Lợi ích của chuyển đổi số

Công cuộc chuyển đổi số quốc gia đang được đẩy mạnh trên hầu hết lĩnh vực. Tại An Giang, việc thực hiện lĩnh vực này đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, chuyển đổi số là một trong 6 chương trình trọng điểm, với 15 chỉ tiêu thực hiện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tập trung 3 trụ cột chính về: Phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, chính quyền số giúp nền hành chính tỉnh hoạt động hiệu quả, hiệu lực, minh bạch hơn. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, tạo ra hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển; giúp các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa, hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân.

Tại hội thảo Chuyển đổi số diễn ra trong tháng 10/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, việc chuyển đổi giúp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công khai và minh bạch; chất lượng dịch vụ công được nâng lên. Người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin thông qua Internet, như: Học trực tuyến, theo dõi tin tức, chia sẻ kiến thức... một cách nhanh chóng, tiện lợi. Đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện cung cấp toàn trình đạt 100%; Internet cáp quang tốc độ cao phủ đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn toàn tỉnh; Internet di động băng rộng phủ sóng 100% khóm, ấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân. Nhiều địa phương, bệnh viện, trường học áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tổ công nghệ số cộng đồng ở địa phương tích cực hướng dẫn người dân kỹ năng số cơ bản…

Chuyển đổi số góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

Chuyển đổi số góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

Đề án 06/CP (phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) là một trong những “điểm sáng” của chuyển đổi số, góp phần thay đổi phương thức quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý công dân. Với vai trò thường trực tổ công tác trong tham mưu triển khai Đề án 06/CP, lực lượng công an đã chủ động tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền rà soát, xác thực dữ liệu dân cư; thực hiện đồng bộ giải pháp duy trì và đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”.

Theo đó, nhiều mô hình điểm tại Đề án 06/CP được triển khai. Công an tỉnh thực hiện mô hình về thông báo lưu trú tại cơ sở khám, chữa bệnh, nhà nghỉ, nhà cho thuê, cơ sở kinh doanh lưu trú; mô hình về đảm bảo điều kiện công dân số, tiếp nhận tin báo tố giác về tội phạm qua ứng dụng VNeID. Sở Y tế thực hiện mô hình khám, chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân và VNeID. Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các mô hình: Lưu trữ, chứng thực giấy tờ, tài liệu điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp tham gia môi trường số; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; xây dựng dịch vụ công không sử dụng hồ sơ giấy.

UBND tỉnh ban hành Công văn 13/UBND-NC, ngày 3/1/2025, yêu cầu sở, ngành, địa phương phải xác định Đề án 06/CP là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, hàng đầu, góp phần thúc đẩy quản trị xã hội theo hướng hiện đại, văn minh; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân...

Theo đó, các sở, ngành nằm trong định hướng cơ cấu, sắp xếp, hợp nhất tổ chức bộ máy cần chủ động nghiên cứu phương án hợp nhất và nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của sở, ngành mình, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Phải bảo đảm kế thừa kết quả đã triển khai, không làm gián đoạn việc quản lý, theo dõi, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, khẩn trương rà soát, điều chỉnh quy trình nội bộ đáp ứng quy định của Luật Giao dịch điện tử; thực hiện biện pháp, giải pháp linh hoạt cho phép sử dụng giấy tờ điện tử tích hợp trên tài khoản định danh điện tử thay thế giấy tờ giấy khi thực hiện thủ tục hành chính; sớm có phương án cắt giảm thành phần hồ sơ khi dữ liệu đã được số hóa.

Song song đó, tiếp tục rà soát thủ tục hành chính, tái cấu trúc quy trình để cắt giảm và không yêu cầu người dân phải đính kèm giấy tờ khi dữ liệu đã được số hóa. Trước mắt, ưu tiên đối với dữ liệu đất đai đã được số hóa, nghiên cứu đưa vào tái sử dụng phục vụ cắt giảm thủ tục hành chính về cư trú. Lựa chọn những mô hình phù hợp đặc thù của địa phương để triển khai, nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, như: Hồ sơ sổ sức khỏe điện tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, thu thuế khoán hộ gia đình, đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để chống thất thu thuế.

Sở Y tế tổ chức tập huấn, triển khai hiệu quả việc tích hợp giấy chuyển tuyến, giấy hẹn khám, sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, bảo đảm người dân có thể sử dụng sổ này thay thế cho sổ khám, chữa bệnh bằng giấy; tập trung chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương triển khai liên tuyến dữ liệu, bệnh án điện tử, liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện.

UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án 06/CP tại cơ quan, đơn vị mình, tăng cường kiểm tra công vụ và việc thực hiện nhiệm vụ đối với lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, đánh giá trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện đề án. Qua đó, đề xuất cơ quan thẩm quyền biểu dương điển hình tiên tiến có thành tích trong hoạt động công vụ; phát hiện xử lý vi phạm hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm cá nhân thiếu trách nhiệm, gây cản trở, khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

MỸ LINH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/loi-ich-cua-chuyen-doi-so-a415186.html
Zalo