Quản lý tư tưởng bộ đội: Khó vẫn có cách!

Một số ý kiến cho rằng, diễn biến tư tưởng của bộ đội rất nhanh, có trường hợp rất ít biểu hiện, khiến công tác quản lý bộ đội ngày càng khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn và ví những cán bộ làm nhiệm vụ này như 'đi trên dây'. Chúng tôi đem những suy tư này trao đổi với chỉ huy các cấp - những người có nhiều năm kinh nghiệm trong quản lý, huấn luyện chiến sĩ ở Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 12...

Nói về các chiến sĩ nhập ngũ trong khoảng 5-7 năm gần đây, chỉ huy các đơn vị đều đánh giá cao về trình độ, nhận thức và lối sống năng động, dễ hòa đồng. Các chiến sĩ rất cởi mở, tự tin và không ngại giao tiếp, làm quen; có cá tính mạnh mẽ, luôn muốn thể hiện, khẳng định bản thân, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ...

Tuy nhiên, do được sinh ra trong giai đoạn đất nước phát triển, tỷ lệ sinh thấp (mỗi gia đình chỉ có 1-2 con), được gia đình chiều chuộng, chăm lo chu đáo nên không ít chiến sĩ có lối sống ích kỷ, hay đòi hỏi quyền lợi một cách vô lý, thiếu bản lĩnh, thiếu tính tự lập.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95 trò chuyện trong giờ giải lao.

Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95 trò chuyện trong giờ giải lao.

Chính vì vậy, khả năng chịu áp lực của chiến sĩ phần nào hạn chế và dễ nảy sinh tư tưởng, suy nghĩ tiêu cực, có hành động bột phát, nhất là khi gặp phải trục trặc về tình cảm hay do cường độ huấn luyện cao. Có chiến sĩ chỉ vì nhớ nhà, nhớ người yêu, sinh nhật bạn mà xin chỉ huy cho đi tranh thủ, theo quy định chỉ huy không giải quyết thì sinh ra buồn chán, thậm chí vi phạm kỷ luật. Thực tế này đặt ra khó khăn, thách thức không nhỏ đối với người chỉ huy trong quản lý, rèn luyện chiến sĩ.

Ra trường đã 6 năm, đến nay, Thượng úy Trần Đại Nghĩa, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 5, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95 có 4 năm làm nhiệm vụ quản lý, huấn luyện chiến sĩ mới. Suốt 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, cán bộ cấp trung đội, đại đội như anh thường phải xa gia đình để theo sát từng bữa ăn, giấc ngủ của bộ đội, đôn đốc, hướng dẫn, giúp đỡ anh em vượt qua giai đoạn đầu khó khăn, làm quen và hòa nhập với môi trường, các chế độ sinh hoạt mới.

Bên cạnh thuận lợi là hầu hết chiến sĩ có nhận thức, ý thức trách nhiệm và quyết tâm cao, hoàn cảnh gia đình thuận lợi, anh cũng không ít lần “giật mình” chứng kiến một số chiến sĩ suy sụp tinh thần vì khúc mắc tình cảm với bạn gái, gia đình, nhưng do được phát hiện, động viên kịp thời nên bộ đội không có suy nghĩ, hành động tiêu cực.

“Thấu hiểu và sẻ chia với nhiệm vụ này, đơn vị chúng tôi đã cử cán bộ các cấp “nằm vùng” để hỗ trợ cấp dưới trong quản lý, rèn luyện bộ đội. Như ở đại đội tôi, mỗi chỉ huy đại đội được phân công theo dõi, giúp đỡ một trung đội. Nhờ thế, những vấn đề nảy sinh đều được giải quyết kịp thời, tôi cũng có thời gian tranh thủ về thăm vợ mới sinh. Ngoài ra, chúng tôi cũng lập nhóm Zalo gồm chỉ huy đơn vị, người thân chiến sĩ để chia sẻ những hoạt động thường ngày và tăng cường phối hợp quản lý chiến sĩ”, Thượng úy Trần Đại Nghĩa chia sẻ.

