Gánh nặng tài chính khiến đại học lo 'hụt hơi' trong đào tạo nhân lực chất lượng cao

Là bậc học có tác động trực tiếp đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước song giáo dục đại học (GDĐH) đang gặp nhiều rào cản, vướng mắc, đặc biệt là những vướng mắc trong việc tìm kiếm nguồn thu. Do đó, các đại biểu cho rằng cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc về tự chủ tài chính, thúc đẩy mọi nguồn lực để GDĐH trở thành trụ cột trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Đại biểu Lê Quân (Đoàn TP. Hà Nội) kiến nghị sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, từ đó giúp các cơ sở GDĐH được chủ động trong việc khai thác hiệu quả tài sản công. Ảnh QH

Đại biểu Lê Quân (Đoàn TP. Hà Nội) kiến nghị sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, từ đó giúp các cơ sở GDĐH được chủ động trong việc khai thác hiệu quả tài sản công. Ảnh QH

Nút thắt kìm hãm sự phát triển của giáo dục đại học

Sau nhiều năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nền giáo dục nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Thực tế cho thấy, tự chủ ĐH là điểm đột phá, động lực cho các cơ sở GDĐH xây dựng và dần phát huy tối đa mọi nguồn lực để phát triển theo chuẩn mực quốc tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Đây cũng là đánh giá được Kiểm toán nhà nước (KTNN) đưa ra, khi kiểm toán đối với công tác tự chủ ĐH.

“Việc áp dụng chính sách tự chủ của Đảng và Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung và các trường ĐH nói riêng đã đạt được một số thành công nhất định, mang lại nhiều đổi mới cho các đơn vị, tăng cường tính chủ động, sáng tạo cho các trường ĐH với nhiều kết quả ấn tượng” - KTNN chuyên ngành III cho biết.

Dù vậy, đào tạo ĐH vẫn còn những trở ngại cần vượt qua. Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Dẫn số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam) cho biết, kinh phí nghiên cứu phát triển chi cho khối GDĐH chỉ chiếm 6,75% tổng kinh phí nghiên cứu phát triển quốc gia.

Số liệu này cho thấy ngân sách nhà nước dành cho khoa học, công nghệ ở khối ĐH là chưa tương xứng với quy mô, năng lực và tiềm năng của đội ngũ nghiên cứu tại đây.

Cần cải thiện ngân sách nhà nước dành cho khoa học, công nghệ ở khối GDĐH. Ảnh: N.Lộc

Cần cải thiện ngân sách nhà nước dành cho khoa học, công nghệ ở khối GDĐH. Ảnh: N.Lộc

Quan tâm đến nguồn lực đầu tư dành cho GDĐH, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội) - nguyên Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân - cho biết, mức đầu tư cho GDĐH của Việt Nam còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 0,33% GDP.

Các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế cũng dành sự quan tâm lớn cho GDĐH, với mức chi lên tới 1,1% GDP. Tại các nước này, số lượng sinh viên ít hơn và quy mô GDP lớn hơn, dẫn đến mức đầu tư cho GDĐH rất lớn.

Trong khi tại Việt Nam, mức chi cho một sinh viên ở trường ĐH top đầu Việt Nam hiện nay cũng chỉ bằng 1/10 đến 1/15 của sinh viên các nước phát triển, dù sản phẩm đào tạo trong nước của trường ĐH top đầu vẫn được các nhà tuyển dụng đánh giá không quá khác biệt về năng lực chuyên môn so với người tốt nghiệp ở nước ngoài.

Vì vậy đại biểu cũng đề nghị, cần tập trung đầu tư cho các trường trọng điểm, tốp đầu để thúc đẩy GDĐH vươn tầm. “Cần phải tập trung đầu tư cho cơ sở GDĐH để các trường top đầu trở thành các trường đẳng cấp quốc tế thì sẽ nhanh và hiệu quả hơn nhiều lần so việc chúng ta đang dành tiền để đầu tư cho các trường mới ” - đại biểu đề nghị.

Ngoài việc chú trọng đầu tư để nâng cao vị thế của GDĐH trong nước, các ý kiến cũng cho rằng, cần có cơ chế để thu hút các nhà khoa học, nhà giáo dục hàng đầu đến Việt Nam, cũng như tăng cường giao lưu, hợp tác với các cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới.

