Lối ra nào cho bài toán nhân lực chất lượng cao ở hợp tác xã?
Kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng. Tuy nhiên, việc hút nhân lực chất lượng cao cho HTX vẫn gặp khó khăn.

HTX nông nghiệp Mỹ Thạnh ở xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 1.500 tấn rau củ quả, doanh thu khoảng 14 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 40 lao động địa phương. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Điều này khiến hợp tác xã khó có thể cạnh tranh và mở rộng thị trường, thậm chí có nguy cơ bị tụt hậu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Nhận định từ các chuyên gia, bên cạnh những mô hình điển hình, phần lớn hợp tác xã vẫn gặp khó khăn về quy mô, vốn, thị trường và nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao yếu tố then chốt cho sự phát triển bền vững, đặc biệt trong giai đoạn cả nước đang thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính.
Thực tế cho thấy, trình độ của đội ngũ cán bộ ở một số hợp tác xã còn thấp, nhiều cán bộ quản lý hợp tác xã tuổi đã cao chưa qua đào tạo nghiệp vụ cơ bản; trong khi nguồn nhân lực trẻ chưa mặn mà với việc tham gia vào các hoạt động sản xuất của hợp tác xã và các tổ chức kinh tế tập thể. Do đó, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đối với nhiều hợp tác xã gặp khó khăn bởi quy mô nhỏ. Ngược lại, nguồn nhân lực lao động chất lượng cao lại cho rằng hợp tác xã không phải là nơi đến của họ khiến bài toán thu hút lực lượng này đầu quân cho hợp tác xã lại càng khó khăn hơn.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tân Hòa Đông (Tiền Giang) chia sẻ, việc tuyển dụng và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn đang là bài toán nan giải với nhiều hợp tác xã. Với 10 thành viên và lao động, bộ máy quản lý của Hợp tác xã Tân Hòa Đông gồm 2 người có trình độ đại học và 1 người là nông dân. Mức lương chi trả cho cán bộ có trình độ đại học là 6 triệu đồng/người/tháng, trong khi người lao động là nông dân nhận 5 triệu đồng/người/tháng.
Mặc dù đang ấp ủ kế hoạch mở rộng sản xuất và rất cần nguồn nhân lực có chuyên môn cao nhưng với mức đãi ngộ hiện tại, Hợp tác xã Tân Hòa Đông nhận thức rõ sự khó khăn trong việc thu hút và giữ chân những người có năng lực.
"Với mức lương 6 triệu đồng/tháng, rất khó để đảm bảo cuộc sống và kỳ vọng những người có trình độ gắn bó lâu dài. Hiện tại, các thành viên và lãnh đạo hợp tác xã làm việc chủ yếu dựa vào tâm huyết”, ông Nguyễn Ngọc Thành bày tỏ.
Tương tự, ông Trần Đoan, Giám đốc Hợp tác xã Ô tô vận tải và Du lịch Đà Nẵng chỉ rõ, năng lực cán bộ hợp tác xã hạn chế và tầm nhận thức về quản lý điều hành không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và thị trường, hợp tác xã sẽ khó cạnh tranh với tổ chức kinh tế khác. Vì thế, nếu không có chính sách bồi dưỡng và thu hút nhân tài, hợp tác xã và tổ chức kinh tế tập thể sẽ không có khả năng theo kịp nền kinh tế thị trường cũng như tiếp cận xu hướng hội nhập và trình độ khoa học công nghệ mới.
Khảo sát thực tế cho thấy, ngay cả những hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực có tiềm năng phát triển, mức lương cao nhất cho cán bộ quản lý có trình độ đại học thường chỉ dao động từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng. Trong khi doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực sẵn sàng trả gấp đôi, thậm chí gấp ba cho vị trí tương đương.
Sự chênh lệch đáng kể này đã tạo ra lực hút để những người trẻ có năng lực tìm tới gia nhập và cống hiến. Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ trong cộng đồng, nhất là giới trẻ, vẫn tồn tại những định kiến về hợp tác xã như một mô hình kinh tế cũ kỹ, thiếu năng động và không có nhiều cơ hội phát triển.

Sản phẩm củ quả sấy khô của Công ty CP thực phẩm HG ở xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa đạt chất lượng sản phẩm OCOP 4 sao năm 2021. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Theo giới chuyên gia, việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang tạo ra những hệ lụy tiêu cực đối với sự phát triển bền vững của các hợp tác xã. Khả năng cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng suất và đổi mới sáng tạo bị hạn chế. Khó khăn trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao khả năng thích ứng với thị trường biến động cũng trở thành những thách thức lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và thương hiệu của hợp tác xã trên thị trường.
