Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi) phù hợp với xu hướng cải cách thuế

Trả lời phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Văn Hiến cho rằng, việc thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng thời điểm này là rất phù hợp với thực tế tại Việt Nam, phù hợp với xu hướng cải cách thuế giá trị gia tăng của các nước và thông lệ quốc tế.

Trong bối cảnh hiện nay, tiếp tục giảm 2% thuế GTGT là cần thiết, nhưng không nên kéo dài.

Trong bối cảnh hiện nay, tiếp tục giảm 2% thuế GTGT là cần thiết, nhưng không nên kéo dài.

PV: Quốc hội vừa thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) với nhiều điểm mới. Ông có bình luận gì về việc này?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Tôi cho rằng, việc thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) thời điểm này là rất phù hợp với thực tế tại Việt Nam, phù hợp với xu hướng cải cách thuế GTGT của các nước. Sửa đổi Luật Thuế GTGT góp phần hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Luật thuế GTGT sửa đổi lần này đã bám sát các nhóm chính sách, bao gồm: hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT; quy định về giá tính thuế GTGT; quy định về thuế suất thuế GTGT; quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào và hoàn thiện các quy định về hoàn thuế GTGT. Qua đó, bảo đảm tính minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện luật, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; đảm bảo thu đúng, thu đủ vào NSNN, ổn định nguồn thu NSNN.

Ngăn hoàn thuế cho hóa đơn giả

Luật Thuế GTGT sửa đổi đã bổ sung quy định về điều kiện để được hoàn thuế. Trong đó, người mua chỉ được hoàn thuế trong trường hợp “người bán đã kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định đối với hóa đơn đã xuất cho cơ sở kinh doanh đề nghị hoàn thuế”, tạo căn cứ pháp lý cho cơ quan thuế chỉ giải quyết hồ sơ hoàn thuế khi bên bán đã kê khai và nộp tiền vào NSNN. Do đó, sẽ không xảy ra trường hợp hoàn thuế cho các hóa đơn giả khi không có giao dịch và không có số thuế đầu vào đã được nộp vào ngân sách.

Đồng thời, việc sửa luật đã khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Thuế GTGT thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan.

PV: Có nhiều nội dung mới, được sửa đổi, bổ sung trong Luật Thuế GTGT lần này, như: quy định thuế suất 5% với mặt hàng phân bón, ngưỡng doanh thu chịu thuế..., ông nhận định như thế nào về những quy định mới này?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Một trong những điểm mới của luật là quy định thuế suất 5% đối với mặt hàng phân bón. Đây là nội dung có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận. Theo tôi, việc quy định mức thuế 5% này là hợp lý, đem lại lợi ích cho cả người dân và các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Các doanh nghiệp trong nước sẽ được hoàn thuế GTGT đầu vào, giúp giảm chi phí sản xuất, từ đó cải thiện lợi nhuận. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào thường chiếm 50 - 80% tổng chi phí sản xuất và chịu thuế GTGT từ 5 - 10%. Việc được khấu trừ thuế GTGT sẽ giảm áp lực tài chính đáng kể cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, doanh nghiệp vì thế sẽ giảm được giá bán ra để tăng tính cạnh tranh hơn trên thị trường. Người tiêu dùng cuối cùng là nông dân được lợi vì giá cả ổn định, giảm đi so với khi phân bón không có thuế GTGT như hiện nay.

Một nội dung khác cũng rất đáng lưu ý là quy định nâng mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh lên mức 200 triệu đồng thay vì mức 100 triệu đồng như trước đây. Điều này là tương đối phù hợp với tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ năm 2013 đến nay, phù hợp với sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay...

PV: Từ thực tiễn triển khai Luật thuế GTGT thời gian qua, ông thấy đâu là những bài học kinh nghiệm cần rút ra để việc thực thi luật này đạt được hiệu quả tốt?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Trước hết đó là sự rõ ràng và minh bạch trong quy định thuế cũng như trong các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Sự rõ ràng, minh bạch này không chỉ giúp nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế mà còn giúp cho việc quản lý thuế cũng thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, việc thực thi luật cần phải đảm bảo mọi thủ tục đơn giản, nhanh chóng, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển, giúp doanh nghiệp tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí.

Cùng với đó, lắng nghe và trao đổi cũng là điều quan trọng phải lưu ý trong quá trình thực thi. Cần có sự trao đổi qua lại và hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan thuế, doanh nghiệp và cộng đồng để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh, đảm bảo rằng chính sách thuế được triển khai một cách hợp lý và có hiệu quả cao nhất.

Ngoài ra, do Luật Thuế GTGT sửa đổi có nhiều điểm mới nên trong thời gian chờ luật có hiệu lực thi hành (1/7/2025), cơ quan thuế cũng như chính quyền các địa phương cần phải có hoạt động phổ biến, tuyên truyền truyền rộng rãi cho người dân, doanh nghiệp hiểu được rõ hơn về luật này để việc tuân thủ được thuận lợi.

Đó là những vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm để đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất và mang lại hiệu quả cao nhất.

PV: Xin cảm ơn ông!

Giảm thuế giá trị gia tăng kích cầu tiêu dùng

Cho ý kiến về việc tiếp tục giảm thuế GTGT, TS. Nguyễn Văn Hiến cho rằng việc Bộ Tài chính, Chính phủ đề xuất với Quốc hội tiếp tục giảm thuế GTGT 2% là một chính sách đúng, trúng và phù hợp với bối cảnh hiện tại của nền kinh tế. Mặc dù bước sang năm 2025, sự phục hồi kinh doanh có nhiều dấu hiệu tích cực nhưng hoạt động của các doanh nghiệp, tiêu dùng trong nước vẫn chưa lấy lại được đà tăng trưởng như trước đại dịch. Vì vậy, tiếp tục giảm GTGT sẽ là một hành động tài khóa cần thiết để kích cầu.

Việc giảm thuế GTGT tạo tác động lan tỏa. Bản chất của thuế GTGT là thuế gián thu nên thuế này sẽ tác động vào mặt bằng giá cả của xã hội. Giảm thuế GTGT sẽ thấy rất rõ tác động vào mặt bằng giá tiêu dùng. Khi giá đầu vào được giảm thì các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có cơ sở để bán sản phẩm đầu ra thấp hơn.

Giá hàng tiêu dùng giảm, một mặt vừa đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho đời sống của nhân dân; mặt khác sẽ tác động dù làm giảm thu NSNN nhưng cũng có tác động kích thích sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó cũng góp phần tạo thêm nguồn thu cho NSNN. Thực tế kết quả thực hiện chính sách này từ năm 2022 đến nay đã chứng minh được hiệu quả tích cực.

Tuy nhiên, cũng theo TS. Nguyễn Văn Hiến, trong bối cảnh hiện nay, tiếp tục giảm 2% thuế GTGT là cần thiết, nhưng không nên kéo dài. Bởi chính sách này đã được thực hiện trong thời gian dài từ năm 2022, ngân sách hiện nay cũng cần cân bằng trở lại. Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cũng đã ổn định hơn, nếu tiếp tục kéo dài có thể khiến cho động lực của doanh nghiệp sẽ giảm đi.

Luyện Vũ (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/luat-thue-gia-tri-gia-tang-sua-doi-phu-hop-voi-xu-huong-cai-cach-thue-165322-165322.html
Zalo