Luật Hồi tỵ với hôm nay
Là khái niệm cơ bản của luật pháp thời phong kiến, 'Hồi tỵ' hiểu theo chữ Hán có nghĩa là tránh/né đi. Một người được bổ làm quan ở một địa phương, nhưng nếu nơi này có anh em, bà con hoặc quan hệ thân thích thì phải báo cáo cấp trên để chuyển đổi đi nơi khác. Nếu không, khi có cáo giác sẽ bị khép thành tội.
Luật này ra đời do đòi hỏi từ thực tế của “văn minh làng xã” cùng tập quán thâm canh lúa nước nên cả làng cố kết với nhau hết sức chặt chẽ theo nguyên tắc “duy tình”. Mặt tích cực là sự thương yêu, trông nom, đùm bọc, nói như một thành ngữ là “Tắt lửa tối đèn có nhau”, tức giúp nhau tận tình nhất có thể. Mặt trái là sự nhờ vả, chạy chọt, móc ngoặc, “nâng đỡ thân quen”... Ở thế kỷ 13, sử sách ghi lại câu chuyện Thái sư Trần Thủ Độ rất nghiêm khắc với chuyện này. Vợ ông muốn xin cho một người quen biết được làm Câu đương (chức quan nhỏ ở xã), Thủ Độ đồng ý rồi cho gọi người đó đến và bảo: “Công chúa xin cho ngươi được làm Câu đương, nhưng phải chặt một ngón chân để phân biệt!”. Người đó van xin mãi mới được tha. Thì ra nạn xin xỏ, nhờ vả bất minh không chỉ có ở thời nay...!

Tranh của: NGUYỄN HIẾU
Theo sử sách Trung Hoa, luật này manh nha có từ triều đại nhà Tùy (581-619), rất có thể, theo con đường tiếp văn hóa ảnh hưởng sang ta, được vận dụng từ nhiều triều đại trước đó nhưng cụ thể hơn cả vào thời Vua Lê Thánh Tông (1442-1497). Trong Lê triều Hình luật (Luật Hồng Đức), Luật này thuộc Chương Vi chế (144 điều) ghi cụ thể: “Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc”. Chỉ dụ của Vua Lê Thánh Tông nói rõ: “Các viên quan quản quân, quản dân nếu người nào quê quán ở ngay phủ, huyện mình cai trị, có nhà ở nha môn (cơ quan) mình làm việc, thì Bộ Lại điều động đi nơi khác, chọn người khác bổ thay”. Cũng ghi rõ một viên quan không được phép tại vị quá lâu ở một địa phương hoặc cùng một viện, bộ... Nạn chạy chọt, hối lộ là những nguyên nhân chính gây ra các hành vi tiêu cực, sai trái, nên cùng với Luật Hồi tỵ, Bộ luật Hồng Đức cũng đưa ra các tội danh rất cụ thể chiểu theo chức vụ, như: “Quan tri huyện làm sai phép, ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan chịu tội biếm hay bãi; từ 10 đến 19 quan phải tội đồ hay lưu; từ 20 quan trở lên phải tội chém...” (Điều 138).
Đến triều Nguyễn, Luật Hồi tỵ được kế thừa, bổ sung, mở rộng, nâng cao và thực hiện triệt để. Vua Minh Mạng (1791-1841) xuống “dụ” (ban thông báo): “Các lại dịch (quan lại) thuộc bộ, hễ có bố, con cùng anh em ruột, anh em chú bác cùng làm ở một bộ, đều cho trích ra, đổi bổ đi nơi khác”. Nhưng cũng không cứng nhắc, mà linh hoạt tùy đặc trưng đối tượng, như với Viện Thái y (lo việc thuốc men, chữa bệnh), do tính chất “cha truyền con nối” nên không phải áp dụng. Tiếp đó, các chỉ dụ nêu cụ thể các trường hợp: Quê ở phủ, huyện nào thì không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy; những người cùng làng phải chuyển đi các nơi khác nhau; không được làm quan ở quê mình, quê vợ, cả nơi đi học lúc còn trẻ; có quan hệ thông gia, hoặc thầy trò cũng không được làm quan cùng một chỗ; không được coi thi, chấm thi ở nơi có những người ruột thịt, thân quen ứng thi; các quan đầu tỉnh không được giao du, kết thân, kết hôn nơi mình trị nhậm; cấm tậu nhà, tậu ruộng... trong địa hạt mình cai quản...
