Luật Việc làm (sửa đổi) bảo đảm linh hoạt và phù hợp với thực tiễn

Quốc hội lắng nghe, sửa Luật Việc làm sát thực tiễn nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động và thích ứng với bối cảnh mới của thị trường lao động Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). (Ảnh: Vietnam+)

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). (Ảnh: Vietnam+)

Thị trường lao động Việt Nam đang trải qua những biến động mạnh mẽ do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và những thách thức từ các yếu tố kinh tế-xã hội. Do đó, việc sửa đổi Luật Việc làm trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Tiếp thu tối đa theo tinh thần đổi mới

Ngày 7/5/2025, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi). Báo cáo cho thấy quá trình làm việc nghiêm túc, cầu thị của Quốc hội trong việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ nhiều phía để hoàn thiện dự thảo luật.

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), sau quá trình tiếp thu ý kiến đóng góp từ các đại biểu Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và chuyên gia, đã được chỉnh lý theo hướng sát thực tế, đảm bảo tính linh hoạt trong điều hành và khả thi khi triển khai, kỳ vọng mang đến một khung pháp lý hoàn thiện hơn, bảo vệ quyền lợi người lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường lao động.

Theo báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý, quán triệt Nghị quyết số 27-NQ/TW cùng tinh thần đổi mới công tác lập pháp theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và đồng chí Chủ tịch Quốc hội. Kết quả là dự thảo đã hoàn thiện về cơ bản, gồm 08 chương, 58 điều, giảm 01 chương và 36 điều so với dự thảo trình tại kỳ họp trước. Sự tinh gọn này cho thấy nỗ lực loại bỏ những quy định rườm rà, chồng chéo, tập trung vào những nội dung cốt lõi, thiết yếu để đảm bảo tính hiệu quả và khả thi của luật.

Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Luật là những chỉnh lý liên quan đến đăng ký lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động. Cụ thể, Chương III của dự thảo quy định về đăng ký lao động đã được chỉnh lý rõ ràng hơn, từ nguyên tắc đăng ký, quyền và nghĩa vụ của người lao động, đến cơ chế kết nối, cập nhật thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.

Đặc biệt, dự thảo giao Chính phủ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục nhằm đảm bảo tính thống nhất đồng thời khuyến khích người lao động chủ động đăng ký và tăng trách nhiệm của người sử dụng lao động. Điều này thể hiện sự tin tưởng vào khả năng điều hành linh hoạt của Chính phủ đồng thời nhấn mạnh vai trò chủ động của cả người lao động, người sử dụng lao động trong việc xây dựng và phát triển thị trường lao động.

 Dự thảo Luật kỳ vọng mang đến một khung pháp lý hoàn thiện hơn, bảo vệ quyền lợi người lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường lao động. (Ảnh: Vietnam+)

Dự thảo Luật kỳ vọng mang đến một khung pháp lý hoàn thiện hơn, bảo vệ quyền lợi người lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường lao động. (Ảnh: Vietnam+)

Đảm bảo linh hoạt trong điều hành

Bên cạnh đó, Chương IV về hệ thống thông tin thị trường lao động được tiếp thu theo hướng chỉ quy định nguyên tắc chung. Các nội dung như khái niệm hệ thống thông tin, nội dung thông tin thị trường lao động, trách nhiệm của Bộ Nội vụ và các bên liên quan được hoàn thiện để dễ dàng kết nối, khai thác, cập nhật dữ liệu. Chính phủ sẽ tiếp tục ban hành các quy định chi tiết để đảm bảo vận hành linh hoạt, hiệu quả.

Về tổ chức đánh giá kỹ năng nghề quốc gia (Điều 26), có đề xuất quy định giá trần nhằm kiểm soát chi phí. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định điều này không phù hợp với nguyên tắc thị trường và pháp luật hiện hành. Hiện 52 tổ chức được cấp giấy chứng nhận đánh giá kỹ năng nghề đều tự định giá theo luật giá, không quy định giá trần.

Dự thảo Luật cũng không quy định chi tiết cơ cấu tổ chức Trung tâm dịch vụ việc làm như trước đây. Thay vào đó, luật quy định tổ chức dịch vụ việc làm gồm cả tổ chức công và doanh nghiệp. Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm ban hành các điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức này.

Một nội dung từng gây nhiều tranh luận là quy định về thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng không được bảo lưu để tính trợ cấp tiếp theo. Dự thảo trình tại kỳ họp thứ 8 từng bổ sung quy định này, vốn trước đó chỉ có trong Thông tư số 15/2023/TT-BLĐTBXH. Tuy nhiên, theo hướng tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định này đã được rút khỏi dự thảo.

Một điểm đáng chú ý khác là trách nhiệm thông báo tìm kiếm việc làm hằng tháng của người lao động. Thay vì bắt buộc đến trực tiếp Trung tâm dịch vụ việc làm như quy định hiện hành, dự thảo mới cho phép hình thức linh hoạt hơn, tạo thuận lợi trong thời kỳ chuyển đổi số.

 Dự thảo Luật cũng không quy định chi tiết cơ cấu tổ chức Trung tâm dịch vụ việc làm như trước đây. (Ảnh: Vietnam+)

Dự thảo Luật cũng không quy định chi tiết cơ cấu tổ chức Trung tâm dịch vụ việc làm như trước đây. (Ảnh: Vietnam+)

Nhiều đại biểu cũng đề nghị bổ sung chính sách cho các nhóm yếu thế, các tình huống khẩn cấp như khủng hoảng, thiên tai, và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh do nữ làm chủ. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định rằng dự thảo Luật hiện đã có quy định hỗ trợ bao trùm, không phân biệt đối tượng đồng thời dẫn chiếu các quy định hỗ trợ đặc thù đã được quy định tại nhiều luật chuyên ngành khác như Luật Người khuyết tật, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp...

Dự thảo Luật cũng tiếp thu và chỉnh lý về ngôn ngữ, văn phong, kỹ thuật lập pháp tại hầu hết các điều, khoản nhằm đảm bảo tính rõ ràng, mạch lạc, dễ áp dụng. Ngoài những vấn đề nêu trên, báo cáo cũng tổng hợp 38 nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và 12 nhóm nội dung mới so với Luật hiện hành.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian tới, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh mới./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/luat-viec-lam-sua-doi-bao-dam-linh-hoat-va-phu-hop-voi-thuc-tien-post1037094.vnp
Zalo