Lợi ích kép từ mô hình trồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải
Nông dân tỉnh Trà Vinh đang vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân 2024 – 2025, trong đó các diện tích sản xuất theo Đề án 'Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030' tiếp tục cho thấy hiệu quả vượt trội so với phương thức canh tác truyền thống.

Nông dân xã Thanh Mỹ (Châu Thành, Trà Vinh) thu hoạch lúa Đông Xuân 2023 - 2024 (ảnh tư liệu).
Không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, mô hình này còn góp phần quan trọng vào việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Giảm chi phí, tăng lợi nhuận
Tại huyện Châu Thành, gia đình ông Nghị Mân, thành viên Hợp tác xã Phát Tài vừa thu hoạch 4 ha lúa giống OM 5451; trong đó, 2 ha được canh tác theo mô hình của đề án. Kết quả, năng suất lúa trong mô hình đạt 8 tấn/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình trên 1 tấn/ha. Với giá bán 6.200 đồng/kg, gia đình ông đạt lợi nhuận gần 40 triệu/ha, cao hơn khoảng 10 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.
Theo ông Mân, đây là vụ thứ 3 liên tiếp gia đình ông áp dụng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải và đều đạt hiệu quả vượt trội. Vụ Hè Thu tới, ông dự kiến mở rộng thêm diện tích canh tác theo mô hình này.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Phúc, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo đang thu hoạch 3 ha lúa giống ST24 theo mô hình của đề án, với năng suất đạt 8 tấn/ha, cao hơn 1,5 tấn/ha so với vụ trước. Ông Phúc chia sẻ, khi tham gia đề án, ông được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và ngành nông nghiệp địa phương hướng dẫn toàn bộ quy trình sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải, biện pháp xử lý rơm rạ sau thu hoạch, phương pháp sạ cụm để giảm lượng giống gieo sạ, cách phòng trừ sâu bệnh…
“Lúa trong mô hình phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao; chi phí giảm khoảng 30% nhờ giảm lượng giống gieo sạ, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, hợp tác xã còn thu mua với giá cao hơn từ 15 - 20% so với thị trường, nên vụ Đông Xuân này gia đình tôi lãi 49 triệu đồng/ha, cao hơn 7 triệu đồng so với cách làm cũ,” ông Phúc cho biết.
Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo và Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh là 2 trong 7 hợp tác xã ở 5 tỉnh, thành gồm Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Trà Vinh được Trung ương chọn triển khai thí điểm mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải từ vụ Hè Thu 2024 để nhân rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Phùng Duy Truyền, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hảo, vụ Đông Xuân năm nay là vụ thứ 3 liên tiếp hợp tác xã sản xuất thí điểm thành công, mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế lẫn môi trường. Nhờ áp dụng kỹ thuật đồng bộ, năng suất lúa trong mô hình đạt khoảng 7,5 tấn/ha, cao hơn từ 5 - 10% so với ngoài mô hình. Sau khi trừ toàn bộ chi phí, lợi nhuận bình quân các thành viên tham gia đề án đạt 48,5 triệu đồng/ha, tăng từ 15 - 25% so với cách làm truyền thống.
“Chúng tôi chỉ sử dụng từ 60 - 70 kg giống/ha, giảm được 90 - 100 kg/ha so với tập quán canh tác trước đây. Đồng thời, lượng phân bón hóa học và số lần phun thuốc bảo vệ thực vật cũng được cắt giảm đáng kể, giúp hạ thấp chi phí sản xuất”, ông Truyền cho biết.
