Lừa đảo trực tuyến: Dính bẫy từ cuộc gọi không nói gì
Nhiều người đã dính bẫy lừa đảo trực tuyến từ các cuộc gọi lạ giả danh, cuộc gọi không nói gì, không có âm thanh.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho biết, tuần qua (từ 17-2 - 23- 2), ở nước ta xuất hiện một số hình thức về lừa đảo trực tuyến mà người dân cần biết để phòng tránh.
Dính bẫy lừa đảo từ cuộc gọi không nói gì
Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng khách hàng nhận được nhiều cuộc gọi lạ giả danh, cuộc gọi không nói gì, không có âm thanh… gây phiền hà. Thậm chí còn có nhiều người dính bẫy lừa đảo cần cảnh giác.
Cụ thể, nhiều người dùng điện thoại phản ánh về tình trạng thường xuyên nhận được cuộc gọi từ số lạ nhưng khi bắt máy thì không ai trả lời. Nguyên nhân có thể do lỗi kỹ thuật hoặc kẻ gian cố tình thực hiện cuộc gọi không lời nhằm khơi gợi sự tò mò, khiến khách hàng gọi lại. Khi đó có thể bị tính phí viễn thông cao bất thường.

Gần đây xuất hiện tình trạng khách hàng nhận được nhiều cuộc gọi lạ giả danh, cuộc gọi không nói gì, không có âm thanh. Ảnh: Cục An toàn thông tin.
Tình trạng trên thường được gọi là "cuộc gọi mồi", những cuộc gọi trong tích tắc rồi tắt máy, để người dùng thấy cuộc gọi nhỡ mà gọi lại, kết quả sẽ tốn rất nhiều tiền trong vài giây ngắn ngủi mà không nghe đối phương nói gì.
Hình thức lừa đảo này đã từng rất phổ biến tại Mỹ và các nước châu Âu từ thập kỷ trước và hiện đang quay trở lại, gây hoang mang cho khách hàng của các nhà mạng. Cách thức lừa đảo này đã từng được các trang báo trong nước cũng như quốc tế cảnh báo từ lâu.
Cụ thể, những kẻ lừa đảo sẽ sử dụng một thiết bị để tự động thực hiện các cuộc gọi đến hàng triệu số điện thoại di động ngẫu nhiên trên toàn cầu. Đánh vào đúng thói quen rất bình thường từ trước đến nay của người dùng điện thoại, đó là việc gọi lại những cuộc gọi nhỡ, trò này đã lừa được vô số người.
Hầu hết các số điện thoại đều rất khó nhận diện, vì chúng hao hao như mã vùng điện thoại tại một số nơi ở Việt Nam.
Chỉ nhận cuộc gọi không thể bị xâm nhập điện thoại
Trong trường hợp gọi lại hoặc thao tác theo hướng dẫn như bấm phím số 1, 2… từ cuộc gọi của một số thuê bao, người dùng có thể bị trừ cước viễn thông.
Trường hợp bị cuộc gọi dẫn dụ vào đường link lừa đảo, hoặc tải file có nguy cơ đánh cắp thông tin, hay bị dẫn dụ đầu tư tài chính hoặc thực hiện lệnh chuyển tiền theo hướng dẫn của cuộc gọi thì người dùng có thể bị đánh cắp dữ liệu hoặc tiền.
Tuy nhiên, các đối tượng không thể xâm nhập được điện thoại của người dùng khi chỉ thực hiện thao tác nhận cuộc gọi.
Tái diễn lừa đảo giả mạo video, hình ảnh bằng công nghệ cao
Mới đây, Bộ Công an đã gửi tin nhắn cảnh báo về việc xuất hiện tình trạng tội phạm mạng lợi dụng hình ảnh, video công khai của người dân để chỉnh sửa, cắt ghép, đe dọa tống tiền bằng các video giả mạo.
Công nghệ deepfake là một nhánh nổi bật của AI. Nhờ khả năng tái tạo âm thanh và hình ảnh của một người với độ chính xác cao, kẻ gian có thể giả mạo các nhà lãnh đạo trong các cuộc họp trực tuyến, hoặc dựng lên các video, cuộc gọi nhằm lừa đảo tài chính.

