Hạn chế về thị thực gây 'đau đầu' cho các trường đại học tại Anh
Những hạn chế về thị thực đang khiến các trường đại học tại Anh thu hút ít sinh viên quốc tế hơn, gây ảnh hưởng nặng nề đến tài chính sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.
Các trường đại học tại Anh nằm trong số những trường đại học danh giá nhất thế giới. Tuy nhiên những hạn chế về thị thực đang khiến những ngôi trường này thu hút ít sinh viên quốc tế hơn, gây ảnh hưởng nặng nề đến tài chính và là một trong những yếu tố làm trầm trọng thêm các vấn đề sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) cách đây 4 năm.
Năm 2022, gần 760.000 sinh viên nước ngoài đã đăng ký theo học tại các trường đại học ở Anh trong một thị trường cạnh tranh cao, khiến Xứ sương mù trở thành điểm đến phổ biến thứ hai sau Mỹ. Hầu hết là sinh viên đến từ Ấn Độ, tiếp đó là Trung Quốc và Nigeria.
Tuy nhiên, vào năm 2023, số lượng thị thực du học đã giảm 5%. Từ tháng Bảy đến tháng Chín năm nay, mức giảm so với cùng kỳ năm ngoái là 16%.
Xu hướng này trở thành nguyên nhân chính khiến các tổ chức giáo dục đại học lo ngại vì sinh viên nước ngoài phải trả học phí cao hơn nhiều so với sinh viên Anh.
Theo Leo Xui, một sinh viên trẻ từ Trung Quốc đến Anh vào tháng Chín năm nay, học phí của nam sinh viên 20 tuổi này cho cả năm học là 31.000 bảng Anh (37.200 euro), cao hơn ba lần so với mức học phí tối đa (9.250 bảng Anh) của các sinh viên Anh.
Tuần trước, Chính phủ Anh đã công bố mức trần sẽ tăng lên 9.535 bảng Anh từ năm tới. Động thái này được các trường đại học hoan nghênh vì họ đã kêu gọi tăng học phí trong nhiều năm.
Tại một hội nghị vào tháng Chín năm nay, Universities UK (UUK), đại diện cho 141 tổ chức giáo dục đại học của Anh, cảnh báo học phí mà mỗi sinh viên đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2004.
Họ ước tính khoản 9.250 bảng Anh thực ra chỉ tương đương trị giá dưới 6.000 bảng Anh do lạm phát, dẫn đến thâm hụt ngân sách dành cho giảng dạy và nghiên cứu.
Trong khi đó, các trường đại học đã tiếp nhận nhiều sinh viên nước ngoài nhằm phần nào lấp khoảng trống ngân sách, đến mức nhiều cơ sở trong số này phụ thuộc vào nguồn thu chính từ học phí của sinh viên nước ngoài.
Theo một báo cáo của quốc hội, sinh viên nước ngoài chiếm hơn 50% số sinh viên tại Đại học Nghệ thuật London và Đại học Cranfield, phía Bắc thủ đô London của Anh.
Đầu năm nay, báo Financial Times đưa tin một số đại học, trong đó có Đại học York, đã hạ tiêu chí tuyển sinh để thu hút thêm sinh viên nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiệm vụ của các trường đại học trở nên khó khăn, phức tạp hơn khi chính phủ tiền nhiệm lại áp đặt các hạn chế đối với thị thực sinh viên trong nỗ lực giảm số người nhập cư, vốn ở mức kỷ lục, theo đó cấm sinh viên nước ngoài đưa người thân đi cùng, ngoại trừ một số ít trường hợp, đồng thời cấm những sinh viên này chuyển đổi sang thị thực làm việc khi còn đang đi học.
Theo số liệu thống kê chính thức, trong bốn tháng đầu năm 2024, số đơn sinh viên nước ngoài đăng ký học ít hơn 30.000 đơn so với cùng kỳ năm 2023.
Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách giáo dục đại học của Anh nhấn mạnh rằng những con số này càng củng cố cho những quan ngại của giới chuyên môn về việc thay đổi chính sách của chính phủ tiền nhiệm đã khiến Anh trở thành điểm đến du học kém hấp dẫn hơn.
Sự sụt giảm của sinh viên quốc tế đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng đối với đội ngũ giảng viên, khi nhiều vị trí giảng dạy đã bị cắt giảm./.