Cần khuyến khích đào tạo nhân lực chất lượng cao trong hoạt động điện lực

Sáng 14.8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 35 Ngô Quyền, Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Văn Hiển chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự kiến dự án Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tám.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại hội thảo

Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, TS. Nguyễn Văn Hiển phát biểu tại hội thảo

Cũng theo Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển, Luật Điện lực năm 2004 qua 4 lần sửa đổi, bổ sung một số điều đã xây dựng khung khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện. Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai thi hành Luật, đến giai đoạn hiện nay đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế; cùng với đó, vừa qua nhiều luật có liên quan đã được sửa đổi. Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực để kịp thời khắc phục vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Nhấn mạnh mục tiêu cung cấp thông tin khoa học phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong quá trình cho ý kiến cũng như trong quá trình thẩm tra dự án Luật, Viện trưởng Nguyễn Văn Hiển đề nghị, các đại biểu tập trung tham gia đóng góp ý kiến khách quan, toàn diện, súc tích vào các nội dung cụ thể của dự thảo Luật.

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất cho rằng, sửa đổi Luật Điện lực sẽ giúp giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc trong đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, thúc đẩy quá trình phát triển và hoàn thiện thị trường năng lượng cạnh tranh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần cải thiện các hạn chế, yếu kém của ngành năng lượng trong thời gian vừa qua.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Về yêu cầu của việc lập quy hoạch tại Điều 8 dự thảo Luật, các đại biểu đề xuất, nên sắp xếp các yêu cầu theo mức độ quan trọng, một số yêu cầu có thể lòng ghép vào nhau để tránh trùng lặp. Bên cạnh đó, bổ sung thêm các yêu cầu “đúng với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; cân bằng năng lượng vùng; bảo đảm khả năng dự phòng; mục tiêu phát thải ròng bằng 0”.

Điều 3 khoản 116 dự thảo Luật quy định “Chủ sở hữu, đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy điện có trách nhiệm lắp đặt, vận hành hệ thống camera giám sát phục vụ công tác vận hành, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ và cập nhật định kỳ thông tin, dữ liệu vận hành vào hệ thống thông tin, dữ liệu về vận hành công trình thủy điện”.

Các đại biểu dự hội thảo

Các đại biểu dự hội thảo

Có ý kiến cho rằng, chủ sở hữu, đơn vị quản lý vận hành công trình thủy điện cũng cần có quyền lợi được chia sẻ các thông tin dữ liệu vận hành của các nhà máy thủy điện trên cùng một hệ thống dòng chảy (nhiều nhà máy thủy điện thuộc sở hữu tư nhân khác nhau) để có thể vận hành an toàn và hiệu quả. Mặc dù trên thực tế đã có, nhưng cần phải luật hóa cụ thể.

Một số đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung các chính sách khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các hoạt động điện lực.

Tin và ảnh: Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/can-khuyen-khich-dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-trong-hoat-dong-dien-luc-i383866/
Zalo