2 luồng quan điểm về việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5%

Về đề nghị không chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện áp dụng thuế suất 5%, trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách có 2 luồng quan điểm.

Tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, sáng 14/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về đối tượng không chịu thuế (Điều 5), có ý kiến đề nghị bỏ quy định đối với trường hợp không phải nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra nhưng được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật.

Lý do được đưa ra là, việc tiếp tục giữ quy định này của Luật hiện hành là không phù hợp nguyên tắc của thuế giá trị gia tăng là chỉ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào trong trường hợp đầu ra là sản phẩm chịu thuế giá trị gia tăng, đồng thời, đã làm mất số thu của các địa phương có sản lượng nông nghiệp lớn; chính sách này là cần thiết khi các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn giấy tự tạo nhưng không còn phù hợp khi các doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử có nối mạng trực tiếp với cơ quan thuế để theo dõi tình hình thu nộp ngân sách.

Ngoài ra, để phòng tránh gian lận hóa đơn trong hoàn thuế giá trị gia tăng, khoản 9 Điều 15 dự thảo Luật đã bổ sung quy định trường hợp hàng hóa chưa được người bán kê khai nộp thuế giá trị gia tăng thì cơ sở kinh doanh không được hoàn và Cơ quan soạn thảo khi ban hành các văn bản hướng dẫn, cần bổ sung các tài liệu kèm theo Tờ khai thuế, bao gồm cả bảng kê hóa đơn đầu vào để tạo cơ sở thuận tiện cho công tác quản lý, chống gian lận.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị bỏ quy định này tại khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật. Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như quy định hiện hành vì cho rằng, quy định này đã phát huy tác dụng trong khắc phục tình trạng gian lận hoàn thuế giai đoạn vừa qua và hiện tại với hệ thống hóa đơn điện tử, cơ quan thuế vẫn khó có thể xác minh việc nộp thuế giá trị gia tăng qua các khâu thương mại.

Về ý kiến đề nghị không chuyển phân bón và các máy móc thiết bị nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang diện áp dụng thuế suất 5%, trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách có 2 luồng quan điểm: Quan điểm thứ nhất đề nghị giữ như quy định hiện hành vì thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, người chịu thuế giá trị gia tăng là người tiêu dùng cuối cùng.

Việc chuyển phân bón sang chịu thuế suất 5% thì người nông dân (ngư dân) sẽ chịu tác động lớn do giá phân bón sẽ tăng khi có thuế giá trị gia tăng, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm nông nghiệp, trái tinh thần khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.

Quan điểm thứ hai thống nhất với nội dung dự thảo Luật và Cơ quan soạn thảo, vì Luật số 71/2014/QH13 đưa phân bón đang từ diện chịu thuế 5% sang diện không chịu thuế giá trị gia tăng đã tạo ra sự bất cập lớn về chính sách, ảnh hưởng bất lợi cho ngành sản xuất phân bón trong nước trong suốt 10 năm qua; các doanh nghiệp đã không được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào (bao gồm cả chi phí đầu tư mua sắm tài sản), phải hạch toán vào chi phí, làm tăng chi phí và giá thành sản xuất, giá bán không thể cạnh tranh với phân bón nhập khẩu đang từ chịu thuế chuyển sang được miễn thuế. Sự bất cập về cơ chế cần được đưa trở lại đúng quỹ đạo của thuế giá trị gia tăng.

Việc quay lại áp dụng thuế suất 5% sẽ có các tác động nhất định đến giá bán phân bón trên thị trường, làm tăng giá thành phân bón nhập khẩu (hiện chỉ chiếm 26,7% thị phần); đồng thời, làm giảm giá thành phân bón sản xuất trong nước (hiện đang chiếm 73% thị phần); các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế do thuế đầu ra (5%) thấp hơn đầu vào (10%) và ngân sách nhà nước sẽ không tăng thu do phải bù trừ giữa tăng thu từ khâu nhập khẩu với việc hoàn thuế cho sản xuất trong nước.

Các doanh nghiệp trong nước có dư địa để giảm giá bán nếu giá phân bón và các nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế không thay đổi. Ngoài ra, phân bón hiện là sản phẩm bình ổn giá nên trong trường hợp cần thiết, khi có biến động lớn về giá trên thị trường thì các cơ quan quản lý nhà nước có thể thực hiện các biện pháp quản lý cần thiết để bình ổn ở mức hợp lý.

"Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách nghiêng về quan điểm thứ nhất. Cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo Luật đã trình tại Kỳ họp thứ 7. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách sẽ chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật" - ông Mạnh cho hay.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Góp ý về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, theo quy định Luật hiện hành thì phân bón không chịu thuế chứ không phải đánh mức thuế 0%. Do không chịu thuế nên không thể khấu trừ, hoàn thế đầu vào cho doanh nghiệp. Từ thực tế này, doanh nghiệp đề xuất áp thuế 5% để hoàn thuế doanh nghiệp. Và theo lập luận của ban soạn thảo, từ đó có thể giảm giá bán phân bón trên thị trường.

“Chúng tôi có xem lại toàn bộ báo cáo đánh giá tác động của ban soạn thảo. Nếu đánh thuế 5% với phân bón, mỗi 1 năm, Nhà nước thu khoảng 5.700 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp được hoàn thuế 1.500 tỷ đồng; ngân sách Nhà nước thu được 4.200 tỷ đồng. Thu của người nông dân 5.700 tỷ đồng mà bảo là giảm giá bán thì không thuyết phục” - ông Giang nói.

Ông Giang cũng đề nghị phải đánh giá sát hơn vì giá thành và giá bán là hai vấn đề khác nhau. Bởi giá bán còn thuộc cả vào thế giới. “Nếu áp thuế 0% với phân bón thì doanh nghiệp vẫn được hoàn thuế từ ngân sách Nhà nước. Như vậy, ngân sách Nhà nước mất 1.500 tỷ đồng/năm. Theo tốc độ tăng có thể lên tới 2.000 tỷ đồng/năm, nhưng giá bán của người nông dân ổn định, không tăng” - ông Giang đề xuất.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, ông đi tiếp xúc cử tri tại tỉnh Long An và nhận được điện từ nhiều tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, bà con nông dân cho rằng, việc đánh thuế phân bón là chưa ủng hộ người nông dân.

Bà con phản ánh, những nông dân nào có điều kiện sản xuất tập trung, chất lượng cao mới có lãi. Nhưng đa số người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long vẫn sản xuất theo hộ gia đình nên bình thường, việc sản xuất đã gặp khó khăn.

“Sản xuất nông nghiệp đã khó rồi, giờ lại đánh thuế vào người nông dân thì người ta sẽ bỏ ruộng hoặc có phản ứng ngược lại. Tình hình an ninh nông thôn sẽ phức tạp” - ông Tới nói và đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra ủng hộ ở góc độ bảo vệ sản xuất của người nông dân và an ninh nông thôn.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/2-luong-quan-diem-ve-viec-chuyen-phan-bon-sang-chiu-thue-suat-5-338941.html
Zalo