Doanh nghiệp kỳ vọng 'đòn bẩy' chính sách để phục hồi và phát triển
Những giải pháp hỗ trợ thời gian qua đã giúp tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong những năm tới, cần có chính sách căn cơ, cụ thể hơn như gia hạn và giảm thuế; rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định kinh doanh; đẩy mạnh hoàn thuế VAT; thực hiện các gói vay tín dụng ưu đãi…
Viện phát triển doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố khảo sát “Thực trạng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước năm 2024”.
Khảo sát nhận được 750 phiếu phản hồi của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại 51/63 tỉnh/thành phố trên cả nước. Trong đó, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 63,1%, doanh nghiệp FDI 13,2% và 2,1% là doanh nghiệp nhà nước. Tỷ lệ hộ kinh doanh tham gia khảo sát cũng chiếm đến 20% trong mẫu khảo sát, còn số hợp tác xã chỉ chiếm 1,6%.
CÓ CẢI THIỆN NHƯNG KHÔNG ĐỒNG ĐỀU
Kết quả khảo sát đã cho thấy bức tranh về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong năm 2023. So với năm 2022, kết quả hoạt động kinh doanh năm 2023 của khu vực doanh nghiệp có dấu hiệu cải thiện. Tất cả các chỉ số phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều có tỷ lệ tăng lên cao hơn so với tỷ lệ giảm đi.
Dấu hiệu tích cực rõ nét nhất là tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu tăng chiếm đến 44% so với con số 32,2% doanh nghiệp có doanh thu giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp có lợi nhuận tăng chiếm đến 41,5%; doanh nghiệp có đơn hàng mới tăng 40,8% so với 33,5% doanh nghiệp phản ánh giảm đi…
Tuy nhiên, báo cáo nhận định doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi chi phí sản xuất tăng lên, nhất là chi phí về lao động. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất tăng lên chiếm đến 50,9%, còn chi phí lao động tăng cũng chiếm đến 53,1%; 60,8% doanh nghiệp cho biết khó tìm kiếm thị trường đầu ra và thiếu đơn hàng sản xuất (59,8%).
“Những chỉ số này cho thấy mức độ cải thiện về hoạt động kinh doanh của năm 2023 dù có nhưng là không lớn. Hơn nữa sự cải thiện này không đồng đều khi tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ lại có xu hướng xấu đi, ngược với xu hướng tại các doanh nghiệp quy mô nhỏ, vừa và lớn”, báo cáo đánh giá.
Cụ thể, các chỉ số liên quan đến doanh thu, lượng đơn đặt hàng mới, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới, lượng nguyên vật liệu mua vào của doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ đã giảm đi trong năm 2023 so với năm 2022. Các doanh nghiệp quy mô vừa có vẻ phục hồi tốt nhất khi dẫn đầu tổng doanh thu, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới, hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị.
Ngoài ra, doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh (54,4%), khó tiếp cận tín dụng (49,3%). Việc gia tăng các hàng rào kỹ thuật tại các thị trường xuất khẩu cũng làm 1⁄2 doanh nghiệp khảo sát gặp khó khăn. Khó khăn trong tái cấu trúc doanh nghiệp, tìm kiếm mô hình kinh doanh mới, khó tiếp cận đất đai, gián đoạn nguồn cung ứng,...
Trước những khó khăn của doanh nghiệp trong năm 2023, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn phục hồi và phát triển, điển hình Nghị quyết số 58/NQ-CP về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025.
Sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP, các doanh nghiệp đánh giá hiệu quả triển khai nhiều giải pháp ngắn hạn ở mức trung bình. Giải pháp được các doanh nghiệp đánh giá hiệu quả cao nhất chính là việc tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý nhằm khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh.
Khảo sát cũng cho thấy bên cạnh việc truyền thông chính sách đã được thực hiện khá tốt, vẫn còn những vướng mắc trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết. Khó khăn lớn nhất chính là việc khó thỏa mãn các điều kiện tiếp cận các chính sách hỗ trợ (53,1%), tiếp đến là việc thiếu các thông tin cụ thể về quy trình thủ tục đăng ký hỗ trợ (50,9%)…
CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP CĂN CƠ
Để tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong năm 2025 cũng như thời gian tiếp theo, nhiều kiến nghị giải pháp đã được các doanh nghiệp đưa ra.