Tìm hiểu thêm về kinh nghiệm quản lý tư tưởng bộ đội, chúng tôi được biết, từ khoảng 2 năm trở lại đây, Trung đoàn 95 thực hiện “giật cấp” cán bộ để giúp đỡ cấp dưới trong bám nắm, quản lý bộ đội, vừa để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa tạo điều kiện cho cán bộ cấp phân đội có thời gian chăm lo hạnh phúc gia đình. Theo đó, các đồng chí trong ban chỉ huy Trung đoàn, chỉ huy khối cơ quan được tăng cường xuống tiểu đoàn và trực tiếp ăn, ngủ ở đơn vị để theo dõi, giúp đỡ, kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh, vượt thẩm quyền ở cấp này; hỗ trợ cán bộ tiểu đoàn điều hành công việc, tạo điều kiện cho anh em có thời gian nghỉ tranh thủ. Cấp tiểu đoàn và đại đội cũng thực hiện tương tự.

Theo Đại úy Đỗ Văn Hai, Chính trị viên Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, sự hỗ trợ này là rất cần thiết, giải quyết tốt tư tưởng của cả bộ đội và chỉ huy. Anh cũng không tán thành ý kiến cho rằng “công tác quản lý bộ đội hiện nay có nhiều rủi ro, như đi trên dây”, bởi công việc nào cũng có thuận lợi, khó khăn riêng, đòi hỏi người đảm nhiệm phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm.

Đại úy Đỗ Văn Hai tâm sự: “Quản lý con người, nhất là quản lý tư tưởng rất khó bởi đây là cái vô hình, khó nắm trực tiếp, dễ bị tác động, chi phối. Tuy nhiên, nếu người chỉ huy quan tâm, gần gũi, tích cực tham gia các hoạt động chung với bộ đội, biết phát huy các kênh nắm bắt tư tưởng như “Tổ tư vấn tâm lý”... thì sẽ dễ dàng hơn. Theo tôi, đây chính là giải pháp cốt lõi, hiệu quả nhất”.

Từ kinh nghiệm nhiều năm công tác, Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, Phó chính ủy Trung đoàn 95 cho rằng, công tác khảo sát chất lượng chính trị, nắm hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ, sở thích, sở trường... của chiến sĩ cũng rất quan trọng. Việc này được đơn vị làm rất kỹ để phân loại và có những biện pháp quản lý, giáo dục riêng với từng nhóm chiến sĩ.

Trong định hướng tư tưởng cũng cần thẳng thắn giúp chiến sĩ nhận ra “hành động tiêu cực trước hết là thiệt thân, thiệt cho gia đình, bố mẹ chứ không giải quyết được vấn đề”. Bên cạnh đó, chỉ huy các cấp cũng cần lưu ý, với cá tính mạnh mẽ và cái tôi lớn nên các chiến sĩ thường có tính tự ái cao, không thích bị nhắc nhở về hạn chế, khuyết điểm.

Do đó, cần khéo léo khi phê bình, nhắc nhở để anh em không cảm thấy mặc cảm, tự ti hoặc phản ứng ngược; tuyệt đối không quân phiệt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến đóng góp của chiến sĩ; giải thích thấu tình đạt lý những băn khoăn, vướng mắc để chiến sĩ tâm phục, khẩu phục, tự giác, hăng hái thực hiện nhiệm vụ. (Bài và ảnh: ĐỨC TUẤN - TRANG HẰNG)

----------

Không để cán bộ phân đội "đơn độc"

Trước khi đảm nhiệm chức vụ hiện nay, tôi đã có 12 năm trực tiếp quản lý, huấn luyện chiến sĩ và trải qua nhiều cương vị. Tôi đồng tình với nhận định “diễn biến tư tưởng chiến sĩ hiện nay rất nhanh và khó lường”. Việc một số chiến sĩ không biểu hiện ra bên ngoài nhưng lại có suy nghĩ, hành động bột phát khi gặp những cú sốc do mâu thuẫn tình cảm, áp lực do cường độ huấn luyện, công tác... là hoàn toàn có thật và ngày càng phổ biến hơn.

