Luật Quảng cáo (sửa đổi): Thêm quyền, rõ trách nhiệm, siết quảng cáo mạng

Luật Quảng cáo (sửa đổi) chính thức siết chặt quảng cáo trên mạng, bổ sung quyền, nghĩa vụ của các bên và tăng kiểm soát quảng cáo xuyên biên giới.

Lấp khoảng trống pháp lý

Thông tin với báo chí tại họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, ngày 16/6/2025, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo (Luật số 75/2025/QH15) và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2026.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tiếp tục thể chế đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; tháo gỡ những điểm nghẽn trong hệ thống pháp luật; tạo động lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có ngành quảng cáo”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nói.

Từ 1/1/2026, Luật Quảng cáo (sửa đổi) có hiệu lực, làm rõ quyền, trách nhiệm các chủ thể và siết quản lý quảng cáo mạng, bảo vệ người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Từ 1/1/2026, Luật Quảng cáo (sửa đổi) có hiệu lực, làm rõ quyền, trách nhiệm các chủ thể và siết quản lý quảng cáo mạng, bảo vệ người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được xây dựng trên tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đối với những vấn đề mới, biến động thường xuyên, chưa ổn định; hạn chế phát sinh thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; đổi mới tư duy trong quan điểm, cách thức quản lý quảng cáo, nhất là quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới.

Luật số 75/2025/QH15 sửa đổi một số khái niệm trong hoạt động quảng cáo nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn hiện nay, bao gồm quảng cáo; xúc tiến quảng cáo là hoạt động tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội ký kết hợp đồng quảng cáo; người kinh doanh dịch vụ quảng cáo; người phát hành quảng cáo; người tiếp nhận quảng cáo; hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và vật thể quảng cáo.

Sửa đổi khái niệm về người chuyển tài sản phẩm quảng cáo để phù hợp với thực tiễn và bổ sung các hình thức chuyển tải sản phẩm quảng cáo mới, cụ thể: Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo, khuyến nghị, xác nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên mạng hoặc trực tiếp quảng cáo bằng hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ, sử dụng có mục đích sinh lợi hoặc hình thức khác theo quy định của Chính phủ.

Thứ trưởng cho hay, luật mới bổ sung quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Theo đó, Luật Quảng cáo năm 2012 đang thiếu các quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, chưa bảo đảm thống nhất với các chủ thể khác của hoạt động quảng cáo, vì vậy, dự án luật đã bổ sung các quy định cụ thể đối với chủ thể này tại Điều 15a, cụ thể:

Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có các quyền sau, được người quảng cáo cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ, chính xác về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo và các tài liệu liên quan đến điều kiện quảng cáo. Có quyền khác theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có các nghĩa vụ như: Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật về việc cung cấp thông tin liên quan đến tính năng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện quảng cáo; thực hiện nghĩa vụ về thuế khi phát sinh doanh thu từ dịch vụ quảng cáo theo quy định của pháp luật về thuế. Cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu…

Liên quan đến từ ngữ bằng tiếng Việt trong sản phẩm quảng cáo. Thứ trưởng Tạ Quang Đông thông tin, với sự hội nhập đa dạng và phát triển của hoạt động quảng cáo hiện nay, việc bổ sung quy định về sử dụng từ ngữ bằng tiếng Việt phải bảo đảm giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt là rất cần thiết nhằm bảo đảm thể hiện sự chính xác, rõ ràng, không tạo nên những cách hiểu lầm đối với nội dung quảng cáo.

Khoản 1a Điều 18 quy định: Từ ngữ bằng tiếng Việt trong sản phẩm quảng cáo phải bảo đảm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, rõ ràng, dễ hiểu và thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo và điều kiện quảng cáo. Thứ nhất, yêu cầu đối với nội dung quảng cáo (Điều 19). Luật số 75/2025/QH15 kế thừa các một số quy định hiện hành và sửa đổi, bổ sung quy định về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo và phân định giữa hoạt động quảng cáo với các hoạt động chuyên ngành khác (hoạt động trên sàn thương mại điện tử, hoạt động trưng bày hàng hóa theo quy định của pháp luật về thương mại). Luật Giao Chính phủ quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt và yêu cầu đối với nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.

Thứ hai, điều kiện quảng cáo (khoản 4 Điều 20). Kế thừa quy định của pháp luật hiện hành, Luật số 75/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 20 về điều kiện quảng cáo thuốc, trang thiết bị y tế, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, phân bón để bảo đảm cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với thủ tục và tên gọi của các loại giấy phép đã được pháp luật chuyên ngành quy định.

Siết quảng cáo trên mạng, bảo vệ người dùng

Bên cạnh đó, đối với quảng cáo trên mạng, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho hay, Luật số 75/2025/QH15 đưa ra các quy định cụ thể đối với hoạt động quảng cáo trên mạng tại Điều 23, cụ thể:

Hoạt động quảng cáo trên mạng phải tuân thủ các quy định như: Phải có dấu hiệu nhận diện rõ ràng bằng chữ số, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh để phân biệt giữa nội dung quảng cáo với các nội dung khác không phải quảng cáo.

Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải có tính năng, biểu tượng dễ nhận biết cho phép người tiếp nhận quảng cáo tắt quảng cáo, thông báo nội dung quảng cáo vi phạm cho nhà cung cấp dịch vụ, từ chối xem nội dung quảng cáo không phù hợp.

Đối với những quảng cáo có chứa đường dẫn đến nội dung khác thì nội dung được dẫn đến phải tuân thủ quy định của pháp luật; người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo có giải pháp kiểm tra, giám sát nội dung được dẫn đến…

Ngoài ra, quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng (khoản 3).

Quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo khi giao kết hợp đồng với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng (khoản 4).

Trách nhiệm của Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng (khoản 5). Người quảng cáo nước ngoài có nhu cầu quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân của mình qua hình thức quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật này (khoản 6).

Tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng phải thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm chậm nhất 24 giờ kể từ khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp không thực hiện theo yêu cầu, cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn các vi phạm pháp luật về quảng cáo và thực hiện biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet có trách nhiệm ngăn chặn quảng cáo vi phạm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (khoản 7).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa; phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo của trung ương, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động quảng cáo.

Thanh Bình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/luat-quang-cao-sua-doi-them-quyen-ro-trach-nhiem-siet-quang-cao-mang-410262.html
Zalo