'Định vị' phân luồng học nghề cuối cấp
Đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông đến năm 2030 là nội dung quan trọng Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW, ngày 5/1/2024 của Bộ Chính trị. Phân luồng hướng nghiệp không đơn giản chia tách nhằm đẩy học sinh sang học nghề hay lựa chọn theo trào lưu. Thực tế, định kiến và những hiểu biết chưa đầy đủ về công tác phân luồng cần được làm rõ để đạt được hiệu quả thiết thực hơn.
Học nghề theo quan niệm của nhiều phụ huynh lâu nay vẫn là lựa chọn có phần “lép vế” so với con đường vào đại học với những ngành “có tiếng tăm”. “Việc phân luồng áp dụng cứng nhắc trong trường học cũng vô hình trung tạo ra áp lực cho giáo viên trong trường học, tuy có định hướng, nhưng chưa được thấu đáo. Các trường cao đẳng, trung cấp đã thực hiện nhiều giải pháp để tuyên truyền nhằm thu hút sự quan tâm của phụ huynh, học sinh. Hiệu quả vẫn có, song chưa được mạnh mẽ và tác động rộng lớn” - một giáo viên THCS chia sẻ.
Trực tiếp đến tư vấn tuyển sinh ở các trường học, anh Nguyễn Thanh Phong, Bí thư đoàn Trường Cao đẳng Nghề An Giang cho rằng, trong xã hội hiện đại, học sinh chọn con đường phù hợp với bản thân và xã hội không nhất thiết phải là “con đường đông người đi nhất”. Cần thay đổi góc nhìn, tôn trọng mọi ngành nghề và khuyến khích giới trẻ dám chọn lối đi đúng với năng lực và đam mê của mình. Qua các năm tuyển sinh của nhà trường, nhiều phụ huynh đã dần thay đổi quan niệm, ủng hộ cho con theo học nghề nhiều hơn, vì họ thấy được nhiều cơ hội việc làm, con em theo đúng đam mê, góp phần phân luồng học sinh đi học nghề.

Tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh cấp THCS
Hàng năm, các trường cao đẳng, trung cấp nghề phối hợp các địa phương đến nhiều điểm trường phổ thông tư vấn cho học sinh cuối cấp. Sự chuyển biến trong nhận thức của phụ huynh ngày càng tăng lên, song đâu đó vẫn còn quan điểm “phải vào đại học mới là thành công”, xem học nghề là lựa chọn của người học yếu. Mặt khác, học sinh và phụ huynh thường không được cung cấp đầy đủ thông tin về các ngành nghề, chương trình đào tạo, cơ hội việc làm sau khi học nghề. Trong đó, nhiều ngành nghề có mức thu nhập tốt, nhu cầu tuyển dụng cao và lộ trình phát triển rõ ràng.
Nhìn nhận trên một “sân chung”, các trường đào tạo nghề gặp thách thức cạnh tranh với hệ đại học ngày càng rộng mở. Nhiều trường đại học mở rộng chỉ tiêu, tuyển sinh dễ dàng hơn khiến học sinh lựa chọn đại học như một “lối đi an toàn”, ngay cả khi ngành học không phù hợp năng lực hay nhu cầu xã hội. Trong khi đó, cơ sở vật chất và hình ảnh của các trường nghề chưa hấp dẫn, một số cơ sở đào tạo nghề còn thiếu trang thiết bị hiện đại, môi trường học tập chưa chuyên nghiệp, dẫn đến hình ảnh chưa đủ sức thu hút học sinh. Công tác truyền thông, quảng bá về giáo dục nghề nghiệp chưa mạnh, chưa đủ tầm để thay đổi cái nhìn của cộng đồng. Công tác hướng nghiệp ở các trường THCS và THPT còn nặng tính hình thức, thiếu người có chuyên môn, không đủ nguồn lực để tư vấn đúng và trúng cho học sinh.
Tháo gỡ phần nào những khó khăn trên, các cơ sở đào tạo nghề đồng loạt thực hiện nhiều giải pháp thu hút học sinh quan tâm đến học nghề và đem lại kết quả tích cực. Đó là tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế như một ngày làm học sinh, sinh viên; đẩy mạnh truyền thông tích cực về tấm gương thành công từ học nghề; cung cấp nhiều tài liệu, ấn phẩm, tờ rơi thông tin về nghề nghiệp đến các trường THCS và THPT làm công tác hướng nghiệp…
Cùng với đó, cơ sở đào tạo nghề được quan tâm cải thiện cơ sở vật chất, đầu tư hiện đại; nâng cao chất lượng dạy và học; hợp tác quốc tế với các trường trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; hợp tác các công ty đào tạo xuất khẩu lao động sau khi học xong chương trình học nghề. Ngoài ra, phối hợp các doanh nghiệp đào tạo và trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp giúp cho học sinh, sinh viên làm quen mới môi trường việc làm và trang thiết bị máy móc của doanh nghiệp, tránh tình trạng về doanh nghiệp đào tạo lại.
Theo thông lệ, học sinh cuối cấp sẽ được phân luồng với mục tiêu cân bằng thị trường lao động, giảm thiếu hụt lao động nghề được đào tạo. Từ thời điểm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thông qua môn học Trải nghiệm - Hướng nghiệp, hướng nghiệp là nội dung bắt buộc càng được chú trọng hơn. Hướng nghiệp cần bắt đầu thực hiện từ hành trình khám phá bản thân của học sinh, lắng nghe của phụ huynh và gợi ý, định hướng của giáo viên. Hướng đi tương lai của học sinh không phải sự phỏng đoán chủ quan, mà dựa trên sở thích, tính cách, năng lực, giá trị nghề nghiệp… của các em.