Luân hồi lá - sự 'chín' trong cách viết thơ và những khắc khoải của nhà thơ Đàm Chu Văn

Nhà thơ Đàm Chu Văn sinh ra và lớn lên ở Thái Bình quê lúa, anh bén duyên với mảnh đất Đồng Nai qua những năm tháng công tác nơi đây. Dòng thơ của anh chảy dài theo những sự kiện của đất nước, như chính từng bước chân anh đã trải qua từng ấy ngày, tháng, năm. Để đúc kết những khát khao trong tâm khảm người lính.

Tập thơ Luân hồi lá, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2024, là minh chứng thể hiện độ chín muồi trong cách viết của nhà thơ Đàm Chu Văn. Tập thơ được chia làm hai phần, phần một kể về những cuộc chiến, về những lần viếng thăm nơi Đền Hùng, Bến Tượng, Côn Đảo hay Gia Ray, đất mũi Cà Mau... Những nơi anh đến đều để lại dấu ấn bằng những câu thơ đượm màu ký ức của cuộc chiến tranh.

“Người lính trẻ đội mũ tai bèo có nụ cười hiền hậu

Năm mươi năm chưa trở lại nhà”

(Trích trong bài Nhớ cậu - tưởng nhớ liệt sĩ Chu Công Hoan)

Dường như, trong thơ Đàm Chu Văn, anh luôn thể hiện khao khát được trở về với chính mình ngày ấy, một người lính chiến trường và lẩn khuất nhiều nỗi niềm ưu tư với đồng đội, bè bạn. Anh dùng thơ của mình để thể hiện những tâm tư đó, trải lòng mình trên những trang thơ.

Hay như ở bài Sóng lừng Nhơn Trạch anh viết:

“Nghẹn lòng nước mắt Đồng Nai

Hoành hành một lũ tay sai phản nhà

Bố ruồng, bắn giết, khảo tra

Nhà tù chật ních, rên la quặn trời”.

Có từng trải qua những nỗi đau, những bắt bớ, tra khảo và cuộc hoành hành của bè lũ tay sai xâm lược, nhà thơ mới diễn tả trọn vẹn nỗi đau đọa đày đối với người dân như thế. Khi đọc những dòng thơ của Đàm Chu Văn, ta như sống lại thời khắc lịch sử ấy, chứng kiến những cảnh đau lòng trước mắt để rồi vùng lên ý chí mạnh mẽ, quyết tâm diệt thù của quân và dân nước nhà.

Trong anh luôn có những trải nghiệm, mở ra màu sáng ở tương lai phía trước. Vòng tròn “luân hồi” của anh sẽ mở rộng những kiếp nhân sinh trên cõi trần, kể cả những cây, những lá, những hoa, tất cả đều mang một sử mệnh của chính mình trong đó.

Trong phần hai của tập thơ, tác giả bố trí nội dung “Như chừng xanh hơn” với nhiều bài thơ như: Cầu Long Biên, Em mang về Hà Nội, Đất quê quan họ, Cuối chiều ở Suối Tre, Long Khánh... Ba mươi chín bài thơ anh viết đều đi dọc từ Bắc vào Nam, như chuyến hành trình tìm lại chính mình ở những khoảnh khắc rất thật. Mỗi nơi anh đi qua đều để lại dư âm của cuộc trùng phùng, luyến lưu, chút “tình” đọng lại nơi câu thơ:

“Anh về luyện đá thành trăng

Sáng lên một mảnh thu rằm soi chung

Bước chân khắp chốn khắp vùng

Nước trong thu thủy những mong một ngày”

(Trích bài: Giọng quê)

Với Đàm Chu Văn, dường như anh chia mình qua nhiều cung bậc, để cảm, để trải lòng và đúc kết nhiều trải nghiệm đi qua cuộc đời anh. Anh nói với tôi, Luân hồi lá chính là tập thơ anh cảm nhận được độ chín muồi nhất của mình trong đó. Có lẽ trải qua những “vùi dập” của cuộc chiến tranh, những “bình dị” của thường nhật, anh cảm nhận rõ về không gian, thời gian của sự “luân hồi”. Như một vòng vô thường của một đời người, anh đã đưa thơ mình và đưa đến bạn đọc những cảm tác khó quên.

“Dàn nhạc màu đông buông những giọt thanh âm

Cuối cùng khúc hoan ca phì nhiêu và

Lầm lụi ba zan

......

Thức dậy nào reo xuân

He hé tươi non luân hồi mắt lá.

(Trích Luân hồi lá - viết ở rừng cao su miền Đông tháng 12-2020).

Thụy

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202504/luan-hoi-la-su-chin-trong-cach-viet-tho-va-nhung-khac-khoai-cua-nha-tho-dam-chu-van-7d42e61/
Zalo