Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tìm nguồn vốn vay lãi suất thấp cho dự án mở rộng NMLD Dung Quất

Nhằm tìm kiếm được nguồn vốn vay lãi suất tốt cho dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR) đang tiến hành đánh giá tác động môi trường và xã hội của dự án theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đại diện Lọc hóa dầu Bình Sơn và Liên danh nhà thầu ký kết hợp đồng tư vấn.

Đại diện Lọc hóa dầu Bình Sơn và Liên danh nhà thầu ký kết hợp đồng tư vấn.

Ban Quản lý Dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thuộc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã cổ phiếu BSR - sàn HoSE) và Liên danh nhà thầu đã ký hợp đồng “Tư vấn đánh giá tác động môi trường và xã hội theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ vay vốn” cho dự án.

Liên danh nhà thầu thực hiện hợp đồng này là Công ty Fichtner GmbH & Co. KG (Fichtner) - Stuttgart thuộc CHLB Đức và Institute of Tropical Biology - Viện sinh học nhiệt đới (ITB) của Việt Nam, tên viết tắt là Liên danh FICHTNER - ITB.

Tại buổi làm việc, ông Nghiêm Đức Dương - Phó Tổng Giám đốc Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, dự án mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang được triển khai theo đúng kế hoạch và việc thu xếp nguồn vốn vay cho dự án cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Để có cơ sở tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng xuất khẩu (ECA) từ các tổ chức tín dụng quốc tế, Lọc hóa dầu Bình Sơn phải thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường và xã hội theo tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, công ty có thể tiếp cận các nguồn vốn vay giá trị cao, lãi suất tốt phục vụ dự án.

Lọc hóa dầu Bình Sơn đã lựa chọn Ngân hàng HSBC làm đơn vị điều phối các khoản vay ECA. Đồng thời, Ngân hàng PVcomBank và công ty vừa ký kết hợp đồng tư vấn, hỗ trợ thu xếp nguồn vốn vay, tương đương 526 triệu USD.

Theo kế hoạch, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được nâng công suất chế biến từ 148.000 thùng/ngày lên 171.000 thùng/ngày, đáp ứng tiêu chuẩn EURO V và các quy định môi trường. Tổng vốn đầu tư của dự án lên tới 1,5 tỷ USD (sau điều chỉnh). Nhà máy sẽ tập trung vào việc nâng cấp công nghệ, bổ sung các phân xưởng hiện đại như xử lý xăng dầu bằng hydro, alkyl hóa và thu hồi lưu huỳnh.

Quá trình nâng cấp cũng sẽ giúp Lọc hóa dầu Bình Sơn linh động hơn trong việc lựa chọn dầu thô, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp lâu dài và có hiệu quả cho nhà máy.

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, hiện mức crack spread (chênh lệch giữa giá dầu thô với giá sản phẩm tinh chế từ dầu) của Lọc hóa dầu Bình Sơn đang ở dưới mức trung bình của khu vực với chỉ số Nelson Complexity Index (NCI - đo độ phức tạp của các nhà máy lọc dầu) ở mức 6,27, tương đối thấp so với các đơn vị lọc dầu khác. NCI cao hơn cho thấy khả năng tạo ra sản phẩm có giá trị cao hơn.

Sau quá trình nâng cấp, chỉ số NCI của nhà máy dự kiến sẽ tăng mạnh lên mức 8, giúp crack spread của Lọc hóa dầu Bình Sơn tiệm cận với mức trung bình của khu vực. Qua đó, cải thiện đáng kể khả năng sinh lời của công ty.

Trong một diễn biến khác, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã thông qua phương án tăng vốn của Lọc hóa dầu Bình Sơn lên mức 50.073 tỷ đồng (tương đương 1,97 tỷ USD) thông qua việc phát hành cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu với tổng tỷ lệ thực hiện quyền là 61,5%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu BSR sẽ được nhận 61,5 cổ phiếu mới.

Hiện phương án này đang được trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và được kỳ vọng sẽ được chấp thuận ngay trong quý 1/2025.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/loc-hoa-dau-binh-son--bsr--tim-nguon-von-vay-lai-suat-thap-cho-du-an-mo-rong-nmld-dung-quat-132257.htm
Zalo