Thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh
Hiện nay xu hướng tiêu dùng xanh, lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm đến mức thấp nhất lượng chất thải ra môi trường đang dần trở thành lối sống được nhiều người hướng đến. Tại Hà Nội, xu hướng này đang được lan tỏa mạnh mẽ, nhất là trong giới trẻ.

Cán bộ của chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm hướng dẫn người nông dân trồng nông sản thuận tự nhiên.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, tại Việt Nam, tiêu dùng xanh đang trở thành một xu hướng, từ việc lựa chọn thực phẩm hữu cơ, sử dụng túi sinh học tự phân hủy, đến giảm thiểu đồ nhựa và ưu tiên sản phẩm tái chế, người tiêu dùng Thủ đô đang từng bước góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn. Người tiêu dùng, nhất là giới trẻ đã ý thức, chủ động tìm hiểu và lựa chọn lối sống xanh như một thói quen hằng ngày. Các nền tảng mạng xã hội và kênh truyền thông đại chúng cũng đang góp phần lan tỏa thông tin, kiến thức về tiêu dùng xanh, giúp người dân dễ tiếp cận hơn với các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường.
Chị Nguyễn Ngọc Quế, cư dân chung cư MD Complex, đường Hàm Nghi, quận Nam Từ Liêm cho biết: “Gia đình tôi thường lựa chọn các sản phẩm hữu cơ, có nguồn gốc rõ ràng tại các cửa hàng có uy tín”. Có thể thấy, thị hiếu tiêu dùng đang dần chuyển hướng sang các sản phẩm an toàn, bền vững, mở ra tiềm năng lớn cho doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh. Hiện nay, một số doanh nghiệp tại Hà Nội đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sạch, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị thương hiệu.
Chị Nguyễn Thị Phú, đại diện cửa hàng Bác Tôm, đường Hàm Nghi cho biết: “Tất cả các nông sản của cửa hàng đều có kỹ sư thực địa giám sát, kiểm tra quy trình sản xuất định kỳ theo tuần, bảo đảm mọi khâu sản xuất đều đạt chất lượng. Ngoài ra, cửa hàng đều phát túi vải để người dùng có thể mang theo đựng thực phẩm thay cho túi ni-lông giúp giảm phát thải ra môi trường”.
Chị Nguyễn Thị Linh, đại diện chuỗi cửa hàng Sói Biển cho biết: “Tất cả sản phẩm của cửa hàng đều có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, có thể truy xuất được nguồn gốc qua các mã QR, sản phẩm đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, Global GAP”.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sang sản xuất, kinh doanh xanh đang gặp phải một số khó khăn, thách thức như: giá hàng hóa, dịch vụ còn cao, thói quen tiêu dùng chưa được cải thiện, ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa tốt, việc hình thành chuỗi cung ứng xanh từ khâu sản xuất, phân phối đến tiêu dùng còn hạn chế, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển xanh và bền vững.
Theo Tiến sĩ Phạm Thị Liên, Hội Nữ trí thức Việt Nam, để tiêu dùng xanh trở thành xu hướng chủ đạo và mang lại tác động bền vững, cần sự đồng hành của cả ba trụ cột: người tiêu dùng - doanh nghiệp - Nhà nước. Trong đó, người tiêu dùng cần tiếp tục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tiêu dùng từ thói quen “tiện lợi, rẻ” sang “xanh, bền vững”; doanh nghiệp phải cam kết minh bạch nguồn gốc sản phẩm, đầu tư vào công nghệ sạch, tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững và xây dựng trách nhiệm xã hội như một phần trong chiến lược phát triển; Nhà nước cần sớm hoàn thiện chính sách pháp lý, xây dựng hệ thống kiểm định và hậu kiểm nghiêm ngặt, đồng thời có cơ chế hỗ trợ thiết thực về vốn, thuế, mặt bằng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chuyển đổi mô hình xanh.
Hà Nội với vai trò là Thủ đô và trung tâm kinh tế lớn của cả nước, đang nỗ lực thúc đẩy tiêu dùng xanh và phát triển bền vững. Thành phố đặt mục tiêu đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến toàn bộ quận, huyện, cụm công nghiệp và làng nghề, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về lối sống xanh, sản xuất sạch và tiêu dùng bền vững. Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh truyền thông, khuyến khích sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường và phát triển hệ thống phân phối xanh.
Xu hướng tiêu dùng xanh không chỉ là một lựa chọn mang tính thời điểm mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân sẽ là yếu tố quyết định cho thành công trong quá trình chuyển đổi này. Chỉ khi tất cả các bên cùng hành động, thành phố mới có thể hiện thực hóa mục tiêu trở thành một đô thị xanh, đáng sống và góp phần xây dựng một tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau.