Lợi nhuận ngân hàng 6 tháng: Ai tiến, ai lùi?

Các ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất gồm LPBank, VPBank, Techcombank, HDBank... Ngược lại, một số ngân hàng có kết quả tăng trưởng âm như NVB, VIB, OCB, ABBank, PGBank, SaigonBank.

Chứng khoán Agriseco (Agriseco Research) vừa có báo cáo cập nhật triển vọng ngành Ngân hàng với chủ đề Áp lực trích lập dự phòng làm giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận.

Lợi nhuận 6 tháng đầu năm trái chiều nhau

Số liệu thống kê 27 ngân hàng thương mại niêm yết, tổng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 118 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 16% so cùng kỳ. Trong đó quý 2 lợi nhuận sau thuế tăng 22% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng quý 1 là 10%.

Nhóm ngân hàng tiếp tục đóng góp chính vào lợi nhuận toàn thị trường với tỷ trọng 45%.

Các ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất gồm: LPBank, VPBank, Techcombank, HDBank...

Kết quả này đến từ các yếu tố như (1) Tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh; (2) Tốc độ tăng trưởng chi phí thấp hơn tăng thu nhập lãi thuần và các ngân hàng bớt thận trọng trong việc trích lập dự phòng; (3) Các khoản thu nhập ngoài lãi cao đột biến.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng có kết quả tăng trưởng âm như NVB, VIB, OCB, ABBank, PGBank, SaigonBank chủ yếu do tín dụng tăng thấp và trích lập dự phòng cao.

Agriseco Research cho rằng, áp lực trích lập dự phòng dự kiến sẽ chưa tăng mạnh trong năm 2024 nhờ việc gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tái cơ cấu các khoản vay và nền kinh tế được dự báo khởi sắc hơn trong cuối năm nay.

Dù vậy, xét trên tổng thể, ngân hàng vẫn phải đối mặt với áp lực nợ xấu gia tăng trong năm 2024, tuy nhiên tốc độ tăng sẽ chậm lại so với năm 2023 trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong quý cuối năm với các yếu tố hỗ trợ sau: (1) Các chỉ số vĩ mô kỳ vọng có nhiều khởi sắc hơn vào các tháng cuối năm, (2) Chính sách hỗ trợ của ngân hàng thông qua chương trình lãi suất ưu đãi (3) Tháo gỡ những vấn đề pháp lý để các doanh nghiệp tiếp tục triển khai mở rộng hoạt động kinh doanh - sản xuất.

Agriseco Research kỳ vọng thu nhập lãi thuần của toàn hệ thống cả năm 2024 sẽ tăng trưởng tốt khi tín dụng được đẩy mạnh với dư địa tăng trưởng còn lại là khoảng gần 9% trong nửa cuối năm.

Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng tín dụng như: (1) Mặt bằng lãi suất thấp sẽ hỗ trợ tiến độ giải ngân cho vay các doanh nghiệp sản xuất; (2) Các chỉ số vĩ mô có dấu hiệu khởi sắc thể hiện qua số liệu PMI, kim ngạch xuất nhập khẩu, thị trường bất động sản ấm lên,... và (3) Các chính sách, biện pháp hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Biên lãi thuần có thể giảm nhưng sẽ phân hóa theo nhiều nhóm ngân hàng. Xét trong toàn ngành, mặc dù lãi suất huy động đang chịu nhiều áp lực tăng hơn so với mặt bằng lãi suất cho vay tạo áp lực lên biên lãi thuần NIM. Tuy nhiên các ngân hàng có tỷ lệ CASA tốt có thể tiếp tục duy trì mặt bằng NIM ở mức cao. Ngoài ra, các chỉ báo kinh tế vĩ mô tín dụng có thể phục hồi trở lại ở phân khúc bán lẻ và duy trì tăng trưởng cao cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản; đây là các phân khúc/lĩnh vực có NIM cao hơn mặt bằng chung.

