Vệ tinh quan sát Trái Đất của Ấn Độ gặp sự cố
Ngày hôm qua, 18/5, Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) thông báo sứ mệnh phóng vệ tinh radar quan sát Trái Đất EOS-09 của cơ quan này đã thất bại sau một sự cố đáng tiếc. Vệ tinh được phóng từ bệ phóng tại bang Andhra Pradesh, Đông Nam Ấn Độ, sử dụng tên lửa đẩy PSLV.
Vụ phóng vệ tinh tại Ấn Độ được thực hiện lúc 6h sáng ngày 18/5 bằng tên lửa đẩy PSLV-C61, với 4 tầng và 6 khoang chứa chất rắn phụ trợ. Tuy nhiên, chỉ khoảng 6 phút sau khi rời bệ phóng, sự cố đã xảy ra ở tầng thứ ba của tên lửa. Theo Chủ tịch Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) V. Narayanan, áp suất trong buồng đốt của tầng thứ ba giảm đột ngột khiến động cơ không thể hoạt động đúng theo thiết kế, làm vệ tinh không đạt được quỹ đạo mong muốn và nhanh chóng mất liên lạc.
Hình ảnh truyền trực tiếp từ ISRO cho thấy sau khi đạt độ cao nhất định, tên lửa bắt đầu giảm dần độ cao trước khi rơi trở lại bầu khí quyển. Sự cố khiến sứ mệnh không thể đưa vệ tinh EOS-09 vào quỹ đạo cách Trái Đất khoảng 535 km như kế hoạch ban đầu.

Hình ảnh vụ phóng vệ tinh EOS-09 ngày 18.5 tại Ấn Độ (Nguồn: ISRO)
EOS-09, còn được gọi là RISAT-1B, là vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp băng C (SAR), nặng gần 1.700 kg, có khả năng cung cấp hình ảnh độ phân giải cao cả ngày lẫn đêm, bất kể điều kiện thời tiết. Vệ tinh này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát đường biên giới, đặc biệt tại các khu vực nhạy cảm như biên giới Ấn Độ - Pakistan và Ấn Độ - Trung Quốc, bên cạnh các ứng dụng dân sự như quản lý thiên tai và theo dõi biến đổi khí hậu.
Vụ phóng EOS-09 là nhiệm vụ thứ hai của ISRO trong năm 2025, sau thành công của sứ mệnh NVS-02 vào tháng 1, và đánh dấu lần thứ 101 tổ chức này thực hiện một sứ mệnh không gian. Dòng tên lửa đẩy PSLV, vốn được xem là “phương tiện vận chuyển” đáng tin cậy của ISRO, mới chỉ ba lần thất bại trong 32 năm hoạt động. ISRO đã tuyên bố sẽ tiến hành phân tích kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân cụ thể và đưa ra biện pháp khắc phục.
Sự cố với EOS-09 đồng thời cũng cho thấy tính chất đầy rủi ro và độ phức tạp cao của các sứ mệnh phóng vệ tinh, kể cả đối với các cường quốc không gian. Với tinh thần không ngừng đổi mới, cộng đồng khoa học kỳ vọng ISRO sẽ nhanh chóng vượt qua sự cố này và tiếp tục vững bước trên hành trình chinh phục vũ trụ.