'Lột xác' nhờ cách tẩy da chết có thể áp dụng tại nhà
Tẩy da chết giúp loại bỏ tế bào già cỗi, cải thiện tuần hoàn, tái tạo da, cho làn da mịn màng, rạng rỡ. Tuy nhiên, cần thực hiện đúng cách để tránh kích ứng.
Tẩy tế bào chết không chỉ giúp loại bỏ lớp tế bào da cũ mà còn mang lại nhiều lợi ích khác cho làn da. Quá trình này giúp kích thích tuần hoàn máu, cải thiện khả năng tái tạo tế bào mới, từ đó mang lại làn da sáng và đều màu hơn.
Ngoài ra, khi lớp tế bào chết được loại bỏ, các sản phẩm dưỡng da như kem dưỡng ẩm và serum có thể thẩm thấu tốt hơn, phát huy hiệu quả tối ưu. Việc tẩy tế bào chết thường xuyên, nếu thực hiện đúng cách, cũng góp phần làm mờ các vết thâm và cải thiện kết cấu da.
Có nhiều phương pháp tẩy tế bào chết khác nhau, và loại da sẽ quyết định phương pháp phù hợp cũng như tần suất thực hiện. Với một số tình trạng da như bệnh hồng ban (rosacea), tẩy tế bào chết thường không được khuyến khích, theo Healthline.
Hai phương pháp chính gồm:
Tẩy tế bào chết vật lý (cơ học): Sử dụng các dụng cụ hoặc sản phẩm có tác dụng mài mòn nhẹ để loại bỏ tế bào chết.
Tẩy tế bào chết hóa học: Dùng axit để phá vỡ các liên kết giữa các tế bào chết, giúp da loại bỏ chúng tự nhiên.
![Tẩy da chết mang lại nhiều lợi ích bất ngờ cho làn da toàn thân. Ảnh minh họa: cottonbro/Pexels.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51475398/48d4452e77609e3ec771.jpg)
Tẩy da chết mang lại nhiều lợi ích bất ngờ cho làn da toàn thân. Ảnh minh họa: cottonbro/Pexels.
Cụ thể, về tẩy tế bào chết vật lý:
Bàn chải tẩy tế bào chết: Thường là loại bàn chải lông mềm dùng cho mặt hoặc cơ thể, giúp loại bỏ lớp tế bào chết trên bề mặt da.
Bọt biển tẩy tế bào chết: Nhẹ nhàng hơn so với bàn chải, có thể sử dụng cùng nước ấm, xà phòng hoặc sữa tắm.
Găng tay tẩy tế bào chết: Tiện lợi hơn khi cần làm sạch diện tích da lớn như cánh tay hoặc chân, có thể kết hợp với xà phòng hoặc sữa tắm.
Tẩy tế bào chết dạng hạt (scrub): Thoa trực tiếp lên da và massage nhẹ nhàng theo chuyển động tròn, sau đó rửa sạch bằng nước ấm.
Tẩy tế bào chết hóa học bao gồm:
Axit alpha-hydroxy (AHA): Bao gồm glycolic, lactic, tartaric và citric acid, giúp phá vỡ liên kết giữa các tế bào chết trên bề mặt da, thúc đẩy quá trình tái tạo da.
Axit beta-hydroxy (BHA): Điển hình là salicylic acid, phù hợp hơn cho làn da dễ bị mụn.
Mỗi loại da có nhu cầu khác nhau khi tẩy tế bào chết. Việc lựa chọn phương pháp phù hợp sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả mà không gây kích ứng hay tổn thương da. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể cho từng loại da:
Da khô: Tránh phương pháp cơ học vì có thể gây tổn thương da. Axit glycolic có thể giúp loại bỏ tế bào chết mà không làm khô da thêm. Sau khi tẩy tế bào chết, cần sử dụng kem dưỡng ẩm và chống nắng.
Da nhạy cảm: Không nên sử dụng phương pháp cơ học để tránh kích ứng. Nên chọn tẩy tế bào chết hóa học nhẹ nhàng và sử dụng khăn mềm để thoa sản phẩm.
Da dầu: Có thể hưởng lợi từ cả phương pháp cơ học và hóa học. Làn da dầu thường có lớp sừng dày hơn, nên tẩy tế bào chết nhẹ nhàng bằng các động tác tròn sẽ mang lại hiệu quả tốt.
Da thường: Có thể chọn bất kỳ phương pháp nào, cả vật lý và hóa học, tùy theo sở thích và nhu cầu của da.
Da hỗn hợp: Có thể cần kết hợp cả hai phương pháp nhưng không nên sử dụng cùng lúc để tránh kích ứng. Nếu cảm thấy da khô sau khi tẩy tế bào chết, cần thoa kem dưỡng ẩm ngay lập tức.
![Dùng vải, bàn chải hay găng tay là một số phương pháp tẩy da chết vật lý khá phổ biến và được ưa chuộng. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_119_51475398/650c77f645b8ace6f5a9.jpg)
Dùng vải, bàn chải hay găng tay là một số phương pháp tẩy da chết vật lý khá phổ biến và được ưa chuộng. Ảnh minh họa: Karolina Grabowska/Pexels.
Tần suất tẩy tế bào chết phụ thuộc vào loại da và phương pháp sử dụng. Các sản phẩm hóa học có thể có nồng độ mạnh, vì vậy cần chú ý không lạm dụng.
Da khô: 1-2 lần/tuần là đủ.
Da dầu: Có thể tẩy tế bào chết thường xuyên hơn nhưng cần tránh gây kích ứng.
Da nhạy cảm: Nên giảm tần suất và chọn sản phẩm dịu nhẹ.
Nếu da có dấu hiệu đỏ, viêm, bong tróc hoặc kích ứng, cần dừng ngay việc tẩy tế bào chết. Ngoài ra, nếu đang sử dụng các sản phẩm trị mụn mạnh như retinol hay benzoyl peroxide, nên tránh tẩy tế bào chết để tránh làm da tổn thương thêm. Nếu cần tư vấn về phương pháp phù hợp, có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu.