Lợi ích sức khỏe của rau muống xào tỏi

Rau muống và tỏi đều là vị thuốc trong đông y, khi được kết hợp thành món ăn không chỉ ngon miệng mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

1. Tác dụng của rau muống và tỏi

- Rau muống:

Theo đông y, rau muống vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, thông tiểu tiện, chữa táo bón, đái dắt. Trong rau muống có nhiều chất dinh dưỡng như protein, lipid, calci, phốt pho, sắt, vitamin B1, B2, C, PP…

Các bài thuốc sử dụng rau muống:

Điều trị lở ngứa, loét ngoài da: Ngọn rau muống, lá cáy vòi voi rửa sạch, giã nhuyễn với ít muối đắp lên vùng tổn thương.

Chữa viêm lưỡi, viêm viền môi, thiếu vitamin B12: Dùng 100g rau muống nấu canh, ăn hàng ngày.

Chữa mụn nhọt: Rau muống tươi giã nát với mật ong vừa đủ, đánh nhuyễn, đắp vào chỗ đau.

Trị rôm sảy, mẩn ngứa do nóng: Rau muống rửa sạch nấu nước tắm hàng ngày rất hiệu nghiệm.

Ngoài ra, rau muống còn có thể kết hợp với các vị thuốc khác như rễ tranh, râu ngô, trần bì, cỏ mực... để trị bí tiểu phù thũng do bệnh thận, bí tiểu do nhiệt, chữa viêm loét dạ dày, ợ chua...

Rau muống vừa là vị thuốc vừa là loại rau được sử dụng phổ biến.

Rau muống vừa là vị thuốc vừa là loại rau được sử dụng phổ biến.

- Củ tỏi

Tỏi có tên khoa học là Allium sativum L.; thuộc họ Hành Alliaceae. Trong đông y, tỏi vị cay, tính ôn, hơi có độc, vào hai kinh can và vị... có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng, chữa băng đới (các bệnh liên quan đến phụ khoa), trùng tích (trị giun sán, tiêu tích trệ do ký sinh trùng gây ra ở đường tiêu hóa), tiêu nhọt, hạch ở phổi, tiêu đờm, đầy chướng, đại tiểu tiện khó khăn, tả lỵ…

Thành phần chủ yếu của tỏi là allicin, một hợp chất sunfua có tác dụng diệt vi khuẩn rất mạnh đối với vi trùng Staphyllococcus, thương hàn, phó thương hàn, lỵ, vi trùng tả, trực khuẩn sinh bệnh bạch hầu...

Tỏi được dùng đơn độc hoặc kết hợp với các vị thuốc khác trị bệnh viêm ruột, kiết lỵ, chữa bong gân, cảm cúm, đau đầu, chữa đau nhức răng, ho lâu ngày, khó thở...

2. Lợi ích sức khỏe của món rau muống xào tỏi

Rau muống xào tỏi là một món ăn quen thuộc trong bữa cơm của người Việt. Sự kết hợp này tạo nên hương vị thơm ngon, hấp dẫn, mang lại nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe.

- Tăng cường hệ miễn dịch: Rau muống chứa nhiều vitamin C, một chất chống oxy hóa mạnh giúp tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng. Bên cạnh đó, tỏi chứa allicin, một hợp chất có khả năng kháng khuẩn, kháng virus và kháng nấm, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

- Tốt cho tim mạch: Rau muống giàu chất xơ, giúp giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL), từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Trong khi đó, tỏi có khả năng làm giảm huyết áp và cải thiện lưu thông máu, giúp bảo vệ tim mạch.

- Hỗ trợ tiêu hóa: Rau muống chứa nhiều chất xơ, giúp nhuận tràng, ngăn ngừa táo bón và cải thiện chức năng hệ tiêu hóa; tỏi có tính kháng khuẩn, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Khi được kết hợp trong món ăn sẽ giúp hỗ trợ tiêu hóa.

Rau muống xào tỏi mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

Rau muống xào tỏi mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

- Bổ sung sắt, tốt cho người thiếu máu: Rau muống là nguồn cung cấp sắt dồi dào, giúp tăng cường sản xuất hồng cầu và cải thiện tình trạng thiếu máu. Vitamin C trong rau muống cũng giúp cơ thể hấp thụ sắt hiệu quả hơn.

- Tốt cho mắt: Rau muống chứa carotenoid, lutein, giúp bảo vệ mắt khỏi các bệnh về mắt như thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể. Tỏi có chứa các hợp chất giúp cải thiện lưu thông máu, bao gồm cả lưu thông máu đến mắt. Điều này giúp cung cấp đầy đủ oxy và dưỡng chất cho mắt, hỗ trợ chức năng thị giác.

- Chống viêm: Cả rau muống và tỏi đều có tính kháng viêm, giúp giảm đau và sưng tấy các khớp xương.

3. Lưu ý khi sử dụng rau muống và tỏi

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng rau muống có thể chứa nhiều ký sinh trùng và vi khuẩn nếu không được rửa sạch và nấu chín kỹ. Do đó, cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến rau muống.

Bên cạnh đó, tỏi cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như hôi miệng, ợ nóng và khó chịu dạ dày. Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý những người đang dùng thuốc chống đông nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn tỏi.

Mời bạn xem tiếp video:

Sai lầm tai hại khi ăn rau muống nhiều người mắc phải |SKĐS

BS. Vũ Duy Thành

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/loi-ich-suc-khoe-cua-rau-muong-xao-toi-169250403152120918.htm
Zalo