Loạt giải pháp đột phá để khoa học công nghệ Việt vươn tầm thế giới

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề ra 7 nhóm nhiệm vụ then chốt để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để đưa khoa học công nghệ của ngành này vươn tầm thế giới.

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng chuyển đổi số, lần đầu tiên tại Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, khoa học công nghệ cùng với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số được đặt lên vị trí “là đột phá quan trọng hàng đầu” với những mục tiêu quan trọng, cụ thể cùng các giải pháp quyết liệt chưa từng có.

Theo tinh thần của nghị quyết trên, chiều 5/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã công bố 7 nhiệm vụ then chốt để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, cũng như đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngành Nông nghiệp và Môi trường; cũng như kế hoạch để đưa khoa học công nghệ của ngành này vươn tầm thế giới.

Xếp hạng chuyển đổi số người đứng đầu

Thông tin tại cuộc họp báo Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, diễn ra chiều nay, Tiến sỹ Nguyễn Văn Long - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nhấn mạnh bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, bộ đã ban hành Quyết định số 503/QĐ-BNNMT về Kế hoạch đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Trong đó, bộ đã đề ra 7 nhóm nhiệm vụ then chốt để tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngành.

Các nhiệm vụ then chốt gồm: Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong toàn ngành về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong đó bổ sung yêu cầu vị trí việc làm, bảo đảm tối thiểu 25% tổng số lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có chuyên môn, kinh nghiệm về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đặc biệt, định kỳ hàng năm, ngành sẽ đánh giá, xếp hạng chuyển đổi số (DTI) các đơn vị, người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức theo các chỉ số phát triển.

Các nhiệm vụ tiếp theo là hoàn thiện thể chế chính sách; tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong bộ và các doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Ông Long cho biết để triển khai hiệu quả các nhóm nhiệm nhiệm vụ trên, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy và các Thứ trưởng đã chỉ đạo tất cả các đơn vị trực thuộc rà soát để có cơ sở báo cáo các cấp có thẩm quyền, đưa ra nội dung đầu tư trọng tâm trọng điểm để có cơ sở đổi mới sáng tạo, đưa khoa học công nghệ của ngành vươn tầm thế giới.

“Trong đó, rà soát tất cả các quy trình nội bộ, xây dựng hệ thống dịch vụ công xuyên suốt, hướng tới mục tiêu năm 2030, toàn bộ thủ tục hành chính sẽ được xử lý trên không gian mạng (toàn trình),” ông Long nhấn mạnh.

Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - ông Khuất Hoàng Kiên, cũng cho biết đơn vị này sẽ sớm ban hành kiến trúc chuyển đổi số 4.0 trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, trong đó cụ thể hóa kế hoạch và cơ sở dữ liệu trọng điểm của từng lĩnh vực, từng dự án, đặc biệt là với lĩnh vực đất đai.

“Cơ sở thông tin về đất đai mang tính đặc thù cao, nguồn dữ liệu chủ yếu gắn với chính quyền địa phương. Để thu thập số liệu chính xác đòi hỏi nguồn lực lớn. Vì vậy, chúng tôi đang tích cực tham mưu bộ và Chính phủ để khuyến khích các địa phương thu thập, rà soát dữ liệu nhanh chóng,” ông Kiên chia sẻ.

 Phát triển khoa học công nghệ để tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên khoáng sản. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Phát triển khoa học công nghệ để tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên khoáng sản. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Đại diện lãnh đạo Cục Chuyển đổi số cũng cho biết đơn vị này đang tích cực hệ thống hóa thông tin để vận hành theo Luật Đất đai trước tháng 6/2025, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ đồng thời nghiên cứu về các công cụ, nền tảng chia sẻ dữ liệu phù hợp để hỗ trợ các cơ quan Chính phủ quản lý và vận hành công việc hiệu quả.

15 vấn đề lớn cần được giải quyết

Chủ trì buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, cũng nêu rõ 15 vấn đề lớn cần được giải quyết nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong thời gian tới. Thứ nhất là đội ngũ các nhà khoa học cần được đặt ở vị trí trung tâm trong tiến trình đổi mới sáng tạo.

Lý do theo ông Tiến là bởi hiện nay số lượng giáo sư, tiến sĩ có xu hướng giảm; thu nhập chưa tương xứng khiến việc thu hút và giữ chân nhân tài gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh.

Vấn đề thứ hai mà ông Tiến quan tâm là cần rà soát lại trình tự phê duyệt các đề tài khoa học để đảm bảo mục tiêu, nội dung và đầu ra phù hợp với yêu cầu thực tiễn. “Khoa học phải bắt nguồn từ thực tiễn và quay trở lại phục vụ thực tiễn. Bộ Khoa học và Công nghệ hiện có các quỹ hỗ trợ, song cần thúc đẩy cơ chế để chuyển nhanh từ nghiên cứu sang ứng dụng công nghệ hiệu quả,” ông Tiến nhấn mạnh.

Thứ ba, theo ông Tiến là cần cân đối chi ngân sách cấp Trung ương và địa phương cho việc phát triển khoa học và công nghệ xứng tầm, thực chất.

Thứ tư, ông Tiến cho rằng vẫn còn tồn tại tư duy “bao cấp,” triệt tiêu động lực sáng tạo. “Cần có cơ chế đột phá để giải phóng tư duy này, hướng tới việc làm giàu từ khoa học công nghệ,” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu quan điểm.

Vấn đề thứ năm theo ông Tiến là cần tháo gỡ khó khăn giải quyết khó khăn trong “ba tự chủ,” bao gồm: Tự chủ nhiệm vụ; tự chủ tài chính; và tự chủ tổ chức nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt cho các đơn vị nghiên cứu.

Thứ sáu là hạn chế tình trạng lãng phí nguồn lực. Theo ông Tiến, hiện có nhiều trang thiết bị được đầu tư nhưng không đồng bộ, tần suất sử dụng thấp, dẫn đến khấu hao chậm và lãng phí, nên cần rà soát, quy hoạch đầu tư theo hướng đồng bộ, hiệu quả.

Thứ bảy, là cần có cơ chế sử dụng đất đai phục vụ hiệu quả cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ. Thứ tám là cần xây dựng cơ chế tín dụng riêng để hỗ trợ cho các cá nhân, nhóm nghiên cứu triển khai ý tưởng đổi mới sáng tạo.

Vấn đề thứ chín, theo ông Tiến là việc phê duyệt kinh phí cho nhiệm vụ khoa học cần được thực hiện đúng tiến độ để tránh tình trạng chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ nghiên cứu. Thứ mười, cần hình thành và đầu tư cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, tập trung vào những lĩnh vực chủ lực của ngành.

Các vấn đề khác cũng được ông Tiến lưu ý, đề xuất giải quyết như: Các chương trình khoa học công nghệ cần được đầu tư tập trung, đồng bộ, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí; những chương trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn lớn, tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất cần được ưu tiên về cơ chế và nguồn lực.

Cùng với đó, theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nhà nước cũng cần xây dựng các cơ chế đặc biệt cho các chương trình khoa học công nghệ phù hợp với đặc thù; các chương trình phục vụ cho bộ chuyên ngành phù hợp; kinh phí nghiên cứu nên được phân bổ theo chuỗi, bảo đảm tính liên tục và hiệu quả./.

Theo kế hoạch, ngày 10/5/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngành Nông nghiệp và Môi trường.

Hội nghị dự kiến có 450-500 đại biểu tham dự trực tiếp, bao gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương và các địa phương.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/loat-giai-phap-dot-pha-de-khoa-hoc-cong-nghe-viet-vuon-tam-the-gioi-post1036706.vnp
Zalo