, hướng đến phát triển bền vững
Xã Đạo Trù sau khi sáp nhập địa giới hành chính, một vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử của tỉnh Phú Thọ, đã bước vào giai đoạn phát triển mới. Dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng sau khi sáp nhập và chính thức triển khai mô hình chính quyền hai cấp, xã Đạo Trù đang dần ổn định và chứng minh được hiệu quả hoạt động, phục vụ tốt nhất cho người dân.

Trụ sở UBND xã Đạo Trù, tỉnh Phú Thọ
Đồng thuận từ người dân, nỗ lực từ cán bộ
Theo ông Lưu Xuân Năm, Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Trù, tỉnh Phú Thọ, một trong những yếu tố then chốt giúp Đạo Trù nhanh chóng đi vào ổn định chính là sự đồng thuận của người dân đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính mới. Xã Đạo Trù hiện nay được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Đạo Trù và xã Yên Dương cũ, thuộc huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc (cũ). Với tổng diện tích tự nhiên 8.372,13 ha, 5.905 hộ dân và 24.522 nhân khẩu, trong đó dân tộc Sán Dìu chiếm tới 76%, cùng 21 thôn dân cư, việc ổn định bộ máy và tư tưởng người dân là ưu tiên hàng đầu.

Ông Lưu Xuân Năm - Phó Chủ tịch UBND xã Đạo Trù, tỉnh Phú Thọ
Sự đồng lòng của bà con, đặc biệt là đồng bào Sán Dìu và 9 dân tộc khác trong xã, đã tạo nên sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn. Ông Năm nhấn mạnh: "Phần lớn người dân xã Đạo Trù là người đồng bào Sán Dìu, khi mà người dân đã thuận rồi thì làm rất dễ, khi đã nghịch thì rất khó. Chính vì đồng bào ủng hộ, nên sau khi sáp nhập và chính thức triển khai mô hình chính quyền hai cấp, xã Đạo Trù đã từng bước vượt qua khó khăn, bước đầu đạt được hiệu quả nhất định. Sự đoàn kết này là nền tảng vững chắc để xã thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, sâu rộng, hướng tới mục tiêu Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đột phá - Phát triển”.
Đạo Trù sở hữu tiềm năng dồi dào về đất đai, nông - lâm nghiệp, du lịch và văn hóa. Địa phương có nhiều giá trị truyền thống đặc sắc như lễ hội vật cổ truyền, làn điệu Soọng cô của dân tộc Sán Dìu. Đây là những lợi thế quý để phát triển kinh tế và du lịch bền vững.
Bên cạnh đó, xã còn nhận được sự hỗ trợ từ các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, cùng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới được ban hành kịp thời, đã tạo điều kiện thuận lợi cho Đạo Trù trong chặng đường phát triển mới.
Mặc dù có nhiều thuận lợi, xã Đạo Trù cũng đang đối mặt với không ít khó khăn. Điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế, địa bàn rộng, vị trí địa lý xa khu vực trung tâm, nguồn lực đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nguồn thu ngân sách xã còn thấp, không ổn định, chủ yếu từ nguồn cấp trên hỗ trợ, dẫn đến thiếu tính chủ động và bền vững.
Đặc biệt, vấn đề nhân sự là một thách thức lớn. Với tổng biên chế 58 người nhưng hiện tại chỉ có 41 biên chế, nhiều cán bộ phải di chuyển quãng đường xa, hơn 30km đến trụ sở làm việc. Để khắc phục tình trạng này, lãnh đạo xã đã nỗ lực ổn định tâm lý, bố trí văn phòng, đặc biệt là quan tâm đến đời sống của cán bộ như bếp ăn, chỗ ngủ trưa và phương tiện đi lại…. Ông Năm nhấn mạnh: "Quan điểm làm việc phải tin tưởng vào cán bộ của mình, đừng hành chính quá, phải ưu tiên cho người dân trước."





Hình ảnh người dân làm thủ tục hành chính tại UBND xã Đạo Trù, tỉnh Phú Thọ
Giải pháp chiến lược và tầm nhìn dài hạn
Tuy đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu, ông Lưu Xuân Năm cho rằng, để phát huy tối đa tiềm năng và khắc phục triệt để những hạn chế, xã Đạo Trù cần có những giải pháp mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn.
Về quy hoạch, xã đang kiến nghị tỉnh hỗ trợ quy hoạch vùng nông nghiệp và cụm công nghiệp. Điều này vô cùng cần thiết khi đa số người dân vẫn dựa vào nông nghiệp hoặc nguồn thu từ việc đi làm tại các khu công nghiệp lân cận. Đạo Trù có nhiều thế mạnh về nông sản đặc trưng như ba kích, dưa hấu, dưa bở, ớt… Việc quy hoạch cụm công nghiệp sẽ tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hơn.
Cùng với đó, việc quy hoạch các điểm du lịch cộng đồng như hồ trữ nước Đồng Mỏ, hồ trữ nước Vĩnh Thành, khu Dốc Dít, thác Bạc cũng được xem là một hướng đi đầy tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn văn hóa và nâng cao đời sống người dân. Xã Đạo Trù cũng tập trung mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, triển khai quy hoạch xã gắn với phát triển nông nghiệp hàng hóa, du lịch (sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa) và xây dựng vùng nông thôn đáng sống.
Đạo Trù sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển dịch vụ, du lịch (ven sông Phó Đáy, tổ hợp thương mại, dịch vụ, tượng đài chiến thắng, Thác Hóng túi léc, Hang Đạo Trù, Dốc Dít, Hồ Vĩnh Ninh, Hồ Đồng Mỏ… và bản sắc văn hóa dân tộc Sán Dìu). Đồng thời, đa dạng hóa liên doanh, liên kết trong phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch, xây dựng và hình thành nên khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, trải nghiệm.
Trong nông nghiệp, xã tập trung quy hoạch vùng sản xuất tập trung nhằm phát triển nông nghiệp gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ, tạo sản phẩm chất lượng gắn với phát triển du lịch. Ưu tiên các vùng sản xuất hàng hóa tập trung hướng tới các sản phẩm đặc trưng của địa phương và tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn VietGap.
Với sự đồng thuận từ nhân dân, nỗ lực của cán bộ và những định hướng chiến lược rõ ràng, sau sáp nhập và vận hành chính quyền địa phương theo mô hình mới, xã Đạo Trù đang từng bước khẳng định vị thế, hứa hẹn một tương lai phát triển bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới, đưa quê hương phát triển nhanh, hùng cường, thịnh vượng.