Bộ Công an cảnh báo về việc xuất hiện tình trạng tội phạm mạng lợi dụng hình ảnh, video công khai của người dân để chỉnh sửa, cắt ghép, đe dọa tống tiền bằng các video giả mạo. Ảnh: Cục An toàn thông tin.
Hơn nữa, các chiêu trò này thường khai thác yếu tố tâm lý như sự khẩn cấp, sợ hãi hoặc quyền lực, khiến nạn nhân hành động vội vàng mà không kiểm tra kỹ tính xác thực.
Deepfake không chỉ dừng lại ở các vụ lừa đảo đầu tư tài chính mà còn ở những nhóm khác như lừa đảo tình cảm (AI romantic scams). Deepfake được sử dụng để tạo ra các nhân vật hư cấu, tương tác với nạn nhân thông qua các cuộc gọi video. Sau khi lấy được lòng tin của nạn nhân, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển tiền để giải quyết các tình huống khẩn cấp, chi phí đi lại, hoặc các khoản vay.
Gần đây, một nhóm hơn hai chục người liên quan đến các vụ lừa đảo kiểu này đã bị bắt sau khi chiếm đoạt 46 triệu USD từ các nạn nhân tại Singapore, Ấn Độ… Giọng nói giả mạo (voice fakes) cũng đã được sử dụng trong các vụ lừa đảo nhắm vào cá nhân, cũng như trong các cuộc tấn công nhằm vào các ngân hàng sử dụng hệ thống xác thực bằng giọng nói.
Lừa đảo bán pin xe máy để chiếm đoạt tài sản
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Đức, TP Hà Nội đang điều tra vụ án 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' và 'Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức' xảy ra ngày 11-12-2024 tại thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội.
Theo đó, đối tượng lừa đảo được xác định Đỗ Thị Thu Hiền, làm nhân viên bán xe máy điện và pin xe máy điện từ cuối năm 2022, đến 30-10-2023 thì đại lý đóng cửa nên Hiền nghỉ việc.
Quá trình làm nhân viên bán xe máy điện Hiền quen biết nhiều khách hàng, sau khi nghỉ việc, khách hàng vẫn liên hệ với Hiền để mua và thuê pin xe máy điện.

Thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo là tạo lập các trang mạng xã hội giả mạo, đăng tải thông tin, hình ảnh về sản phẩm và rao bán với giá thấp hơn nhiều giá thị trường. Ảnh: Cục An toàn thông tin.
Do nghỉ việc không có tiền tiêu xài cá nhân nên Hiền nảy sinh ý định lừa bán pin xe máy điện cho người khác để lấy tiền.
Hiền đã sử dụng một con dấu giả theo mẫu dấu của đại lý nhưng lấy địa chỉ tại thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội và tự làm mẫu biên bản bàn giao pin rồi dùng con dấu giả đóng vào biên bản. Sau đó, Hiền dùng biên bản đó giao dịch bán pin xe máy điện cho người khác và chiếm đoạt tiền.
Thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo là tạo lập các trang mạng xã hội giả mạo, đăng tải thông tin, hình ảnh về sản phẩm và rao bán với giá thấp hơn nhiều giá thị trường. Các trang Facebook cá nhân của các đối tượng lừa đảo thường không có thông tin cá nhân minh bạch.
Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo còn tham gia vào các hội nhóm, liên tục đăng bài quảng cáo sản phẩm để thu hút sự quan tâm của người dùng. Nhiều đối tượng còn làm giả những giấy tờ liên quan đến chứng nhận hàng thật, con dấu của các công ty, doanh nghiệp lớn để tăng uy tín và tạo sự tin tưởng cho người mua.
Khi có nạn nhân tiếp cận và đồng ý mua, đối tượng sẽ yêu cầu đặt cọc và sau đó chiếm đoạt tiền, chặn toàn bộ liên lạc với nạn nhân.