Trong đó, giải pháp nhận được nhiều sự đồng tình nhất là gia hạn và giảm thuế (67,5%). Đây có lẽ là giải pháp có hiệu quả tốt nhất trong các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa qua do tác động trực tiếp đến dòng tiền của doanh nghiệp và cơ chế thực hiện cũng đơn giản.
Bên cạnh giải pháp này, các kiến nghị tiếp tục chính sách rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng được 58,4% doanh nghiệp đồng tình. Đây chính là giải pháp giúp giảm chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp để tuân thủ các thủ tục hành chính.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về 18% trong ngắn hạn, để họ có thêm nguồn lực phục hồi và phát triển (50,3%). Ngoài ra, để hỗ trợ dòng tiền và nguồn vốn, doanh nghiệp đề xuất đẩy mạnh việc hoàn thuế VAT (48%) và thực hiện các gói vay tín dụng ưu đãi (45,4%).
Nếu xét theo quy mô, khảo sát chỉ rõ, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ quan tâm nhiều hơn đến các chính sách hỗ trợ liên quan đến gia hạn, giảm thuế, nhất là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp về 18% trong ngắn hạn, thực hiện các gói vay ưu đãi và kiểm soát lạm phát.
Trong khi đó, các doanh nghiệp quy mô lớn lại quan tâm nhiều hơn đến các chính sách hỗ trợ liên quan đến rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp giúp có thêm dòng tiền phục vụ sản xuất và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng.
Các doanh nghiệp quy mô vừa quan tâm cao nhất về các chính sách thực hiện các gói vay tín dụng ưu đãi và gia hạn, giảm thuế.
Không chỉ kỳ vọng ở những chính sách vĩ mô nêu trên, các doanh nghiệp tham gia khảo sát đặt niềm tin vào các chính sách trong Luật đất đai sửa đổi năm 2024. Với nhiều điểm mới, Luật đất đai 2024 kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư được tiếp cận với đất đai một cách thuận lợi hơn, thủ tục đơn giản, thông thoáng hơn, xóa bỏ nhiều vướng mắc pháp lý còn tồn tại.
Dù mới được ban hành đầu năm 2024, nhưng gần 90% doanh nghiệp đã biết đến Luật đất đai. Đã có 17% doanh nghiệp được nghe phổ biến qua các hội thảo, hội nghị và cũng có 8,4% doanh nghiệp đã dày công nghiên cứu kỹ nội dung của luật.
Đa số các doanh nghiệp hài lòng về hiệu quả các chính sách mới đưa ra trong Luật đất đai sửa đổi lần này. Nội dung được các doanh nghiệp đánh giá cao nhất chính là việc mở rộng đối tượng sử dụng đất, tăng cơ hội tiếp cận, sử dụng hiệu quả từ nguồn lực đất đai (66,7%), tiếp đến là việc định giá đất theo nguyên tắc thị trường (64,3%).
Doanh nghiệp kỳ vọng Luật đất đai 2024 sẽ tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững (59,8% doanh nghiệp) và điều này sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tiếp đó, 57,6% doanh nghiệp cũng kỳ vọng Luật đất đai 2024 sẽ giúp giảm chi phí mặt bằng sản xuất kinh doanh và khơi thông nguồn vốn nhờ các dự án bất động sản được triển khai (55,2% doanh nghiệp).
Mặt khác, các doanh nghiệp còn đánh giá những điểm mới của Luật đất đai 2024 sẽ góp phần tăng khả năng tiếp cận đất đai phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh (53,6%), tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý cho thị trường bất động sản giúp phục hồi thị trường bất động sản (52,4%) và đẩy mạnh phân cấp phân quyền giúp rút ngắn thời gian giải ngân đầu tư công (52,2%).