Trước thực trạng này, ông Đinh Hồng Thái- Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Đinh Hồng Thái cho rằng, trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc chỉ dựa vào tâm huyết đơn thuần sẽ là rào cản lớn khiến hợp tác xã khó có thể chiêu mộ được nhân tài. Bởi vậy, việc hợp tác xã chủ động rà soát và điều chỉnh mức lương, thưởng, phụ cấp và chế độ phúc lợi khác để đảm bảo tính cạnh tranh so với doanh nghiệp trong khu vực và ngành nghề là vô cùng cần thiết.
Theo ông Đinh Hồng Thái, qua nghiên cứu các mô hình, kinh nghiệm trong nước và quốc tế (Nhật Bản, Hà Lan) cho thấy những quốc gia này đã có hệ thống chính sách toàn diện, rõ ràng tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực trẻ tham gia và gắn bó lâu dài với hợp tác xã. Vì vậy, cần xây dựng định hướng, giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã thông qua việc nâng chất nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, hợp tác xã cần tạo điều kiện tốt nhất để các thành viên cống hiến và phát triển, xây dựng các chiến lược hoạt động liên kết đào tạo, lựa chọn và đãi ngộ nhân tài ngay từ khi họ còn chưa ra trường, sau đó là các chế độ hấp dẫn khác để giữ được thành viên đóng góp tài năng lâu dài với hợp tác xã. Đồng thời, nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ về vai trò và tiềm năng phát triển của hợp tác xã qua các chương trình gắn kết thành viên và phương tiện truyền thông. Qua đó, quảng bá hình ảnh hợp tác xã, nhấn mạnh những lợi ích như mức thu nhập cạnh tranh, môi trường làm việc ổn định, cơ hội đào tạo và phát triển nghề nghiệp…
“Đây cũng là nền tảng quan trọng để hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả và giúp các hợp tác xã thu hút nhân tài, góp phần ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, ông Đinh Hồng Thái khẳng định.
Từ kinh nghiệm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Lê Văn Việt- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Xuyên Việt (Hải Dương) cho biết, hợp tác xã phải có mô hình bài bản để nhân tài nhìn thấy sự chuyên nghiệp và khả năng phát triển, mang lại giá trị khi họ quyết định tham gia hợp tác xã.
Hiện nay, 80% nguồn nhân lực tại Hợp tác xã Xuyên Việt dưới 35 tuổi, trình độ từ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Ngoài ra, hợp tác xã cũng có những tiêu chí cụ thể như liên kết với trường để thu hút về thực tập. Do đó, khi có người trẻ trình độ năng lực tốt, hợp tác xã cam kết trả học phí sau đó nhận về làm, trả lương (trả trước và gắn bó sẽ trả tiếp). Có cam kết đó, thanh niên có tri thức rất phấn khởi làm việc, cống hiến và đầu quân cho hợp tác xã. Từ những chính sách đãi ngộ này mà hợp tác xã đã thu hút được rất nhiều nhân tài đang làm việc từ doanh nghiệp, tập đoàn lớn quay về làm việc. Tuy nhiên, để làm được điều này, hợp tác xã cần minh bạch về tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông Hoàng Văn Thám, Giám đốc Hợp tác xã Chúc Sơn (Hà Nội), tất cả các thành viên của Hợp tác xã Chúc Sơn đều được đóng bảo hiểm, riêng những thành viên có năng lực và trình độ cao sẽ được đóng bảo hiểm theo mức lương thực tế. Cùng đó, công đoàn hợp tác xã xây dựng thiết chế văn hóa với quy định rõ ràng về chế độ, tiêu chuẩn riêng cho thành viên khi sử dụng trang thiết bị, xe máy phục vụ công việc.
Để nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động tại hợp tác xã và các tổ chức kinh tế tập thể, ông Phạm Minh Sơn, Phó Trưởng Ban Kiểm tra (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) chỉ ra một điểm sáng trong chính sách hỗ trợ của Nhà nước đó là các địa phương đã có quy định hỗ trợ lương thưởng cho người có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại các hợp tác xã với mức tối thiểu gấp 1,5 lần so với quy định của Chính phủ. Đây là một nguồn lực quan trọng mà các hợp tác xã cần chủ động nắm bắt và tận dụng để thu hút nhân tài.
"Bởi khi các hợp tác xã có đủ năng lực tài chính, điều kiện thuận lợi để phát triển các dịch vụ phù hợp với nhu cầu thị trường và hoạt động hiệu quả sẽ có khả năng chi trả mức lương cạnh tranh và xây dựng môi trường làm việc hấp dẫn. Điều này góp phần giải quyết được bài toán nhân lực chất lượng cao, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững", ông Phạm Minh Sơn nhấn mạnh.