Loạt ngân hàng được chấp thuận tăng vốn nghìn tỷ đồng
Ba ngân hàng NCB, VIB và ACB đã được NHNN chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ với nhiều hình thức khác nhau, từ phát hành riêng lẻ đến chia cổ tức bằng cổ phiếu.

NCB chuẩn bị tăng vốn điều lệ thêm 7.500 tỷ đồng. Ảnh: ACB
Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vừa thông báo về việc được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 7.500 tỷ đồng thông qua hình thức phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Đây là bước đi trọng yếu trong chiến lược tái cơ cấu tài chính mà ngân hàng đã được cổ đông thông qua tại Đại hội thường niên 2025 vào cuối tháng 3.
Cụ thể, NCB dự kiến phát hành 750 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mức giá chào bán tối thiểu 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu đợt phát hành thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 11.780 tỷ đồng lên mức 19.280 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền thu được từ thương vụ này sẽ được dùng để mở rộng hoạt động tín dụng cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, phục vụ nhu cầu sản xuất – kinh doanh và tiêu dùng. Đồng thời, NCB kỳ vọng việc tăng vốn này sẽ góp phần vào mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và cung ứng vốn cho nền kinh tế, phù hợp định hướng chung của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Không riêng NCB, nhiều ngân hàng khác cũng đang "chạy đua" tăng vốn trong năm nay. Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB, mã: VIB) mới đây thông báo đã nhận được chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước để tăng vốn điều lệ gần 4.249 tỷ đồng. Kế hoạch sẽ được thực hiện qua hai kênh: phát hành gần 417,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 14%) và phát hành thêm 7,8 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên (tỷ lệ 0,26%).
VIB cho biết cổ phiếu dành cho cổ đông hiện hữu sẽ không bị giới hạn chuyển nhượng, trong khi cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế giao dịch trong vòng một năm. Sau khi hoàn tất cả hai đợt phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 29.791 tỷ đồng lên hơn 34.040 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 14,26%.
Ở một diễn biến tương tự, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã: ACB) cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho kế hoạch tăng vốn thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu. Theo đó, gần 670 triệu cổ phiếu ACB sẽ được phát hành để chia cổ tức với tỷ lệ 15% (tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận thêm 15 cổ phiếu).
Sau phát hành, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng thêm 6.700 tỷ đồng, nâng tổng vốn lên khoảng 51.367 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý 3/2025.
Song song đó, ACB cũng sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 10%, nâng tổng mức cổ tức cho năm 2024 lên 25%. Ước tính ngân hàng sẽ chi khoảng 11.166 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức này, bao gồm 4.466 tỷ đồng tiền mặt. Sau chia, lợi nhuận chưa phân phối của ACB vẫn còn khá dồi dào, ở mức khoảng 12.467 tỷ đồng.
Tại Đại hội cổ đông thường niên diễn ra hồi tháng 4 vừa qua, ban lãnh đạo ACB chia sẻ rằng, việc tăng vốn không chỉ giúp ngân hàng củng cố năng lực tài chính để phát triển tín dụng và đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, mà còn tạo “nền móng” để tăng tốc chuyển đổi số và triển khai các dự án chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt.