Doanh nghiệp nước ngoài sẽ được đầu tư vệ tinh tầm thấp tại Việt Nam

Hiện công nghệ vệ tinh tầm thấp chủ yếu do một số doanh nghiệp nước ngoài sở hữu và triển khai trên thế giới, nên cần có cơ chế và chính sách thí điểm có kiểm soát khi triển khai tại Việt Nam.

Bộ TT&TT đang xây dựng cơ chế, chính sách để có thể thúc đẩy phát triển vệ tinh quỹ đạo tầm thấp. Ảnh: TL

Bộ TT&TT đang xây dựng cơ chế, chính sách để có thể thúc đẩy phát triển vệ tinh quỹ đạo tầm thấp. Ảnh: TL

Trong tờ trình gửi Quốc hội của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hòa Bình về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, có đề cập đến thí điểm có kiểm soát triển khai dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp.

Tờ trình nêu rõ: Nghị quyết số 57/NQ-TW yêu cầu phát triển hạ tầng viễn thông, Internet đáp ứng dự phòng, kết nối, an toàn, bền vững, hệ thống truyền dẫn dữ liệu qua vệ tinh, mạng cáp quang băng thông rộng tốc độ cao phủ sóng toàn quốc, mạng thông tin di động 5G, 6G và các thế hệ tiếp theo.

Thực tế công nghệ vệ tinh tầm thấp chủ yếu do một số doanh nghiệp nước ngoài làm chủ và triển khai trên thế giới nên cần có cơ chế, chính sách thí điểm có kiểm soát để thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, đưa công nghệ vệ tinh tầm thấp phát triển tại Việt Nam, trên nguyên tắc đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Ngày 19/2, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Một trong những nội dung quan trọng của nghị quyết này là cho phép thí điểm có kiểm soát triển khai dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp.

Theo đó, việc thí điểm có kiểm soát đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, loại hình mạng viễn thông vệ tinh sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp tại Việt Nam trên nguyên tắc bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó không giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc tỷ lệ đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ với VietNamNet ngày 24/2, đại Cục Viễn thông cho hay Bộ TT&TT đang xây dựng cơ chế chính sách để có thể thúc đẩy phát triển vệ tinh quỹ đạo tầm thấp. Những nhà đầu tư nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ tại Việt Nam phải có hồ sơ xin cấp phép theo các quy định.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 20 công ty và tập đoàn lớn đang phát triển các chùm vệ tinh quỹ đạo tầm thấp (LEO) để cung cấp dịch vụ Internet toàn cầu.

Trong đó, một số nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh LEO nổi bật như: SpaceX với dịch vụ Starlink đã phóng hơn 6.700 vệ tinh LEO và dự kiến sẽ triển khai tổng cộng khoảng 42.000 vệ tinh để cung cấp dịch vụ Internet băng rộng toàn cầu; OneWeb đã phóng hơn 500 vệ tinh LEO. Ngoài ra, dịch vụ vệ tinh tầm thấp còn có các tên tuổi khác như Amazon, Telesat, SES, Viasat, LeoSat, Globalstar, Inmarsat, Thuraya, Intelsat…

Hiện Trung Quốc cũng đang nổi lên trở thành đối thủ cạnh tranh với Mỹ về vệ tinh tầm thấp. Trung Quốc đã phóng 18 vệ tinh vào không gian trong nỗ lực tăng cường mạng lưới quỹ đạo của mình.

Việc phóng các vệ tinh là một phần trong chương trình của Shanghai Spacecom Satellite Technology, công ty đang có kế hoạch tạo ra một mạng lưới gồm 15.000 'vệ tinh quỹ đạo Trái Đất thấp' trong không gian.

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp đang bắt đầu quan tâm và có sự chuẩn bị cho việc triển khai các dịch vụ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông và Internet. Một số doanh nghiệp Việt Nam đang chú ý đến xu hướng này như Viettel, VNPT…

Năm 2023, trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, đại diện SpaceX cho biết công ty muốn hợp tác với Việt Nam để cung cấp dịch vụ vệ tinh tầm thấp tại Việt Nam.

“SpaceX đang sở hữu Starlink - dịch vụ Internet vệ tinh tốc độ cao phủ sóng toàn cầu. Công nghệ Internet vệ tinh có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt là tại khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nơi cáp quang thông thường không thể vươn đến. Có rất nhiều dịch vụ dựa trên nền Internet tốc độ cao mà vệ tinh có thể cung cấp được”, đại diện SpaceX chia sẻ.

Đưa ra khuyến nghị cho Việt Nam, SpaceX cho hay Chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy chiến lược về phát triển khả năng kết nối và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân, Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực kết nối Internet”, đại diện SpaceX nói.

Đại diện SpaceX cho biết thêm, công ty đang tìm kiếm cơ hội và mong đợi sẽ được đồng hành cùng thị trường Việt Nam.

Mới đây, đại diện SpaceX khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Laurent Tran Dien đã chia sẻ, SpaceX đang sử dụng hàng nghìn vệ tinh để phủ sóng Internet tốc độ cao tại nhiều nơi trên thế giới.

“Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi phải đối mặt với nhiều thiên tai như núi lửa, động đất, sóng thần,... Trong những tình huống khẩn cấp, kết nối Internet sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì liên lạc”, ông Laurent Tran Dien nói.

Điểm đặc biệt của dịch vụ Internet vệ tinh Starlink do SpaceX cung cấp là khả năng lắp đặt, triển khai trong thời gian ngắn. Trong khi, dịch vụ này có thể cung cấp Internet ở mọi nơi với độ trễ thấp và tốc độ cao.

“Dịch vụ Internet vệ tinh của Starlink có thể đáp ứng tốt tại nhiều điều kiện địa hình, thậm chí có thể lắp đặt trên máy bay, tàu đánh cá, ô tô,... Tại những vùng sâu vùng xa, việc kết nối Internet bằng vệ tinh sẽ giúp người dân được giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn”, đại diện SpaceX chia sẻ.

Thái Khang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doanh-nghiep-nuoc-ngoai-se-duoc-dau-tu-ve-tinh-tam-thap-tai-viet-nam-2374565.html
Zalo