 Chiến sĩ mới Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Thông tin 29, Quân khu 9 vui chơi trong ngày nghỉ cuối tuần. Ảnh: QUANG ĐỨC

Chiến sĩ mới Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Thông tin 29, Quân khu 9 vui chơi trong ngày nghỉ cuối tuần. Ảnh: QUANG ĐỨC

Điều này khiến cán bộ quản lý chiến sĩ gặp nhiều thách thức: Vừa phải thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, duy trì mọi hoạt động của đơn vị, vừa kiêm thêm vai trò “tư vấn tâm lý, người lắng nghe” mà không phải ai cũng có kỹ năng hoặc được đào tạo bài bản. Chỉ cần lơ là, thiếu sâu sát một chút hay sơ suất nhỏ trong quản lý tư tưởng cũng có thể dẫn đến hậu quả khó lường.

Vì vậy, trước hết, cán bộ quản lý chiến sĩ phải thường xuyên nâng cao năng lực tư vấn tâm lý, kỹ năng phát hiện dấu hiệu trầm cảm, khủng hoảng tâm lý... Quan trọng nhất là xây dựng môi trường gần gũi, thân thiện, tạo điều kiện để chiến sĩ cởi mở, sẵn sàng chia sẻ; tăng cường công tác phối hợp giữa đơn vị với gia đình, từ đó giúp cán bộ nắm bắt kịp thời diễn biến tâm lý, tư tưởng của chiến sĩ để có giải pháp xử trí kịp thời, hiệu quả.

Hiểu rõ những khó khăn, thách thức trong công tác này, chúng tôi lấy tiểu đội trưởng, trung đội trưởng làm trung tâm trong công tác giáo dục, quản lý chiến sĩ. Từ đó, tập trung nâng cao năng lực toàn diện cho cán bộ tiểu đội, trung đội với phương châm: Không chỉ giỏi về huấn luyện quân sự mà cần có thêm kỹ năng mềm như giao tiếp, tâm lý, xử lý tình huống tư tưởng.

Đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ, không để cán bộ cấp tiểu đội, trung đội "đơn độc", "tự bơi" trong quản lý tư tưởng. Ngoài tập huấn bồi dưỡng theo chuyên đề, chúng tôi cũng thực hiện chặt chẽ việc nắm, quản lý hoàn cảnh, lý lịch chiến sĩ... để phân công người giúp đỡ, tránh để anh em rơi vào mặc cảm, tiêu cực. Cùng với đó là quan tâm, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ như: Bảo đảm chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý; tổ chức nhiều hoạt động thể thao, văn hóa, giao lưu tâm tình giúp chiến sĩ giảm stress, tăng tình cảm đồng đội. Tạo môi trường đơn vị tích cực như xây dựng mô hình “Chi đoàn không có chiến sĩ vi phạm kỷ luật”, “Mỗi ngày một việc tốt”, “Chiến sĩ chia sẻ-cán bộ lắng nghe”...

Qua đó, giúp giảm tỷ lệ vi phạm kỷ luật, giảm số vụ việc chiến sĩ có biểu hiện tâm lý tiêu cực; cán bộ phân đội yên tâm, gắn bó hơn với đơn vị; tình cảm cán-binh gắn bó hơn, tạo nền tảng cho đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. (Đại tá PHẠM VĂN MINH, Chính ủy Lữ đoàn Thông tin 29, Quân khu 9)

----------

Quan trọng nhất là gần gũi, sâu sát bộ đội

Từ thực tiễn nhiều năm thực hiện nhiệm vụ trực tiếp quản lý, huấn luyện bộ đội, tôi nhận thấy so với khoảng chục năm trước đây, chiến sĩ ngày nay có khả năng nhận thức và tiếp thu tốt hơn, nhất là khả năng tiếp cận công nghệ, mạng xã hội; có suy nghĩ và tính cách cởi mở, năng động hơn.