Tăng cường hợp tác quốc tế là hướng đi đúng đắn để nâng cao chất lượng GDĐH. Ảnh ST

Tăng cường hợp tác quốc tế là hướng đi đúng đắn để nâng cao chất lượng GDĐH. Ảnh ST

Là một trong những cơ sở đào tạo thuộc tốp đầu cả nước về lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) cho biết, nhà trường xác định quốc tế hóa giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GDĐH, thu hút sinh viên quốc tế đến học tập cũng như các nhà khoa học trên thế giới đến làm việc, nghiên cứu.

Để thúc đẩy vấn đề này, PGS,TS. Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng nhà trường - kiến nghị cần xây dựng cơ chế thu hút nhân tài là các nhà khoa học được đào tạo từ các ĐH danh tiếng trên thế giới thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển tham gia giảng dạy và nghiên cứu sâu tại các cơ sở GDĐH, các viện nghiên cứu.

Đồng thời, xây dựng cơ chế thúc đẩy thực chất hoạt động hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở GDĐH với các ĐH hàng đầu khu vực và thế giới.

Tạo cơ hội cho các trường có nguồn thu bền vững

Các ý kiến cho rằng, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò của GDĐH là vô cùng quan trọng. Vì thế, cần nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy mọi nguồn lực nhằm biến GDĐH trở thành trụ cột trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó, cần tạo cơ chế thuận lợi, phù hợp cho các trường tìm kiếm nguồn thu.

Theo các chuyên gia, thực hiện tốt điều này vừa giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước; đồng thời tăng tính năng động, chủ động của nhà trường trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, trong bối cảnh các trường đang đẩy mạnh tự chủ.

Tháo gỡ nút thắt về cơ chế, chính sách để thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo ĐH. Ảnh: N.Lộc

Tháo gỡ nút thắt về cơ chế, chính sách để thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo ĐH. Ảnh: N.Lộc

Đại biểu Vương Quốc Thắng đề nghị Chính phủ cần sớm nghiên cứu cơ chế giao tài sản cho các cơ sở GDĐH công lập tự chủ theo mức 1 kèm theo các cơ chế giám sát chặt chẽ làm cơ sở cho việc hạch toán tài chính đầy đủ. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của tổ chức quản trị là Hội đồng trường của cơ sở GDĐH, tăng tính chủ động và bền vững về tài chính trong chiến lược phát triển của cơ sở GDĐH.

Qua kiểm toán công tác tự chủ ĐH, KTNN chuyên ngành III đánh giá, chế độ chi trả tiền lương, thu nhập theo ngạch, bậc hiện nay đang là một rào cản lớn đối với các trường ĐH công lập trong việc tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao.

So với các tập đoàn lớn, đặc biệt khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, các trường ĐH công lập hiện nay rất khó để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi chưa có cơ chế đãi ngộ tương xứng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo của chính sách tự chủ ĐH.

Bên cạnh đó, cần xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy nguồn thu bền vững ngoài học phí cho các cơ sở GDĐH, giảm dần sự phụ thuộc vào học phí. Trong đó, cần đảm bảo thực thi cơ chế thúc đẩy hợp tác công - tư, nhằm khơi thông nguồn lực trong đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu đổi mới sáng tạo và phát triển ĐH, cơ chế gây quỹ có đối ứng của Nhà nước hoặc nguồn tài chính hợp pháp của cơ sở GDĐH, thúc đẩy nhanh các cơ chế đặt hàng theo tiêu chí sản phẩm đầu ra...

Chung ý kiến, đại biểu Lê Quân (Đoàn TP. Hà Nội) - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội - kiến nghị sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, từ đó giúp các cơ sở GDĐH được chủ động trong việc khai thác hiệu quả tài sản công được giao quản lý, theo quy chế tài chính và có kiểm toán đầy đủ, mang lại các nguồn thu để đáp ứng được nhu cầu phát triển của ĐH.

Bởi “các nguồn thu ngoài học phí và ngoài ngân sách về cơ bản sẽ chiếm khoảng 50% cho các khoản chi sau này của các trường ĐH, nếu chúng ta phát triển các nguồn lực này thì sẽ giảm được gánh nặng cho vấn đề học phí và chi ngân sách” - đại biểu nêu.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/ganh-nang-tai-chinh-khien-dai-hoc-lo-hut-hoi-trong-dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-36196.html
Zalo