'Long lanh cũng biết cúi đầu'
Những tưởng, với một cây viết thế hệ gen Z thì tiếng thơ thường sẽ sôi nổi, trẻ trung, ấy vậy mà đọc 'Ngày chưa sương vội' của Trần Việt Hoàng lại thấy một giọng thơ trầm buồn, đầy suy tư và chiêm nghiệm.
“Vội vã làm chi/ Tiếng chuông vọng mòn đỉnh núi/ Cây sống cuộc đời vắng lá/ Di chỉ chân ai gửi lại những cảm thương/ Sương ở đây không vỡ vào ban mai/ nên long lanh cũng biết cúi đầu” (“Khúc rừng”). Đọc thơ thôi mà người ta dễ dàng hình dung được một con người đĩnh đạc với đôi mắt chứa chan bao hoài cảm, nghĩ suy. Nhiều vần thơ của anh lay động tâm hồn, tưởng như anh đã "vắt máu tim mình" để viết.
![Nhà thơ trẻ Trần Việt Hoàng và tập thơ “Ngày chưa sương vội”](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_8_51436586/c62e160b2d45c41b9d54.jpg)
Nhà thơ trẻ Trần Việt Hoàng và tập thơ “Ngày chưa sương vội”
Ký ức nơi làng quê đã khắc sâu trong tâm khảm chàng trai trẻ Trần Việt Hoàng. Là người của đất bùn, rơm rạ, nên khi sống ở một không gian khác, anh dường như luôn cảm thấy thiếu hương đồng gió nội quen thuộc để rồi hồi tưởng và suy tư: “Khói phố không cay như chái bếp của mẹ/ trẻ con không biết chơi trò xưa cũ/ cơn mưa ướt lên cuộc đời/ chưa bao giờ nghĩ mình thuộc về thành phố” (“Những giọt sương rơi”). Trần Việt Hoàng đã nhìn lại “gương mặt ký ức” mà ở đó: “Tre xanh hơn cuối khu vườn của mẹ/ gió thổi mỏng bức tường cũ/…/ tiếng dế tỉ tê vọng khúc mồ côi/ tàu chuối bời bời/ bờ đê nắng ngả mình vàng sẫm”. Quê nhà thân thương hiện lên với những hình ảnh giản dị khắc họa thật sâu nỗi nhớ của một chàng trai đã rời làng quê yên ả ra phố thị xôn xao.
Khắc sâu tình yêu với làng quê của mình, Trần Việt Hoàng cũng khắc sâu tình yêu đất nước, thể hiện niềm tri ân những người đã ngã xuống cho quê hương đứng lên qua bài thơ “Khúc ca tháng Bảy” với dáng hình của những bà mẹ Việt Nam có con chinh chiến sa trường mà ngày tiễn biệt cũng là ngày vĩnh biệt: “Bên chái bếp người mẹ già còn đợi/ tóc dài mang nỗi buồn của mây/ còn ai nghĩ về hoa râm/ những người mẹ chưa bao giờ ra đi/ sau cuộc chiến vẫn trở về/ họ đã mang thêm một khuôn mặt”. Hay khi “Viết ở Đồng Lộc”, anh đã xúc động trước hình ảnh: “Mười ngôi mộ bồ kết rưng rưng/ con đường giấu tàn tích vào trong/ nắng Đồng Lộc hong ấm hồi ức”. Viết những vần thơ ấy là anh đang tri ân những người con gái anh hùng đã hy sinh ở ngã ba Đồng Lộc năm xưa, đồng thời nhắc nhở những người lính hôm nay (trong đó có cả tác giả) càng thêm vững vàng với lý tưởng và trở thành: “người chiến sĩ chắc tay bồng súng/ ý nghĩ bay về phía bình minh” (“Đêm thao trường”).
“Ngày chưa sương vội” của Trần Việt Hoàng có kết cấu bốn phần: “Gầy rạc thác lên trăng gầy”, “Tự họa”, “Chứng nhân cho nhiều trắc ẩn” và “Còn cỏ sắc thì thầm”. Với “Ngày chưa sương vội”, Trần Việt Hoàng đã “lớn lên từ những nhận ra” trong “Những giọt sương rơi” rồi “chín dần trong bình thản” trong “Thu khác”. Vì vậy, tâm hồn của thanh niên ấy trở nên giàu lòng trắc ẩn, cảm thông sâu sắc và có những rung cảm từ những điều nhỏ bé nhất. Như ở bài thơ “Một thoáng Phong Điền”, Trần Việt Hoàng đã thấu cảm: “Giấc mơ người đàn bà rít điếu chợ cũ/ cười khẽ lên nỗi buồn màu khói/ không còn tin về những vệt sáng trời xa”. Có lẽ, đó không còn là sự cảm thông với những người cùng khổ hay chỉ là một niềm thương cảm đối với những số phận thiếu thốn về vật chất nữa, mà Trần Việt Hoàng khám phá những suy tư của họ và đồng cảm với những con người không còn có ước mơ, cuộc sống chỉ toàn những điều tăm tối: “Người đàn ông khép chặt hàng mi/ Sao đi qua được đỉnh buốt lúc này/ Những kiếm tìm nhận lại nước mắt/ Khói trời lay lắt bóng cọ/ Ai nhặt đôi dép mòn lở/ Ruộng bậc thang trong nắng xanh thắt/ Cỗ quan tài vương vấn mây tang” (“Tiếng của ngôi làng”).
Luôn khắc khoải với hoài niệm, thao thức với quê hương, tập thơ đầu tay của Trần Việt Hoàng như “áng mây không ở lại mà điểm xuyết bóng mình trên dòng thời gian” qua những hình ảnh quen thuộc, bình dị. Tập thơ do NXB Hội Nhà văn ấn hành.
Trần Việt Hoàng sinh năm 2002, quê ở Hà Tĩnh. Anh sáng tác cả thơ và văn xuôi. Hiện anh là sinh viên Trường Sĩ quan Chính trị, đang sinh sống và học tập tại Hà Nội.