Việt Nam-Anh Quốc hợp tác ứng phó tin giả, tin sai lệch về bệnh không lây nhiễm

Viện Chiến lược và Chính sách Y tế phối hợp Đại học College Luân Đôn thực hiện nghiên cứu về phương pháp ứng phó với thông tin sai lệch, thông tin giả mạo liên quan đến bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.

 Buổi tham vấn tại Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Buổi tham vấn tại Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều ngày 24/2 tại Hà Nội, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (HSPI, Bộ Y Tế) đã tổ chức buổi tham vấn, lấy ý kiến của giới chuyên môn để phục vụ nghiên cứu về thực trạng và tác động của thông tin sai lệch, thông tin giả mạo lên việc sử dụng dịch vụ y tế đối với bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.

Nghiên cứu do Viện phối hợp với Đại học College Luân Đôn (University College London - UCL) thực hiện trong giai đoạn từ 2025-2029.

Theo đó, “thông tin sai lệch về sức khỏe” được giới chuyên môn xác định là thông tin không chính xác được chia sẻ một cách vô tình; còn “thông tin giả mạo về sức khỏe” là thông tin không chính xác được cố ý tạo ra với mục đích gây hiểu nhầm. Một số bệnh không lây nhiễm phổ biến tại Việt Nam có thể kể đến là tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch...

Mục tiêu tổng quát của nghiên cứu là tìm hiểu cách thức thông tin sai lệch và thông tin giả mạo trong lĩnh vực y tế để từ đó xác định phạm vi, mức độ ảnh hưởng đến việc sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam.

Các mục tiêu nhỏ hơn của nghiên cứu bao gồm tìm hiểu nguồn gốc, phạm vi và nội dung của hai loại thông tin này liên quan đến bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam. Cùng với đó là tìm hiểu cơ chế các loại tin này trong lĩnh vực y tế và tác động của nó tới hành vi sử dụng dịch vụ liên quan đến bệnh không lây nhiễm của người dân. Nghiên cứu cũng hướng đến phân tích, đánh giá các chính sách và chương trình hiện có, xác định khoảng chống chính sách nhằm giảm thiểu thông tin sai lệch, thông tin giả mạo trong lĩnh vực y tế.

Hợp tác dài hạn giữa HSPI và UCL sẽ bao gồm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 là giai đoạn thăm dò, diễn ra năm 2025. Giai đoạn 2 là giai đoạn mở rộng, diễn ra từ 2026-2028. Giai đoạn 3 cũng là giai đoạn cuối, là giai đoạn củng cố, thực hiện, diễn ra trong năm 2029.

 Người dân, nhân viên y tế là hai trong số các nhóm đối tượng mà nghiên cứu hướng đến. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Người dân, nhân viên y tế là hai trong số các nhóm đối tượng mà nghiên cứu hướng đến. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Cụ thể ở giai đoạn thăm dò (giai đoạn 1), nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu có sự tham gia của các bên để đánh giá thực trạng thông tin sai lệch và thông tin giả mạo trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam, các bên liên quan trong hệ thống y tế xây dựng kiến thức về vấn đề này, nhằm cung cấp thông tin, bằng chứng phục vụ xây dựng và vận động chính sách.

Giai đoạn mở rộng (giai đoạn 2), nhóm sử dụng kết hợp các phương pháp nghiên cứu và cách tiếp cận mới để nghiên cứu về thông tin sai lệch và thông tin giả mạo trong lĩnh vực y tế nói chung và bệnh không lây nhiễm nói riêng tại các tỉnh, thành phố có các đặc điểm kinh tế-xã hội, dân tộc và dịch tễ học đa dạng. Mục đích là nâng cao hiểu biết toàn diện và đề xuất các biện pháp chính sách phù hợp để giải quyết vấn đề thông tin sai lệch, thông tin giả mạo trong cộng đồng.

Giai đoạn củng cố (giai đoạn 3), nhóm sẽ đánh giá kết quả thí điểm chính sách/can thiệp nhằm quản lý thông tin sai lệch, thông tin giả mạo trong cộng đồng về y tế, từ đó đưa ra các khuyến nghị nhằm xây dựng chiến lược quốc gia và lộ trình nhằm giải quyết vấn nạn này tại Việt Nam; cải thiện vai trò tham gia và quản lý của các đơn vị cung cấp dịch vụ bệnh không lây nhiễm trong giảm thiểu tình trạng này./.

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-anh-quoc-hop-tac-ung-pho-tin-gia-tin-sai-lech-ve-benh-khong-lay-nhiem-post1014037.vnp
Zalo