Đối với thu nhập ngoài lãi, so với các năm trước, hiện nay mảng này của các ngân hàng không thuận lợi bằng do mảng bancassurance, trái phiếu doanh nghiệp giảm mạnh và xu hướng miễn giảm phí để thu hút nguồn tiền gửi không kỳ hạn. Tuy nhiên Agriseco Research vẫn kỳ vọng vào con số tăng trưởng ổn định trong các quý cuối năm 2024 do mức nền thấp của cùng kỳ năm 2023 và sự khởi sắc của thị trường chứng khoán. Nhiều ngân hàng cũng có thể tiếp tục được ghi nhận các khoản phí trả trước phân bổ từ các thương vụ ký kết độc quyền với các công ty bảo hiểm (như VIB, LPBank, MSB, Techcombank, BIDV...).

Lợi thế dài hạn cho các ngân hàng có hệ sinh thái Ngân hàng – Chứng khoán và đầu tư mạnh vào công nghệ. Trong nhiều thập kỷ qua, dòng vốn đầu tư toàn cầu đang dịch chuyển từ kênh tiền gửi sang các các kênh đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu.

Agriseco Research nhận thấy các ngân hàng lớn tại Việt Nam đang đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái Ngân hàng – Chứng khoán để đón đầu dòng vốn dịch chuyển. Việc sở hữu hệ sinh thái giúp các ngân hàng tăng thu dịch vụ, tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn; đồng thời góp phần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường, tạo thuận lợi để giữ chân và thu hút thêm khách hàng.

Kỳ vọng nhiều ngân hàng sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm

Kế hoạch kinh doanh tăng trưởng bình quân trên 39% và không có ngân hàng nào đặt kế hoạch lợi nhuận giảm trong năm 2024. Trong đó mức tăng trưởng cao dẫn đầu thuộc về các ngân hàng BVB (+179%), VPB (+114%), EIB (+90%); chủ yếu đến từ mức nền thấp của năm 2023. Các ngân hàng Big 4 hiện chưa công bố kế hoạch kinh doanh và đang chờ phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với các ngân hàng đã công bố báo cáo bán niên, tổng lợi nhuận theo ghi nhận đạt 148 nghìn tỷ đồng, tương ứng mức hoàn thành 53% kế hoạch cả năm. Kết hợp với các mức tăng trưởng cao trong quý 1/2024 của nhiều Ngân hàng chưa công bố thông tin và triển vọng kinh doanh các quý tới, Agriseco Research cho rằng sẽ có phần lớn ngân hàng hoàn thành mục tiêu Đại hội cổ đông phê duyệt.

Agriseco Research đánh giá lợi nhuận ngành ngân hàng trong 2024 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tuy nhiên tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại so với giai đoạn 2020 – 2023 trước áp lực NIM thu hẹp và tăng trích lập dự phòng.

Bên cạnh một số Ngân hàng tăng trưởng mạnh từ nền thấp năm 2022, động lực tăng trưởng đến từ đẩy mạnh tín dụng nửa cuối năm trong khi thu nhập ngoài lãi duy trì ổn định.

Đồng thời một số yếu tố có thể hỗ trợ cho nhóm ngân hàng thời gian tới gồm: (1) NHNN có thể sẽ điều chuyển chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã phân bổ từ đầu năm từ NHTM không có khả năng tăng trưởng hết chỉ tiêu đã giao sang NHTM cần thiết tăng thêm, tạo điều kiện thuận lợi cho các NHTM tăng trưởng tín dụng tích cực; (2) Các kế hoạch tăng vốn dự kiến được đẩy mạnh triển khai thời gian tới; (3) Các khoản thu nhập từ thu hồi, xử lý nợ xấu giúp hoàn nhập dự phòng tại một số ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi rõ nét.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/tai-chinh-ngan-hang/loi-nhuan-ngan-hang-6-thang-ai-tien-ai-lui-219371.html
Zalo