Luật Bảo vệ Môi trường 2020: Động lực thúc đẩy khoa học công nghệ môi trường

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 không chỉ đóng vai trò là nền tảng pháp lý quan trọng trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường, mà còn là động lực lớn để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực này.

Trong những thập kỷ gần đây, thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề môi trường nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, nguồn nước cạn kiệt, rác thải nhựa tràn lan và suy giảm đa dạng sinh học.

Những thách thức này không còn là mối quan tâm của riêng một quốc gia hay khu vực nào mà đã trở thành mối lo toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống của con người và sự tồn tại bền vững của hành tinh.

Trước thực trạng đó, khoa học và công nghệ môi trường đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tìm kiếm các giải pháp hiệu quả để ngăn chặn, giảm thiểu và phục hồi các hệ sinh thái bị tổn thương.

Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ về môi trường vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.

Hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ về môi trường vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.

Sự gia tăng nhận thức của cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường chính là một trong những yếu tố then chốt. Khi người dân ngày càng hiểu rõ mối liên hệ mật thiết giữa môi trường và sức khỏe, sinh kế cũng như sự phát triển bền vững, nhu cầu về các công nghệ thân thiện với môi trường cũng tăng lên.

Các sự kiện thiên tai cực đoan, nạn ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, ô nhiễm nguồn nước và đất canh tác… đã khiến nhiều người không thể tiếp tục thờ ơ. Chính sự nhận thức sâu sắc này đã tạo ra áp lực và yêu cầu đối với các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp phải hành động một cách quyết liệt hơn.

Bên cạnh đó, các chính sách và cam kết quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy khoa học công nghệ môi trường. Các hiệp định lớn như Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận về phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc đã đặt ra những mục tiêu rõ ràng về giảm phát thải khí nhà kính, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Để đạt được những mục tiêu này, các quốc gia buộc phải đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới và áp dụng các công nghệ môi trường tiên tiến.

Ở Việt Nam, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và chuyển đổi năng lượng đã trở thành kim chỉ nam cho nhiều chính sách và chương trình nghiên cứu khoa học có liên quan đến môi trường.

Phát biểu tại mội hội thảo gần đây về lĩnh vực tài nguyên môi trường, theo PGS-TS.Nguyễn Xuân Hải, Phó cục trưởng Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ về môi trường trong thời gian qua được thực hiện bài bản, có sự kế thừa kết quả từ các giai đoạn trước và liên tục cập nhật những tiến bộ khoa học mới.

Những kết quả nghiên cứu này không chỉ phục vụ cho công tác đào tạo, quản lý mà còn cung cấp cơ sở khoa học vững chắc để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ vào bảo vệ môi trường, nhiều công nghệ xử lý nước thải, khí thải và chất thải rắn đã được nghiên cứu và thử nghiệm thành công, mở ra khả năng nhân rộng và triển khai trong thực tiễn.

Tiêu biểu có thể kể đến các công nghệ xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học và hóa lý; xử lý khí thải bằng công nghệ khô và ướt; xử lý rác thải bằng phương pháp nhiệt phân, đốt phát điện; tái chế bùn thải thành vật liệu xây dựng và năng lượng tái tạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, nhiều thiết bị phục vụ công tác quan trắc môi trường đã được chế tạo trong nước như thiết bị đo nồng độ Ozon, thiết bị đo bụi mịn PM2.5 và PM10 tích hợp cảm biến vi khí hậu. Việc sử dụng ảnh vệ tinh và mô hình hóa để xác định nguồn phát thải cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả trong giám sát và cảnh báo môi trường.

Bên cạnh đó, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường cũng không ngừng được hoàn thiện. Tính đến nay, đã có 33 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) được ban hành và áp dụng trong lĩnh vực môi trường, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và kiểm soát ô nhiễm.

Các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ tiếp tục là nền tảng quan trọng để xây dựng những tiêu chuẩn kỹ thuật mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của sản xuất và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hải, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ về môi trường vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Nguồn nhân lực còn hạn chế cả về chất lượng lẫn số lượng, thiếu hụt các chuyên gia công nghệ có kinh nghiệm.

Cơ chế chính sách hiện hành chưa đủ mạnh để thu hút nhân tài và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Kinh phí đầu tư cho nghiên cứu còn thấp, chủ yếu tập trung vào các nhiệm vụ cấp bách, trong khi thiếu các nghiên cứu chuyên sâu, dài hạn.

Tỷ lệ ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn còn chưa cao, nhiều đề tài chỉ dừng ở mức mô hình thí điểm, thiếu sự kết nối với doanh nghiệp để thương mại hóa công nghệ.

Chưa kể, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật vẫn còn lạc hậu, thiếu dữ liệu khoa học được số hóa và hoạt động hợp tác quốc tế chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành.

Trước bối cảnh phát triển bền vững và yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao, một số ý kiến cho rằng việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ môi trường cần tập trung vào hai định hướng trọng tâm.

Một là, tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn để phục vụ xây dựng chính sách quản lý môi trường, đồng thời cập nhật các xu hướng mới như kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải carbon và ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý.

Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xử lý chất thải, công nghệ quan trắc, công nghệ tái chế, nhất là các công nghệ tiết kiệm năng lượng, công nghệ sạch, công nghệ thu hồi tài nguyên và năng lượng từ chất thải.

Từ thực tiễn triển khai các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu trong những năm qua, PGS-TS.Nguyễn Xuân Hải đã đưa ra bốn kiến nghị quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường.

Đầu tiên, cần tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ môi trường, đặc biệt vào các phòng nghiên cứu, phòng thí nghiệm chuyên sâu và cơ sở vật chất hiện đại.

Bên cạnh đó, thực hiện các dự án trọng điểm tập trung vào công nghệ xử lý ô nhiễm, sản xuất sạch hơn, quan trắc thông minh và số hóa dữ liệu môi trường.

Ngoài ra, thúc đẩy mạnh mẽ mối liên kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư và doanh nghiệp để biến các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, dịch vụ thực tế.

Cuối cùng, cần xây dựng cơ chế tài chính linh hoạt, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu thử nghiệm, tạo điều kiện cho các sáng kiến công nghệ có tính ứng dụng và khả năng thương mại hóa cao được triển khai.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẳng định rằng, khoa học và công nghệ không chỉ là nền tảng cho công tác quản lý, giám sát và xử lý ô nhiễm, mà còn là chìa khóa mở ra con đường phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng.

Để phát huy vai trò này, Việt Nam cần thực hiện các đột phá về chính sách, đầu tư và hợp tác quốc tế nhằm đưa các kết quả nghiên cứu đi từ phòng thí nghiệm đến thực tế, góp phần kiến tạo môi trường sống xanh, sạch và an toàn cho cộng đồng.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/luat-bao-ve-moi-truong-2020-dong-luc-thuc-day-khoa-hoc-cong-nghe-moi-truong-d285387.html
Zalo