Lời nhắn từ quá khứ & trách nhiệm hôm nay

Trân trọng những tháng ngày bình yên của hiện tại, để sống có ý nghĩa, có trách nhiệm hơn với đất nước và với tương lai.

Thời lửa đạn

"Tôi bắt đầu làm công việc chuyển giao tin tức cho Cách mạng từ năm 1954. Lúc đó, tôi buôn bán cá ngoài chợ. Để việc truyền tin được đảm bảo bí mật, các tư liệu đều được bỏ vào bên trong bụng cá. Có một lần, người đưa tin vừa chuyển tài liệu tới nhà, tôi mới dắt vào tai, thì thấy xe cảnh sát ập vào nhà. Khi ấy, tài liệu vẫn đang dắt trên tai, không thể vứt bỏ đâu kịp được, tôi vô phòng má chồng xin miếng trầu mà bà vừa têm xong, cho cả trầu và tài liệu vào miệng nhai luôn. Má chồng nhìn thấy vậy, biết vậy, nhưng bà im lặng không nói gì cả. Bữa đó, cảnh sát vô để bắt chồng của tôi. Người ta dẫn ổng ra xe, tôi đứng bên trong nhìn ra, thương ổng quá mà không biết phải làm sao. Ổng còn bị bắt sau đó nhiều lần nữa.

Chiến tranh diễn ra ngày càng khốc liệt. Năm 1970, tôi đang ở ngoài chợ bán cá thì có người tới báo thằng Xuân (anh Trần Tồng Xuân, người con trai thứ ba của mẹ Đặng - PV) đã hy sinh. Nghe người ta nói, xác của con không toàn thây, thương lắm. Tôi chạy vội về nhà báo tin cho chồng và làm bát nhang để thờ con. Bát nhang này phải đặt dưới bếp, giả như là cúng ông Táo để tránh sự dòm ngó của cảnh sát.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Trương Thị Đặng

Mẹ Việt Nam Anh hùng Trương Thị Đặng

Lúc nhận được tin anh Ba hy sinh, thằng Tý (anh Trần Mậu Tý, người con thứ năm của mẹ Đặng - PV) biên thư về, nói rằng "ba má yên lòng, con sẽ chiến đấu trả thù cho anh Ba". Nhưng chẳng ngờ đâu, chỉ hơn hai tháng sau, thằng Năm cũng hy sinh…

Vào ngày 30/4/1975, khi tôi đang ở ngoài chợ thì được mọi người thông báo: Sài Gòn đã giải phóng rồi! Tôi hay tin trong một tâm trạng thật khó quên. Mừng chứ, ai mà không mừng. Lo chứ, tôi lo vì rồi không biết lần này Cách mạng có thành công không. Thời khắc ấy, cảm xúc đan xen. Cả nhà tụ họp lại, mường tượng ra cuộc sống của ngày mai...

Những thời khắc hiện tại, tôi cố lưu giữ. Vì những tháng ngày khổ quá trời khổ của thời chiến đã cho tôi những cảm xúc khác với những tháng ngày thời bình. Nỗi đau thắt ngực khi nhận được tin các con hy sinh, khi biết con bị giam từ Côn Đảo đưa về đất liền, khi nhìn thấy chồng bị bắt đi… Nên hòa bình đến với tôi, với gia đình là sự khác biệt lớn lắm.

Tôi mong thế hệ trẻ gầy dựng và chung tay phát triển đất nước mình. Để trẻ ở miền Tây được tới trường trên những cây cầu xây dựng chắc chắn. Để cuộc sống người dân tốt đẹp hơn".

Mẹ Việt Nam Anh hùng Trương Thị Đặng, 98 tuổi, mẹ của 2 liệt sĩ Trần Tồng Xuân và Trần Mậu Tý

"Năm 1974, ở tuổi 17, tôi đã không chút ngần ngại xung phong đi bộ đội. Tuổi thanh niên mà, chúng tôi sống sôi nổi, đầy nhiệt huyết, muốn đóng góp sức trẻ, tham gia vào cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Tôi tham gia việc trực tổng đài trong đường dây 559, đi vào rừng Trường Sơn. Thời ấy, việc truyền tin phải theo từng trạm, nhiều khó khăn, vất vả, hy sinh. Nhưng mọi người đều dốc sức để hoàn thành nhiệm vụ.

