Lời giải nào cho bài toán phát triển dong riềng bền vững?
Cứ thắt chặt kiểm tra, xử lý thì vi phạm về môi trường trong hoạt động sản xuất dong riềng lại lắng xuống một thời gian. Song chỉ cần 'lỏng tay' là vấn đề ô nhiễm lại trở nên nhức nhối. Đây là thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm tại các xã được xem là 'vựa' dong riềng của TP. Điện Biên Phủ, mà đến nay vẫn chưa tìm được lời giải tối ưu.
“Nóng” cùng dong riềng
Tháng 10 bắt đầu vào mùa thu hoạch dong riềng. Đây cũng là thời điểm những xã trọng điểm trồng dong riềng của TP. Điện Biên Phủ lại “nóng” lên bởi tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất. Với phương châm “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, UBND thành phố đã thể hiện sự kiên quyết trong việc ngăn chặn các hoạt động sản xuất không đảm bảo điều kiện về môi trường.
Theo đó, từ tháng 9 đến nay, liên tiếp các cuộc họp, kiểm tra giữa các bên liên quan đã diễn ra nhằm nắm bắt tình hình, bàn giải pháp quản lý hoạt động chế biến tinh bột dong riềng trên địa bàn. Nội dung trọng tâm là tập trung thảo luận về các thủ tục, giấy tờ; bảo vệ môi trường; nguồn gốc đất sử dụng làm nhà xưởng; hệ thống thu gom, xử lý nước, bã thải của các cơ sở chế biến dong riềng; thực trạng hoạt động của các cơ sở.
Bên cạnh việc khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột dong riềng hoạt động, qua đó tạo việc làm cho người dân địa phương, UBND thành phố cũng thể hiện quan điểm quyết liệt trong ngăn chặn, xử lý những sơ sở không chấp hành công tác bảo vệ môi trường, cố tình vi phạm. Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu cơ sở hoạt động phải đảm bảo không để nước, bã thải chưa qua xử lý ra môi trường; trường hợp phát hiện vi phạm thì cương quyết dừng hoạt động.
Để thực hiện được phương án này, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quang Hưng đề nghị Điện lực thành phố phối hợp, ngừng cung cấp điện sản xuất kinh doanh cho hoạt động chế biến tinh bột dong riềng đối với các cơ sở chưa đủ điều kiện. Đồng thời giao UBND các xã phối hợp chặt chẽ với phòng, ban chuyên môn của thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; Phòng kinh tế hỗ trợ cơ sở sản xuất hoàn thiện thủ tục kinh doanh cũng như chuyển đổi mô hình sản xuất.
Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai tại cơ sở vẫn còn nhiều bất cập. Vẫn còn tình trạng cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột dong riềng xả nước thải trực tiếp ra môi trường, gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân trong khu vực.
Tại xã Nà Tấu hiện có khoảng 103ha dong riềng và 7 cơ sở sản xuất. Theo ông Lò Văn Toán, Chủ tịch UBND xã chia sẻ thì ngoài 2 cơ sở cơ bản đảm bảo các điều kiện theo quy định, hiện đang được hướng dẫn làm hồ sơ cấp phép thì số còn lại đều hoạt động trái phép. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
“Ngay từ đầu vụ, xã đã thành lập 1 tổ công tác gồm 9 thành viên; đợt cao điểm thành lập tới 3 tổ, chia ca trực 24/24 để kiểm tra, giám sát. Song thời điểm đến kiểm tra các cơ sở cơ bản đều không hợp tác, dập cầu giao điện, dừng hoạt động và bỏ đi. Chỉ có duy nhất 1 trường hợp lập được biên bản xử lý vi phạm hành chính thì hiện vẫn đang vướng mắc về giấy tờ, chưa thể xử phạt” - ông Toán cho biết.
Còn tại xã Pá Khoang, thời gian gần đây cũng liên tục ghi nhận tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại 2 khu vực suối Nậm Luông và Nặm Phung chảy qua địa bàn. Nước suối ở đây thường xuyên đen kịt, bốc mùi hôi thối. Theo lãnh đạo xã chia sẻ thì qua kiểm tra cho thấy, việc ô nhiềm bắt nguồn từ hoạt động sản xuất dong riềng ở các cơ sở trên địa bàn. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì các cơ sở đều ngừng hoạt động nên không có căn cứ để xử lý.
Tìm hướng đi bền vững
Theo số liệu tổng hợp, báo cáo cuối tháng 10 do UBND các xã thực hiện thì tổng diện tích dong riềng toàn thành phố hiện có là 262,29ha. Trong đó, riêng xã Nà Tấu 103,01ha; Nà Nhạn 65ha; Mường Phăng 47,6ha; Pá Khoang 40,18ha; Thanh Minh 6,5ha. Thành phố hiện cũng đang có 11 cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột dong riềng, tập trung tại 3 xã: Nà Tấu, Nà Nhạn và Mường Phăng.
Không thể phủ nhận, sản xuất, chế biến tinh bột dong riềng góp phần giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho lao động địa phương. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm cho thấy đây cũng là hoạt động gây tác động xấu đến môi trường nếu không được quan tâm đúng mức.
Làm thế nào để hài hòa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường đã và đang là bài toán khó đối với TP. Điện Biên Phủ. Nhiều giải pháp, phương án cũng được các ngành chức năng, chính quyền địa phương xây dựng, đưa vào thực tế. Tuy nhiên, vẫn chưa tìm ra được lời giải tối ưu nhất, đảm bảo hướng đi bền vững cho loài cây này.
Để giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản cho người dân, đồng thời giảm công suất đối với các cơ sở chế biến, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, thời gian qua Phòng Kinh tế đã kết nối, giới thiệu thương lái thu mua 100% sản lượng củ dong riềng trên địa bàn.
Trung tuần tháng 10 vừa qua, Phòng Kinh tế đã phối hợp tổ chức 2 hội nghị để giới thiệu, kết nối HTX Miến dong Lộc Biên tham gia tiêu thụ củ dong riềng trên địa bàn thành phố. Tại hội nghị, HTX cam kết tiêu thụ củ dong riềng với mức giá tối thiểu 2.500 đồng/kg. Các trưởng bản, hộ dân trồng dong riềng rất đồng thuận trong tổ chức kết nối tiêu thụ củ dong riềng của phòng Kinh tế và phấn khởi với các nội dung, cam kết thu mua của HTX Miến dong Lộc Biên.
Trước mắt, Phòng Kinh tế đang rà soát, tổng hợp và xây dựng kế hoạch để UBND thành phố tổ chức cuộc họp với UBND các xã, chủ cơ sở sản xuất, chế biến dong riềng, dự kiến diễn ra trong tuần tới. Từ đó thống nhất giải pháp tổ chức thực hiện, nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc, bất cập thời gian qua.
Về lâu dài, phương án của TP. Điện Biên Phủ là hướng dẫn người dân chuyển đổi diện tích trồng dong riềng sang các cây trồng có giá trị khác. Hiện Phòng Kinh tế đã giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp để thực hiện triển khai trồng các một số loại cây, như: Bí xanh, ngô ngọt, khoai tây, cải thảo, bí đỏ… theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên do không có hỗ trợ của Nhà nước nên các hộ dân chưa nhiệt tình tham gia.
Theo đại diện Phòng Kinh tế cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố việc kết nối doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo cơ hội để người dân tiếp cận cây trồng mới, thay thế cây dong riềng bằng cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, tham mưu cho thành phố hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để người dân lựa chọn, chủ động thực hiện chuyển đổi.