Vì sao người gầy, ăn uống lành mạnh vẫn rối loạn mỡ máu?

Nhiều người nghĩ rằng chỉ những ai thừa cân béo phì, ăn uống bừa bãi mới bị rối loạn mỡ máu hay gan nhiễm mỡ. Nhưng thực tế, không ít người gầy, thậm chí rất chăm vận động, vẫn gặp tình trạng này.

Nhận kết quả xét nghiệm máu, chị Hoàng Lan (45 tuổi, trú tại phường Hai Bà Trưng, Hà Nội) ngỡ ngàng vì các chỉ số đều trong ngưỡng chỉ riêng chỉ số Cholestorol tăng lên 8,9mmol/L (trong khi mức bình thường là 5,1). Chị Lan cho hay, nặng 48kg, ăn uống lành mạnh, hạn chế tối đa dầu mỡ trong hầu hết các bữa ăn, cộng với việc luyện tập thể thao đều đặn hằng ngày, chị Lan chưa từng nghĩ chỉ số mỡ máu lại tăng cao như vậy. Khá lo ngại chị tìm tới bệnh viện để khám chuyên sâu.

Cơ thể gầy cũng có thể rối loạn mỡ máu (ảnh minh họa).

Cơ thể gầy cũng có thể rối loạn mỡ máu (ảnh minh họa).

Không ít người như chị Lan, đều có suy nghĩ chỉ những ai thừa cân béo phì, ăn uống bừa bãi mới bị rối loạn mỡ máu hay gan nhiễm mỡ. Tuy nhiên, chia sẻ về vấn đề này, BS Đoàn Minh Thuấn, Khoa Nội tiết - đái tháo đường, BV Bạch Mai cho biết: Thực tế, không ít người gầy, thậm chí rất chăm vận động, vẫn gặp tình trạng này. Đó là một hiện tượng đã được y học ghi nhận và nghiên cứu rõ ràng. Có một khái niệm y học tên là MONW (Metabolically Obese, Normal Weight), nghĩa là "gầy nhưng chuyển hóa như người béo phì".

BS Tuấn lý giải thêm, dù bạn có chỉ số BMI trong giới hạn bình thường, cơ thể vẫn có thể gặp tình trạng mỡ máu cao (cholesterol hoặc triglyceride cao); gan nhiễm mỡ; đường huyết cao nhẹ; huyết áp hơi tăng và cả nguy cơ bệnh đái tháo đường, tim mạch.

Theo BS Tuấn, có nhiều nguyên nhân gây rối loạn mỡ máu ở người gầy. Nhiều người dù gầy nhưng lại tích mỡ nội tạng đặc biệt là quanh gan, ruột, tim. Đây là loại mỡ nguy hiểm hơn cả mỡ dưới da vì nó gây viêm âm ỉ và làm rối loạn chuyển hóa. Nhiều nghiên cứu cho thấy người châu Á (trong đó có Việt Nam) dễ tích mỡ nội tạng hơn dù không thừa cân rõ.

Hoặc do cơ thể đề kháng insulin một cách âm thầm, khi cơ thể không còn nhạy với insulin (hormone điều hòa đường máu), gan sẽ tăng sản xuất chất béo, từ đó làm tăng triglyceride và gây gan nhiễm mỡ. Việc này có thể xảy ra âm thầm nhiều năm mà không hề gây triệu chứng.

Yếu tố di truyền cũng là một nguyên nhân dẫn đến rối loạn mỡ máu. Bởi, bạn có thể "ăn uống sạch", vận động đều, nhưng nếu trong gia đình có người bị mỡ máu cao hoặc gan nhiễm mỡ, bạn vẫn có nguy cơ. Một số gene đặc biệt còn khiến gan tích mỡ nhiều hơn dù ăn rất ít chất béo.

Nguyên nhân còn đến từ thói quen ăn "lành mạnh" nhưng lại nạp nhiều đường ẩn từ trái cây ngọt, nước ép, sữa đặc, bánh ngọt, tinh bột trắng… Những thứ này chứa nhiều đường đơn như glucose và fructose là nguyên liệu chính để gan sản xuất triglyceride. Fructose có nhiều trong nước ép đóng chai, mật ong, siro là "thủ phạm" lớn gây gan nhiễm mỡ.

Ngoài ra, các tình trạng như suy giáp nhẹ, stress kéo dài, mất cân bằng hormone giới tính có thể âm thầm làm rối loạn chuyển hóa mỡ, dù cơ thể không hề tăng cân. Hoặc do vi khuẩn đường ruột mất cân bằng...

"Tình trạng "gầy mà chuyển hóa xấu" là có thật và ngày càng phổ biến. Việc phát hiện sớm, hiểu rõ nguyên nhân và điều chỉnh từ chế độ ăn, thói quen sinh hoạt, kiểm tra định kỳ sẽ giúp kiểm soát mỡ máu, bảo vệ gan, phòng ngừa biến chứng tim mạch và tiểu đường một cách chủ động", BS Tuấn lưu ý.

Vũ Vũ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/vi-sao-nguoi-gay-an-uong-lanh-manh-van-roi-loan-mo-mau-192250703140204554.htm
Zalo