Trung Quốc trở lại thị trường trái phiếu châu Âu khi ECB có thể hạ lãi suất
Theo một thông báo chính thức ngày 9/9, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố sẽ phát hành tới 2 tỷ euro (2,2 tỷ USD) trái phiếu tại Paris, Pháp trong tuần bắt đầu vào ngày 23/9.
Trung Quốc đang quay trở lại thị trường nợ quốc tế sau ba năm gián đoạn, với kế hoạch bán trái phiếu bằng đồng euro trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có khả năng cắt giảm lãi suất trong tuần này.
Theo một thông báo chính thức ngày 9/9, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố sẽ phát hành tới 2 tỷ euro (2,2 tỷ USD) trái phiếu tại Paris, Pháp trong tuần bắt đầu vào ngày 23/9.
Dữ liệu do hãng tin Bloomberg tổng hợp cho thấy lần gần nhất quốc gia châu Á này khai thác thị trường nợ ngoại tệ là vào tháng 11/2021.
Bộ Tài chính Trung Quốc cho biết sẽ công bố các thỏa thuận phát hành cụ thể trước khi chính thức phát hành trái phiếu.
Đợt chào bán trái phiếu trên được kỳ vọng sẽ hỗ trợ đường cong lợi suất của Trung Quốc, giúp các nhà đầu tư toàn cầu dễ dàng tiếp cận hơn với trái phiếu chính phủ của quốc gia này và có thể thúc đẩy các công ty đưa ra những động thái tương tự.
Doanh số bán trái phiếu chính phủ của các nước Liên minh châu Âu (EU) đã tăng khoảng 8% tính từ đầu năm tới ngày 5/9, trong bối cảnh có nhiều đồn đoán rằng ECB sẽ hạ lãi suất tại cuộc họp vào thứ Năm tuần này (12/9 theo giờ địa phương).
Ông Stephen Chiu, chiến lược gia trưởng về tỷ giá và ngoại hối tại bộ phận nghiên cứu thị trường Bloomberg Intelligence, cho biết, Chính phủ Trung Quốc có thể đang cố gắng đa dạng hóa nhà đầu tư trái phiếu chính phủ, đồng thời bình thường hóa việc huy động vốn quốc tế khi châu Âu bắt đầu cắt giảm lãi suất.
Vị chuyên gia nói thêm rằng số tiền huy động được có thể sẽ được sử dụng cho các dự án ở nước ngoài hoặc hồi hương trở lại dưới dạng dòng vốn chảy vào.
Lượng đặt mua lớn sẽ phản ánh nhu cầu mạnh mẽ đối với nợ phát hành tại nước ngoài của Trung Quốc. Năm 2021, Trung Quốc đã nhận được số lệnh đặt mua lượng trái phiếu gấp bốn lần tổng giá trị mà nước này chào bán (4 tỷ euro - khoảng 4,4 tỷ USD) trước khi các ngân hàng trung ương lớn liên tiếp tăng lãi suất khiến chi phí đi vay tăng cao và “làm nguội” thị trường trái phiếu toàn cầu./.