TPHCM: Dịch sốt xuất huyết đến sớm và gia tăng ca bệnh nặng
Số ca mắc sốt xuất huyết tại TPHCM tăng đột biến, đặc biệt là các trường hợp trẻ bị nguy kịch khi mắc sốt xuất huyết, đang dấy lên cảnh báo về một mùa dịch diễn biến phức tạp.

Phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết
Trẻ em mắc và diễn biến nặng gia tăng
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đang điều trị cho bé sơ sinh 4,5 tháng tuổi do bị sốc sốt xuất huyết. Bé T.N.T.K (Tây Ninh) được chuyển đến bệnh viện Nhi đồng Thành phố vào ngày thứ 5 của bệnh trong tình trạng da tím nổi bông, mạch yếu, huyết áp tụt, tiểu cầu giảm, dung tích hồng cầu tăng, nôn dịch màu nâu đen. Ở tuyến trước, bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng. Ngay lập tức, khi nhập viện, bé được truyền dịch chống sốc bằng dung dịch cao phân tử, truyền máu, truyền huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu đậm đặc, truyền albumin 10% hỗ trợ chống sốc, điều trị hỗ trợ gan, hỗ trợ hô hấp.
Tương tự, bé gái 4 tuổi (Bình Dương) được nhập viện trong tình trạng sốc sâu, suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan nặng, phải điều trị hồi sức tích cực, lọc máu liên tục. Sau 3 tuần nằm viện, bé mới qua được cơn nguy kịch.
Theo số liệu từ trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, tính đến giữa tháng 6/2025, toàn Thành phố đã ghi nhận khoảng 9.571 ca sốt xuất huyết, tăng 136% so với cùng kỳ năm 2024. Điều đáng lo ngại là số lượng ca bệnh nặng gia tăng nhanh, chủ yếu ở trẻ em. Các bệnh viện chuyên khoa nhi đang phải căng mình tiếp nhận và điều trị hàng trăm ca nội trú mỗi tuần, trong đó có nhiều trẻ rơi vào tình trạng sốc, xuất huyết nội tạng, tổn thương gan, suy hô hấp… thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã tiếp nhận tới 108 ca sốc nặng do sốt xuất huyết, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2024. Tại Khoa Sốt xuất huyết của bệnh viện mỗi ngày điều trị cho khoảng 50-60 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, chưa tính các trường hợp điều trị ngoại trú. Số trẻ nhập viện do sốt xuất huyết bắt đầu từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 và tăng cao từ đầu tháng 6. Đặc biệt, có hơn 100 trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết nặng, tăng gần gấp đôi so với năm trước.
Trong khi đó, bệnh viện Nhi đồng 2 cũng ghi nhận hơn 90 trẻ nhập viện trong tháng 6, với 19 ca trong tình trạng nặng, nhiều trường hợp được chuyển viện từ các tỉnh lân cận.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết trung bình mỗi ngày có 10-15 trẻ nhập viện, trong đó các ca biến chứng nặng dễ bị nhầm lẫn với bệnh thông thường, đặc biệt ở trẻ nhũ nhi vốn có hệ miễn dịch yếu và dễ diễn tiến nặng. Những ca sốc nặng diễn ra chỉ sau vài ngày sốt nhẹ, khiến nhiều phụ huynh bất ngờ vì không lường trước được mức độ nguy hiểm.

Bệnh nhi bị sốc sốt xuất huyết đang được điều trị tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố - Ảnh: BVCC
Cảnh báo một mùa dịch diễn biến phức tạp
Phân tích về nguyên nhân khiến sốt xuất huyết đến sớm và nhiều trẻ bị nguy kịch, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết, thời tiết mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn - vật trung gian truyền bệnh - sinh sôi mạnh mẽ. Những vũng nước nhỏ đọng lại sau cơn mưa là môi trường lý tưởng cho muỗi đẻ trứng, nhân đàn nhanh chóng trong cộng đồng dân cư đông đúc. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh vẫn chủ quan, khi thấy con sốt chỉ nghĩ đến cảm cúm hoặc viêm họng, dẫn đến điều trị sai cách. Đến khi trẻ có biểu hiện nôn ói, lừ đừ, xuất huyết thì đã vào giai đoạn nguy hiểm.
"Chỉ cần bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo như lừ đừ, đau bụng, nôn nhiều, chảy máu cam... là bệnh có thể chuyển sang giai đoạn sốc trong vài giờ. Việc chẩn đoán sai - hoặc trì hoãn - sẽ khiến bệnh nhân bỏ lỡ "thời điểm vàng" điều trị, dễ dẫn đến tình trạng sốc, suy gan, suy thận, xuất huyết nội, thậm chí tử vong. Đặc biệt, trẻ dưới 5 tuổi, người già, người có bệnh nền là nhóm nguy cơ cao cần được theo dõi chặt chẽ và nhập viện sớm nếu có dấu hiệu cảnh báo", bác sĩ Nguyễn Minh Tiến nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Tiến, giai đoạn từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh là thời điểm dễ xảy ra biến chứng nhất. Đây là khoảng thời gian virus tấn công mạnh vào thành mạch, gây thoát huyết tương, tụt huyết áp, xuất huyết ồ ạt. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, người bệnh có thể rơi vào sốc và tử vong.
Một nguyên nhân nữa khiến bệnh nhi bị nguy kịch là do bị tái nhiễm. "Người từng mắc một tuýp vẫn có thể mắc lại khi nhiễm tuýp khác. Không những thế, lần tái nhiễm thường dễ gây biến chứng nặng hơn, do phản ứng miễn dịch chéo giữa các tuýp virus có thể khiến mạch máu bị tổn thương mạnh hơn", bác sĩ Tiến phân tích.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, ngành y tế TPHCM đã nhanh chóng triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Sở Y tế TPHCM yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng thuốc đặc trị, dịch truyền cao phân tử, máy thở, máu và chế phẩm máu, đồng thời tổ chức tập huấn chuyên sâu về phác đồ điều trị sốt xuất huyết nặng cho bác sĩ bệnh viện khu vực và tỉnh lân cận. Ngoài ra, ngành y tế còn kích hoạt hệ thống báo động đỏ liên viện, nhằm kịp thời chuyển tuyến điều trị những trường hợp nặng cần hỗ trợ chuyên sâu.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia y tế, sự chủ động từ mỗi người dân trong những hành động nhỏ như lật úp vỏ chai, không để nước tù đọng, tiêm vaccine, đưa con đi khám sớm chính là "lá chắn" hiệu quả nhất để ngăn dịch bùng phát. Mỗi ca bệnh nặng là một hồi chuông cảnh báo rằng, sốt xuất huyết không đơn giản là một cơn sốt, mà là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể cướp đi sinh mạng chỉ trong vài ngày.