Cựu chiến binh Đinh Thị Thân

Cựu chiến binh Đinh Thị Thân

Năm 1975, giải phóng Sài Gòn, tôi đã vào thành phố, tiếp quản đài Ra-đa Phú Lâm, Quận 6. Và cũng tại đây, tôi đã gặp được tình yêu của đời mình, đã thêm sự gắn bó nghĩa tình với mảnh đất miền Nam tràn ngập nắng gió.

Tôi có niềm tin vào lớp trẻ thời nay. Tụi nhỏ được giáo dục bài bản nên là thế hệ có ý thức trách nhiệm cao, ý thức xây dựng cộng đồng tích cực. Tôi ra ngoài đường thấy người trẻ sống rất văn minh, có ý thức tốt, trên xe buýt thì biết nhường ghế cho người lớn tuổi. Thế hệ trẻ hiện nay rất năng động, tích cực hưởng ứng các hoạt động vì cộng đồng, biết tận dụng công nghệ để lan tỏa các thông tin này trên mạng xã hội một cách nhanh chóng, hiệu quả. Tôi mong rằng các bạn trẻ sẽ tiếp tục góp sức xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn".

Cựu chiến binh Đinh Thị Thân

Hòa bình và trách nhiệm hôm nay

Sinh viên Cao Thị Như Quỳnh

Sinh viên Cao Thị Như Quỳnh

"Hòa bình là khát vọng của con người. Thế hệ đi trước đã phải đánh đổi rất nhiều để thế hệ trẻ hôm nay được bình an cắp sách tới trường mỗi ngày, được tự do thỏa sức sáng tạo và phát triển. Khi thế hệ trẻ tìm hiểu về lịch sử thì mới thấy, đất nước đã đi qua thời chiến khắc nghiệt như thế nào, từ đó càng thêm trân trọng những gì mình đang có. Thế hệ trẻ hôm nay vô cùng may mắn khi được sinh ra trong thời bình nhưng không vì thế mà chủ quan, mất cảnh giác, cần phải luôn giữ gìn và phát huy những giá trị tinh hoa của đất nước, như câu nói của Trung úy Quách Minh Sơn, nguyên trinh sát Sư đoàn 320: Tự do, Hòa bình không phải dễ. Có được bây giờ, cố mà giữ".

Cao Thị Như Quỳnh, sinh viên năm Nhất, trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II, TPHCM

"Mỗi lần coi tin tức, em lại nhận ra không chỉ em mà các bạn trẻ ngày nay sẽ bảo vệ những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, lan tỏa tinh thần ấy đến nhiều người. Ở trường của em, mỗi khi tổ chức các cuộc thi văn nghệ, các bạn sẽ chọn diễn về các tấm gương anh hùng. Em thấy đó là tinh thần của người trẻ, điều mà người trẻ đang làm và sẽ tiếp tục làm.

Sinh viên Hoàng Ngọc Thanh Hương

Sinh viên Hoàng Ngọc Thanh Hương

Trước đây, em thấy hoạt động thiện nguyện thường do các nghệ sĩ, các nhà hảo tâm có đời sống dư dả thực hiện. Còn hiện tại, em thấy các bạn trẻ cũng tham gia và hưởng ứng rất nhiều. Ở các trường trung học hay đại học đều có câu lạc bộ tình nguyện. Thông qua đó, chúng em được đến với các hoàn cảnh khó khăn như trẻ em vùng cao hay các cụ già, người khuyết tật. Hiện tại, em đang theo học ngôn ngữ ký hiệu với mong muốn kết nối, hỗ trợ người khiếm thính có thể hòa nhập tốt với cộng đồng, để không còn rào cản về ngôn ngữ đối với họ. Em nghĩ rằng, cộng đồng, xã hội sẽ tốt hơn nếu như mỗi người chúng ta đều sống tử tế mỗi ngày. Vì vậy, những người trẻ như em vẫn đang cố gắng sống xanh, sống đẹp như cây sen đá".

Hoàng Ngọc Thanh Hương, sinh viên trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình II, TPHCM

Đinh Thu Hiền (ghi)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/loi-nhan-tu-qua-khu-trach-nhiem-hom-nay-20250428141707236.htm
Zalo