Lợi ích kép
Vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025, tỉnh Trà Vinh có 16 mô hình trồng lúa theo Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", trên tổng hơn 883 ha; trong đó, 2 mô hình điểm 98,4 ha tại 2 hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài và Phước Hảo; còn lại là huyện Càng Long gần 70 ha, huyện Cầu Kè trên 105 ha, huyện Tiểu Cần 210 ha, huyện Châu Thành 215 ha, huyện Cầu Ngang 70 ha và huyện Trà Cú 115 ha.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, vụ Đông Xuân 2024 - 2025 là vụ sản xuất thứ 3 liên tiếp tỉnh Trà Vinh tham gia đề án và cả 3 vụ đều mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Đây là mô hình canh tác mới, không chỉ góp phần cải thiện thu nhập cho người dân mà còn thúc đẩy mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhờ giảm lượng giống sử dụng khoảng 60% (giảm 90 - 100 kg/ha so tập quán canh tác trước đây), giảm phân bón hóa học 20 - 30% và giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật 2 lần/vụ nên chi phí sản xuất trong mô hình giảm từ 3 - 4 triệu đồng/ha. Năng suất lúa trong mô hình đạt 6,7 - 7,5 tấn/ha, tăng khoảng 5 - 7% so với ngoài mô hình. Vì vậy, nông dân tham gia mô hình đạt lợi nhuận tăng thêm từ 20 - 30% (tương đương tăng 6,5 - 7,8 triệu đồng/ha). Đặc biệt, mô hình giảm lượng khí phát thải đến 40 - 50% so với tập quán canh tác cũ, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Điều quan trọng hơn là đến nay người dân địa phương đã dần thay đổi tư duy, nhận thức về việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, mạnh dạn áp dụng phương thức canh tác mới, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị. Theo kế hoạch, năm 2025, tỉnh Trà Vinh nhân rộng mô hình lên 10.550 ha áp dụng quy trình canh tác của đề án, đến cuối năm 2030 đạt 30.736 ha.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp địa phương luôn đồng hành cùng nông dân trong quá trình triển khai đề án. Ngay từ khi đề án được phê duyệt, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai các kế hoạch theo từng giai đoạn và từng năm. Qua đó, các địa phương có cơ sở để tổ chức thực hiện một cách chủ động, quyết liệt, đảm bảo bám sát mục tiêu và tiến độ đề ra.
Từ 2 mô hình điểm của Trung ương, ngành đã phối hợp triển khai thêm nhiều mô hình điểm trên địa bàn để nhân rộng; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật theo Đề án để nâng cao nhận thức và kỹ năng cho nông dân.
Bên cạnh đó, ngành cũng tranh thủ các nguồn lực tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông nội đồng và thủy lợi nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dù đạt được những kết quả bước đầu tích cực, nhưng theo ông Lê Văn Đông, việc triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tại Trà Vinh, quy mô sản xuất lúa vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán. Các vùng chuyên canh quy mô lớn còn hạn chế, thiếu sự liên kết hiệu quả giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Dù toàn tỉnh hiện có khoảng 20% diện tích sản xuất lúa tham gia vào các loại hình kinh tế hợp tác, tuy nhiên phần lớn hoạt động còn “lỏng lẻo”, hiệu quả thấp.
Việc thiếu vắng các doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu trong đầu tư và bao tiêu sản phẩm khiến chuỗi giá trị sản xuất lúa theo Đề án chưa khẳng định đúng giá trị thực của sản phẩm. Thêm một rào cản lớn là hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ. Nhiều khu vực chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật để áp dụng quy trình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả canh tác và khả năng nhân rộng mô hình.
Bên cạnh đó, do thiếu vốn sản xuất nên các hợp tác xã còn hạn chế trong đầu tư máy móc hiện đại, nhất là thiết bị để gieo sạ, hệ thống kho chứa quy mô lớn phục vụ bảo quản, chế biến lúa gạo…
Để phát triển và mở rộng diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao theo hướng giảm phát thải, ông Lê Văn Đông cho rằng địa phương cần tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với xây dựng mã số vùng trồng tại các khu vực tham gia đề án.
Tỉnh cần ưu tiên đầu tư, nâng cấp đồng bộ hạ tầng vùng sản xuất, đặc biệt là hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, hạ tầng giao thông phục vụ vận chuyển hàng hóa và cơ giới hóa đồng bộ để thuận lợi trong áp dụng quy trình kỹ thuật trong quá trình sản xuất.
Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương tập trung củng cố, nâng chất, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp đủ năng lực tham gia Đề án. Bởi đây là lực lượng nòng cốt để tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, đồng bộ và dễ dàng áp dụng tiến bộ kỹ thuật cũng như thực hiện liên kết chuỗi. Ngành cũng tích cực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm; khuyến khích các hợp tác xã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, kho chứa, nhà sấy, nhà máy chế biến… nhằm nâng cao năng lực sản xuất, bảo quản và chế biến lúa gạo.
Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, ngành chức năng đang triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương về đầu tư cho sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Đồng thời, Trà Vinh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu lúa gạo carbon thấp, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư, bao tiêu sản phẩm và cấp mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ, xuất khẩu...