Lời cảnh báo không thể xem nhẹ
Áp lực về học hành, thi cử, bị bắt nạt… khiến trẻ bị sang chấn tâm lý với số ca khám bệnh gia tăng
Mới đây, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) tiếp nhận bé trai (8 tuổi) đến thăm khám trong sự bất lực của cha mẹ nói con không chịu nghe lời. Trước đó, tính cách bé bình thường, ngoan ngoãn. Tuy nhiên, vài tháng sau khi vào học lớp 3, cậu bé bất ngờ thay đổi hoàn toàn, cứ nhắc chuyện đến trường là la hét, ném đồ, khóc lóc…
Áp lực đè nặng
Theo mẹ bé, mỗi buổi sáng đến trường như trở thành một "cuộc chiến", gia đình hoang mang, không hiểu chuyện gì đang xảy ra với con. Ban đầu cứ nghĩ đến tuổi bướng bỉnh, nghịch ngợm nhưng càng ngày hành vi của con càng cực đoan, khiến cả nhà kiệt sức. Tại bệnh viện, bé được xác định rối loạn lo âu, nguyên nhân đến từ việc bị bắt nạt ở trường, áp lực học tập và nỗi sợ giáo viên quá nghiêm khắc. Những căng thẳng âm thầm tích tụ khiến bé không thể chịu đựng thêm.

Một bé gái đang được tư vấn tâm lý tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM)
ThS-BS Nguyễn Quốc Cường, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 100 lượt khám. Trong đó, trên 60% là trẻ ở độ tuổi học đường (từ 6 - 15 tuổi) có biểu hiện rối loạn hành vi, cảm xúc như tăng động, lo âu, trầm cảm. Có 2 nhóm chính thường gặp gồm: Trẻ từ 3 - 6 tuổi hay rối loạn phát triển (tự kỷ, chậm nói…) và trẻ từ 6 - 15 tuổi thường gặp vấn đề học tập, hành vi, stress, lo âu, bị bắt nạt, trầm cảm. Nhiều trẻ đến khám với biểu hiện đơn giản như không chịu đi học, không nghe lời, dễ cáu gắt, học hành sa sút… Ban đầu, nhiều cha mẹ nghĩ rằng do con bướng bỉnh nhưng chỉ khi đưa đi khám mới phát hiện bệnh. "Trẻ nhỏ thường không biết cách diễn đạt cảm xúc hay nỗi lo lắng của mình bằng lời. Thay vào đó, các em phản ứng bằng hành vi. Nếu cha mẹ không lắng nghe, không đồng hành, các vấn đề tâm lý sẽ dễ bị bỏ qua hoặc chẩn đoán sai" - BS Cường khuyến cáo.
ThS Mai Thị Nguyệt, chuyên viên tâm lý Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết thêm trong quá trình tư vấn, bà cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp trẻ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần do áp lực học hành, đặc biệt tăng cao trong các giai đoạn chuyển cấp. Các rối loạn tâm lý ở trẻ có thể xuất hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Một trong những nguyên nhân phổ biến là sự kỳ vọng quá mức và áp lực từ phía cha mẹ. Nhiều phụ huynh có xu hướng áp đặt, la mắng, thậm chí đánh đập hoặc dùng những lời lẽ nặng nề khi con đạt kết quả học tập không như mong đợi. Ngoài ra, việc so sánh con với anh chị em trong nhà cũng khiến trẻ cảm thấy bị tổn thương và chịu áp lực vô hình kéo dài. "Không ít trường hợp trẻ từng là học sinh giỏi nhưng khi vào môi trường học tập mới như trường chuyên, điểm số giảm sút đã khiến các em mất tự tin, chán nản, thu mình và không muốn kết nối với người xung quanh. Trẻ có thể xuất hiện các biểu hiện như nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, mất hứng thú với các hoạt động thường ngày, trở nên buồn bã, trầm tư, dễ cáu gắt… Nhiều em dần tránh xa gia đình vì sợ bị trách mắng" - ThS Nguyệt cảnh báo.
