Thị trường tiền tệ toàn cầu chấn động sau tuyên bố mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump

Tuyên bố áp thuế 100% đối với các nước BRICS của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã gây chấn động mạnh trên thị trường tiền tệ toàn cầu. Ngay lập tức, đồng USD tăng giá, trong khi đó đồng Nhân dân tệ, Euro, và real Brazil ở chiều ngược lại.

Thị trường tiền tệ toàn cầu chấn động mạnh

Theo tờ Wall Street Journal ngày 2/12, những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cuối tuần qua về việc áp thuế mới đang gây ra những chấn động mạnh mẽ trên thị trường tiền tệ toàn cầu.

Đồng đô la Mỹ tại quầy giao dịch ngoại hối ở Rawalpindi, Pakistan. Ảnh: THX/TTXVN

Đồng đô la Mỹ tại quầy giao dịch ngoại hối ở Rawalpindi, Pakistan. Ảnh: THX/TTXVN

Theo đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tuyên bố cứng rắn về việc sẽ áp thuế 100% đối với các nước BRICS nếu họ tạo ra đồng tiền mới thay thế USD.

"Đã đến lúc chấm dứt ảo tưởng của những nước BRICS rằng chúng ta sẽ đứng yên nhìn họ tách khỏi đồng USD", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social. "Chúng tôi yêu cầu các quốc gia này cam kết không tạo ra một loại tiền tệ mới của khối BRICS, cũng như không ủng hộ bất kỳ loại tiền tệ nào khác để thay thế đồng USD hùng mạnh. Nếu không, họ sẽ phải đối mặt với mức áp thuế 100% và nên chờ đến ngày nói lời tạm biệt với việc bán hàng hóa vào nền kinh tế tuyệt vời của Mỹ".

Sau khi ông Trump công bố kế hoạch áp thuế 100% đối với các quốc gia cố gắng thay thế USD làm đồng tiền dự trữ toàn cầu, ngay lập tức, đồng đô la Mỹ (USD) đã tăng giá. Theo đó, sáng 2/12, chỉ số USD tăng lên mức 106,170 trong phiên giao dịch tại Sydney, đánh dấu mức tăng ấn tượng 1,8% trong tháng 11, bất chấp sự sụt giảm trong tuần cuối cùng của tháng.

Đồng USD cũng tăng 0,4% so với đồng yen Nhật Bản, dao động ở mức 149,40 - 150,45 yen đổi 1 USD. Điều này diễn ra sau khi "đồng bạc xanh" giảm mạnh 3,3% vào tuần trước, đánh dấu đợt giảm giá lớn nhất kể từ tháng 7 năm nay.

Điều này đã khiến đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong ba tháng so với USD, trong khi đồng real của Brazil cũng dao động quanh mức thấp nhất của năm 2024.

Trong khi đó, đồng Euro cũng không tránh khỏi ảnh hưởng, mặc dù sự suy yếu chủ yếu xuất phát từ bất ổn chính trị gia tăng ở Pháp, nơi đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia đang đe dọa bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ. Cụ thể, trong khi USD tăng giá, đồng euro lại chịu sức ép giảm 0,4%, hiện quy đổi ở mức 1 Euro đổi 1,0532 USD.

Theo các nhà phân tích, sự biến động này có thể kéo dài nếu tình hình chính trị không ổn định tiếp diễn. Các chuyên gia dự đoán Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có khả năng cắt giảm 50 điểm cơ bản trong đợt công bố chính sách tiếp theo vào ngày 12/12.

Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao dữ liệu kinh tế quan trọng như chi tiêu xây dựng và báo cáo việc làm tại Mỹ trong tuần tới. Những thông tin này sẽ giúp họ đánh giá tác động của chính sách thuế quan mới lên nền kinh tế Mỹ và toàn cầu.

Dự kiến ngày 6/12 tới, Mỹ sẽ công bố hàng loạt dữ liệu kinh tế, bao gồm báo cáo về tỷ lệ thất nghiệp, dự kiến tăng lên 4,2% từ mức 4,1%. Các nhà phân tích dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào ngày 18/12. Theo đánh giá, Fed có 65% khả năng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, với dự báo sẽ chỉ thực hiện thêm hai lần cắt giảm lãi suất trong năm 2025.

Nguy cơ "gậy ông đập lưng ông"?

Theo các chuyên gia, lời đe dọa áp thuế 100% của Tổng thống đắc cử Trump là không thực tế và có thể gây phản tác dụng. Trong cuộc phỏng vấn với báo Times of India, Ajay Srivastava, người sáng lập Sáng kiến Nghiên cứu Thương mại Toàn cầu, nhận định thuế quan ở mức này sẽ làm tổn hại tới người tiêu dùng Mỹ thông qua việc đẩy giá cả trong nước lên cao và có nguy cơ kích hoạt các biện pháp trả đũa từ đối tác thương mại.

Hơn nữa, xu hướng đa dạng hóa tiền tệ là một quá trình tất yếu, được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố kinh tế và địa chính trị, không dễ bị ngăn cản bởi các mối đe dọa đơn thuần. Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke cũng từng chỉ ra rằng, thị phần của Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu đang giảm dần, và sự trỗi dậy của các đồng tiền khác như Euro và yên đang làm suy giảm ưu thế của đồng USD.

Tuy nhiên, việc thay thế hoàn toàn vai trò của USD là điều khó xảy ra trong ngắn hạn. Thị trường tài chính Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất và thanh khoản nhất thế giới. Điều có thể xảy ra là một hệ thống đa cực hơn, trong đó USD chia sẻ vai trò với các đồng tiền khác, đặc biệt trong thương mại khu vực và song phương.

Suy cho cùng, lời đe dọa của Tổng thống đắc cử Donald Trump phản ánh mối lo ngại về sự suy giảm ảnh hưởng của đồng USD, nhưng các biện pháp cưỡng chế như áp thuế cao có thể không phải là giải pháp hiệu quả. Thay vào đó, Mỹ cần có chiến lược dài hạn để duy trì sức mạnh kinh tế và uy tín của đồng tiền, đồng thời thích ứng với xu hướng đa cực hóa trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Khánh Linh (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thi-truong-tien-tetoan-cau-chan-dong-sau-tuyen-bo-moi-cua-tong-thong-dac-cu-donald-trump-204241203120309955.htm
Zalo