Long An đang đứng trước cánh cửa cơ hội và sẵn sàng bứt phá

Các chuyên gia Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đã khẳng định, những năm gần đây, Long An bứt phá trở thành một trong những địa phương tăng trưởng dẫn đầu. Nhiều cơ hội phát triển đô thị và thị trường bất động sản. Hiện Long An đang đứng trước cánh cửa cơ hội và sẵn sàng bứt phá.

Các chuyên gia Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đã khẳng định, những năm gần đây, Long An bứt phá trở thành một trong những địa phương tăng trưởng dẫn đầu. Nhiều cơ hội phát triển đô thị và thị trường bất động sản. Hiện Long An đang đứng trước cánh cửa cơ hội và sẵn sàng bứt phá.

Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES), Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Sở Xây dựng tỉnh Long An vừa chính thức hoàn thành Báo cáo nghiên cứu: “Phát triển đô thị và thị trường bất động sản tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Dự kiến cuối tháng 8/2024, sẽ tổ chức Hội thảo và phát hành Báo cáo nghiên cứu này.

Theo đó, các chuyên gia cấp cao của VIRES đã khẳng định, những năm gần đây, Long An bứt phá trở thành một trong những địa phương tăng trưởng dẫn đầu, đồng thời luôn là một trong những tỉnh thành thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cao nhất cả nước.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI đã xác định: Đô thị tỉnh Long An được tiếp cận theo hướng đô thị bền vững, sinh thái và thông minh. Một trong những mục tiêu tổng quát giai đoạn 2020 - 2025 được xác định là khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với đô thị hóa.

Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI đã đề ra 3 chương trình đột phá, trong đó có chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Qua khảo sát và nghiên cứu của các chuyên gia thuộc VIRES, trong định hướng cơ cấu kinh tế của tỉnh Long An, để Công nghiệp - Xây dựng đạt mục tiêu chiếm tới 60,5%, nếu tính thêm Thương mại, Dịch vụ thì tỷ lệ ngành phi nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế lên đến 90%.

Để đạt được những mục tiêu này, phát triển bền vững đô thị và thị trường bất động sản có ý nghĩa rất quan trọng.

Việc phát triển bền vững thị trường BĐS đóng vai trò quan trọng, là sự lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu góp phần phát triển nhanh và bền vững cho đô thị tỉnh Long An, khai thác và phát huy tối đa nguồn lực đất đai, thu hút đầu tư vào các loại hình khuyến khích phát triển như BĐS khu công nghiệp, đô thị…

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết, theo Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu phát triển đến năm 2030, Long An phấn đấu là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kết nối chặt chẽ với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ; đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.

Tầm nhìn đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ.

Để đạt mục tiêu đưa Long An trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam, Long An quyết tâm hình thành 1 trung tâm – 2 hành lang – 3 vùng kinh tế - 6 trục động lực”, Chủ tịch UBND tỉnh Long An nói.

Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra 3 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm về giao thông, nông nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực với tư duy mới, tầm nhìn mới.

Tất cả đều cho thấy quyết tâm của tỉnh Long An trong việc phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, thu hút kêu gọi đầu tư, tập trung phát triển kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn 2021 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Long An có nhiều thành tựu đáng tự hào. Trải qua giai đoạn dịch bệnh Covid-19 đầy khó khăn, Long An nhanh chóng phục hồi.

Năm 2022 ngay sau thời kỳ dịch bệnh căng thẳng, GRDP của Long An đã đạt 8,46%, đứng thứ 6/13 tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cao hơn bình quân cả nước là 8%; thu hút đầu tư FDI đạt hơn 10 tỷ USD, thuộc top 10 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.

Năm 2023, Long An có sự bứt phá mạnh mẽ từ vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng PCI năm 2022, vươn lên vị trí thứ 2 trên bảng xếp hạng PCI và đạt điểm cao nhất từ trước đến nay với 70,94 điểm.

Song song với đó, những năm qua Long An đã có nhiều nỗ lực trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị nên đã ghi nhận những bước phát triển rõ rệt.

Đến nay, có thể nói diện mạo các đô thị trên địa bàn tỉnh Long An có sự thay đổi rõ nét. Nhiều công trình được đầu tư, xây dựng, tạo ra cảnh quan mới khang trang, sạch, đẹp, diện mạo đô thị khởi sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao cuộc sống người dân trên địa bàn.

Năm 2024, UBND tỉnh Long An đặt mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững; triển khai có hiệu quả quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực và nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy nhanh triển khai các công trình trọng điểm, chương trình đột phát của tỉnh tạo động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh…

Long An cũng đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế trên 3 lĩnh vực: Công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.

Trong đó, tập trung phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp; thu hút công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ; Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại hiện đại, dịch vụ cảng, logistics; Phát triển khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng ổn định, bền vững, nâng cao hiệu quả, chất lượng, tính cạnh tranh.

Từ nay đến năm 2030, Long An xác định các đô thị trên địa bàn tỉnh sẽ phát triển bền vững theo mục tiêu: Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực, toàn quốc và thế giới.

Quy mô dân số khoảng 1.879.000 người. Phấn đấu mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh Long An là khoảng 55%; bảo đảm 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo, công trình văn hóa.

Về chương trình nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, UBND tỉnh Long An đã phê duyệt chủ trương đầu tư 28 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; trong đó, có 07 dự án đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất khoảng 5,41 ha; tổng diện tích sàn hoàn thành là 76.638m2 với 1.884 căn, đáp ứng cho khoảng 8.000 người.

Giai đoạn 2024 – 2030, Long An định hướng phát triển nhiều dự án nhà ở thương mại, khu đô thị lớn, như dự án KĐT Tân Mỹ, KĐT Phước Vĩnh Tây, KĐT Nam Cần Giuộc, KĐT Mới Long Hậu… Đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Lãnh đạo tỉnh khẳng định "Chính quyền tỉnh Long An cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và cần doanh nghiệp đến đầu tư phát triển. Quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp không chỉ là lời nói suông mà là hành động cụ thể".

Với lợi thế về vị trí địa lý, còn người, tiềm năng đất đai cùng nỗ lực của chính quyền, sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển đô thị và thị trường bất động sản. Long An vẫn đang đứng trước cánh cửa cơ hội và sẵn sàng bứt phá trong tương lai.

Đông Hường

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/long-an-dang-dung-truoc-canh-cua-co-hoi-va-san-sang-but-pha-d9002.html
Zalo