Theo các chuyên gia, hành vi bướng bỉnh ngắn hạn, rối loạn tâm lý ở trẻ nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảm xúc, hành vi và khả năng hòa nhập xã hội. Một số trẻ có biểu hiện rõ rệt như: Lo sợ bị bạn bè trêu chọc, cô lập; lo lắng bị ba mẹ hoặc thầy cô trách phạt; không ngủ ngon, biếng ăn, không muốn đi học; mất dần niềm vui, động lực, thu mình, dễ cáu gắt.
Dễ bỏ sót bệnh
Theo ThS-BS Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City, nhiều rối loạn tâm lý ở trẻ nhỏ rất dễ bị nhầm lẫn với các hành vi bình thường theo lứa tuổi. Trẻ thay đổi tâm lý liên tục qua từng giai đoạn phát triển khiến phụ huynh và giáo viên dễ bỏ qua các dấu hiệu bất thường. Nếu không được phát hiện và can thiệp sớm, các rối loạn tâm lý có thể để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến học tập, mối quan hệ và sự phát triển của trẻ sau này.
Nếu trẻ có những biểu hiện kéo dài từ 2 tuần trở lên như: buồn bã, chán nản, ít nói hoặc rút lui khỏi các mối quan hệ; thay đổi bất thường trong ăn uống, giấc ngủ; dễ cáu kỉnh, bốc đồng hoặc có hành vi tự làm đau bản thân; tăng động quá mức, khó kiểm soát cảm xúc; mất tập trung trong học tập, có xu hướng trốn học, sợ đến trường thì phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đi khám chuyên khoa tâm lý để được đánh giá và hỗ trợ kịp thời. "Đôi khi chỉ cần cha mẹ kiên nhẫn lắng nghe và đồng hành, trẻ đã có thể vượt qua được khủng hoảng tâm lý mà không cần đến điều trị chuyên sâu" - BS Nghĩa lưu ý.
Theo BS Cường, một số phụ huynh cho rằng con bước vào tuổi dậy thì nên khó bảo, nổi loạn là bình thường. Tuy nhiên, không phải mọi sự thay đổi đều là do sinh lý tuổi mới lớn. Nếu trẻ có biểu hiện kéo dài như mất ngủ, thay đổi tính khí, thu mình, học hành sa sút, thay đổi thói quen ăn uống, mất kết nối với bạn bè và gia đình thì cần nghĩ đến rối loạn tâm lý, không nên chủ quan. Trẻ nhỏ thường không biết cách diễn đạt khó khăn, vì vậy biểu hiện thường là chống đối, cáu gắt, từ chối hợp tác hoặc đơn giản là lười học, không nghe lời. "Phụ huynh nên chú ý quan sát, lắng nghe con mình. Việc trò chuyện thường xuyên, hiện diện tinh tế, chia sẻ thông qua hoạt động vui chơi, phim ảnh... là cách tốt nhất để hiểu và phát hiện sớm bất ổn tâm lý ở con" - BS Cường nhấn mạnh.
Điểm tựa tinh thần
Để bảo vệ sức khỏe tâm thần cho con, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ cần xây dựng một môi trường sống tích cực và gắn kết trong gia đình. Một số biện pháp cụ thể: Dành thời gian bên con mỗi ngày, đặc biệt trong các bữa cơm chung, nơi trẻ có thể chia sẻ chuyện học, chuyện bạn bè và những điều khiến con bận tâm. Nên lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của trẻ, giúp con cảm thấy được thấu hiểu và an toàn khi bộc lộ suy nghĩ thật. Đồng thời, thường xuyên tâm sự, trò chuyện cùng con để trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc, giúp trẻ không tích tụ uất ức hay lo âu. Đặc biệt, nên hướng dẫn con cách giải quyết vấn đề thay vì mắng mỏ hoặc áp đặt. Xây dựng đời sống tinh thần tích cực trong gia đình, hạn chế căng thẳng, mâu thuẫn giữa cha mẹ trước mặt con. Ngoài ra, khen ngợi khi trẻ làm điều đúng, nhẹ nhàng chỉ dẫn khi trẻ sai.