Một buổi huấn luyện bơi của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 15, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324. Ảnh: GIANG ĐÌNH

Một buổi huấn luyện bơi của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 15, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324. Ảnh: GIANG ĐÌNH

Tuy nhiên, chiến sĩ hiện nay dễ bị tổn thương hơn bởi các tác động về vấn đề tình cảm, gia đình, áp lực công việc... Khi đối mặt với khó khăn, chiến sĩ trước đây có tính chịu đựng cao hơn, trong khi đó, thế hệ chiến sĩ những năm gần đây thường có xu hướng suy nghĩ tiêu cực hơn, hành động cũng bột phát hơn. Từ đặc điểm trên, công tác nắm bắt và định hướng tư tưởng cũng có những thuận lợi như dễ tiếp cận bộ đội, dễ tạo môi trường hoạt động, tuy nhiên, khó khăn nằm ở khâu nắm bắt và giải quyết các vấn đề nảy sinh do mức độ phức tạp và diễn biến nhanh, khó lường.

Theo tôi, ý kiến cho rằng “công tác quản lý bộ đội hiện nay có nhiều rủi ro, như đi trên dây, sơ sểnh là bay sao” cho thấy tính chất phức tạp trong công tác này. Tuy nhiên, mọi biểu hiện tư tưởng đều có thể phát hiện và kịp thời có biện pháp xử lý nếu cán bộ quản lý, nhất là cán bộ trung đội, đại đội sâu sát, gần gũi bộ đội.

Vấn đề này đòi hỏi cán bộ quản lý cần phải phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, thường xuyên quan tâm, gần gũi bộ đội để nắm bắt và định hướng tư tưởng cũng như kịp thời phát hiện từ những biểu hiện tư tưởng nhỏ nhất để xử trí. Bên cạnh đó, cần thường xuyên rèn luyện bản lĩnh, khả năng xử trí tình huống; phải là người chỉ huy mẫu mực, đồng thời là người anh, người bạn tin cậy của bộ đội. (Thiếu tá PHAN THẾ HOÀNG, Chính trị viên Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324, Quân khu 4)

----------

Rất cần sự hỗ trợ của cấp trên

Tôi trưởng thành từ tiểu đội trưởng và ở vị trí nào cũng luôn ý thức được trách nhiệm nặng nề trong quản lý bộ đội, tự nhắc mình phải hết sức chú ý, cẩn trọng; cố gắng đổi mới phương pháp quản lý, gần gũi, lắng nghe và kịp thời hỗ trợ chiến sĩ vượt qua khó khăn, nhất là khi gặp những cú sốc về mặt tình cảm.

 Đoàn viên Liên chi đoàn Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 (Quân khu 7) vui mừng với chức vô địch giải bóng đá do đơn vị tổ chức. Ảnh: VĂN TUẤN

Đoàn viên Liên chi đoàn Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 (Quân khu 7) vui mừng với chức vô địch giải bóng đá do đơn vị tổ chức. Ảnh: VĂN TUẤN

Chúng tôi cũng chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo sự đoàn kết, gắn bó trong đơn vị; tạo điều kiện để cán bộ trung đội không ngừng học tập, nâng cao trình độ, năng lực, quản lý, chỉ huy bộ đội. Ngoài sự cố gắng của bản thân, tôi cũng mong chỉ huy cấp trên quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ, tạo điều kiện để cán bộ cấp đại đội, trung đội hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình; sâu sát, bám nắm bộ đội trong mọi hoạt động. Đồng thời, thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm nắm bắt, giải quyết các vấn đề tư tưởng, kỷ luật cho cán bộ cấp dưới. (Thượng úy VÕ MINH HIẾU, Đại đội trưởng Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5, Quân khu 7)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/quan-ly-tu-tuong-bo-doi-kho-van-co-cach-824843
Zalo