Luật Hồi tỵ phát huy tốt hiệu quả làm trong sạch bộ máy công quyền, nạn tham nhũng, hối lộ giảm hẳn, đến triều Tự Đức càng được thực thi nghiêm túc. Năm Bính Ngọ (1846) có quy định chặt chẽ: “Phàm những người cùng quê ở 1 hạt, mà làm quan cùng ở 1 tỉnh,... học cùng 1 thầy ở trường tư từ nhỏ đến lớn” cũng phải đổi đi các nơi khác nhau. Châu bản triều Nguyễn ghi lại: Tại trường thi Nghệ An 1842 (năm Thiệu Trị thứ 2) Lang trung Bộ Hộ Phạm Thế Trung được cử làm Phó chủ khảo; Án sát Quảng Trị Lê Văn Chân làm giám khảo. Lê Văn Chân dâng sớ xin hồi tỵ vì Phạm Thế Trung là thầy học thời nhỏ. Năm 1848, Nguyễn Cư Trinh, Tri huyện Chân Lộc (Nghệ An) cùng với Án sát Nghệ An Phạm Bá Thiều có quan hệ thầy trò, Vua Tự Đức lệnh phải “hồi tỵ” khác tỉnh. Nguyễn Cư Trinh chuyển làm Tri huyện Quảng Xương (Quảng Trị)...
Từ những cứ liệu trên cho phép đánh giá một cách chung nhất: Không chỉ góp phần tích cực, cơ bản trong việc phòng ngừa, chống tham nhũng, hối lộ, Luật Hồi tỵ còn tránh được tình trạng cục bộ, bè phái, địa phương. Quan lại ít bị áp lực bởi các mối quan hệ ràng buộc thân quen nên vô tư, thẳng thắn, hết mình, không thiên vị.
Trở về với hôm nay, qua một số vụ án tham ô, tham nhũng gần đây cho thấy mặt trái của văn minh làng xã và tư tưởng thủ cựu “Một người làm quan cả họ được nhờ” vẫn còn dai dẳng, ăn sâu vào tâm lý cán bộ, nhân dân. Lời cảnh báo của Bác Hồ mấy chục năm trước về căn bệnh này (Bác gọi là “Tư túng”), đến nay vẫn đậm tính thời sự: “Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài, có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai” (Hồ Chí Minh toàn tập-tập 4, NXB Chính trị Quốc gia 2002, tr.57).
Soi những điểm tích cực của Luật Hồi tỵ xưa vào hôm nay, có thể rút ra những bài học sau:
Một là, nhìn vào lịch sử, thấy rõ thời nào Luật Hồi tỵ được quy định cụ thể, chi tiết, thời đó luật được phát huy hiệu quả cao nhất. Ngày nay, căn cứ vào tình hình thực tế nạn tham nhũng, hối lộ vẫn còn phức tạp; học tập, kế thừa, phát triển tinh hoa quá khứ, tính chất “hồi tỵ” có thể nên nghiên cứu được thể chế hóa thành các chế tài, cụ thể hóa một cách chi tiết trong các quy định, các văn bản dưới luật với sự công khai hóa các chức danh công chức, vị trí quản lý, thời gian thuyên chuyển, hoán đổi.
Hai là, nêu những tấm gương thực hiện chế độ trách nhiệm người đứng đầu, kết hợp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định, pháp luật mang tính chất “hồi tỵ”. Cần phải có các biện pháp cụ thể, nghiêm khắc đối với các vi phạm liên quan.
Ba là, giáo dục tinh thần thượng tôn pháp luật, không phân biệt giai cấp, địa vị. Tính nhân văn của luật là răn đe, phòng ngừa phạm tội. Thế nên phải hết sức nghiêm minh. Dưới thời Lê Thánh Tông ý thức chấp hành luật rất cao, vì xét xử “không có vùng cấm”. Riêng năm 1467 xử 30 vụ quan lại tham nhũng (có 4 thượng thư, 2 đô đốc).
Bốn là, vận dụng “hồi tỵ” một cách linh hoạt, sáng tạo, như với một số ngành, lĩnh vực đặc thù như y học, văn hóa nghệ thuật,... hoặc địa bàn khó khăn, như vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Việc nghiên cứu, xây dựng, thực hiện cần khoa học, kỹ lưỡng, thận trọng, có tính kế thừa, cơ bản hơn, phải được nhìn từ văn hóa, tức phải căn cứ vào phong tục, tập quán, thể hiện ở các mối quan hệ xã hội. Xét đến cùng, “Luật Hồi tỵ” cũng là một cách ứng xử hướng tới nhân văn, không chỉ giữ con người, nhất là những người ở cương vị khỏi sa ngã, tha hóa, còn góp phần làm trong sáng, lành mạnh các cơ quan, đoàn thể.