Loạt đại học có doanh thu nghìn tỷ đồng
Hiện, cả nước có ít nhất 10 cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Theo số liệu được trích từ đề án tuyển sinh và báo cáo ba công khai của các trường đại học, trong năm 2023, nhiều trường có doanh thu từ 1.000 tỷ đồng trở lên.
Dẫn đầu về tổng thu là Đại học FPT với 2.918 tỷ đồng. Tiếp đến là Bách khoa Hà Nội với 2.137 tỷ đồng. Trong đó, thu từ học phí chiếm phần lớn với 1.340 tỷ đồng, chiếm khoảng 63% tổng thu. Ngoài ra, các nguồn thu còn đến từ ngân sách (290 tỷ đồng), nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (18 tỷ đồng) và một số nguồn thu khác (488 tỷ đồng).
Trong số 10 trường có doanh thu nghìn tỷ, Đại học Văn Lang chưa công khai tổng thu năm 2023 nhưng tổng nguồn thu của trường năm 2022 đã đạt mức 1.758 tỷ đồng.
Bảy trường còn lại là Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Nguyễn Tất Thành, Kinh tế Quốc dân, Công nghệ TP.HCM, Tôn Đức Thắng, Công nghiệp TP.HCM, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Trong đó, 2 cái tên mới là Đại học Công nghiệp TP.HCM (1.010 tỷ đồng) và Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) (1.004 tỷ đồng). Năm 2022, Đại học Cần Thơ đạt doanh thu 1.090 tỷ đồng nhưng năm 2023 giảm xuống còn hơn 950 tỷ.
Doanh thu của các đại học đến từ 4 nguồn, gồm ngân sách; học phí và lệ phí; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; nguồn hợp pháp khác (dịch vụ hợp tác đào tạo, tài trợ từ doanh nghiệp, nhà xuất bản, doanh nghiệp trực thuộc...).
Đáng chú ý, học phí đang là nguồn thu lớn nhất của các trường đại học. Một số trường có học phí chiếm tới 98% tổng doanh thu như Đại học Nguyễn Tất Thành (nguồn thu học phí là 1.454 tỷ đồng), Đại học Công nghệ TP.HCM (1.235 tỷ đồng).