Loại bỏ rác thải nhựa: Những tín hiệu tích cực từ ngành Du lịch Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp lữ hành, lưu trú đã chủ động bắt tay hành động nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, nhất là nhựa dùng một lần. Đây là tín hiệu tích cực của cộng đồng làm du lịch Việt.

Những bãi rác thải nhựa dềnh trên bờ biển thực sự gây ám ảnh. (Ảnh: Lekima Hùng)

Những bãi rác thải nhựa dềnh trên bờ biển thực sự gây ám ảnh. (Ảnh: Lekima Hùng)

Nhân rộng mô hình giảm thiểu rác thải nhựa tại các khu, điểm du lịch, đồng thời đề xuất các đơn vị sử dụng vật liệu thân thiện môi trường đang là giải pháp mà Hiệp hội Du lịch Việt Nam áp dụng nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững cho toàn ngành.

Đặc biệt, đến năm 2030, mục tiêu 100% thành viên Hiệp hội loại bỏ nhựa dùng một lần, lồng ghép nội dung giảm rác nhựa vào quy chế hoạt động. Đây là cam kết của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình.

Những tín hiệu tích cực

Ông Vũ Thế Bình nhận định rác thải nhựa đang trở thành thách thức lớn của môi trường thế giới cũng như tại Việt Nam, tác động đến phát triển kinh tế-xã hội, trong đó bao gồm cả lĩnh vực du lịch. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã áp dụng các quy định về giảm thiểu rác thải nhựa.

Thực tế, du lịch được xem là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ ô nhiễm rác thải nhựa, nhưng ngược lại cũng là nguồn phát sinh rác thải nhựa đáng kể. Chính vì thế, sự tham gia tích cực của ngành du lịch toàn cầu vào mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa được kỳ vọng là một trong những giải pháp mang lại kết quả có ý nghĩa nhiều mặt đối với mục tiêu phát triển bền vững.

“Vấn đề rác thải nhựa ngày càng được quan tâm. Các hướng dẫn và quản lý rác thải nhựa trong du lịch đã được nhiều tổ chức xây dựng phù hợp với từng đối tượng khác nhau, đem lại hiệu quả cao. Nhiều mô hình tốt sẽ được nhân rộng trong thời gian tới để ngày càng có nhiều hơn nữa những cơ sở thực hiện các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững,” ông Vũ Thế Bình khẳng định.

 Túi nilon ngập tràn trên bờ biển. (Ảnh: Lekima Hùng)

Túi nilon ngập tràn trên bờ biển. (Ảnh: Lekima Hùng)

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình, bà Dương Thị Thanh, cho biết cùng với Quảng Nam, Ninh Bình là những địa phương thực hiện Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam” đã đem lại hiệu quả tích cực.

“Trong hoạt động du lịch, có những buổi tập huấn về giảm thiểu rác thải nhựa chúng tôi chỉ mời khoảng 100 người tham dự là những người chèo đò, nhân viên các điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng... nhưng có hơn 200 người đến dự. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch, lưu trú cũng đã chủ động bắt tay hành động nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, nhất là nhựa dùng một lần tại đơn vị. Đây là những tín hiệu vô cùng tích cực cho thấy sự thay đổi cả nhận thức và hành động của cộng đồng làm du lịch tại Ninh Bình,” bà Dương Thị Thanh cho hay.

Mặc dù vậy, theo bà Dương Thị Thanh, trong quá trình thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa vẫn còn những hạn chế cần được giải quyết trong thời gian tới như: chi phí đầu tư ban đầu cao; việc thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa trong và ngoài các khu du lịch chưa đồng bộ; du khách còn mang theo rác thải nhựa khi di chuyển; một số điểm tập kết rác thải dân sinh ảnh hưởng đến mỹ quan khu du lịch…

Nói không với nhựa dùng một lần vào năm 2030

Theo lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, từ năm 2018, tổ chức này đã phát động phong trào “Du lịch Việt Nam-Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa” và được các doanh nghiệp du lịch cả nước, nhiều địa phương hưởng ứng. Riêng với Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam,” qua 18 tháng triển khai, đã đạt được nhiều kết quả.

Các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa trong nhà hàng, khách sạn, khu/điểm du lịch đã được thực hiện, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa phát sinh từ hoạt động du lịch trên phạm vi cả nước. Trong 3 tháng thực hiện thí điểm tại 60 đơn vị ở Ninh Bình và Hội An đã giảm trung bình 35% lượng rác thải nhựa.

 Rác thải nhựa trong một triển lãm ở Hà Nội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Rác thải nhựa trong một triển lãm ở Hà Nội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Đơn cử tại Ninh Bình, tổng khối lượng rác thải nhựa phát sinh sau khi thí điểm đã giảm từ 14% xuống 23% so với trước thí điểm ở các loại hình doanh nghiệp: khách sạn 23%, nhà hàng 14%, lữ hành 14%, điểm tham quan 20%.

Tại Hội An, lượng rác thải nhựa phát sinh giảm tới 64% tại khách sạn trong quá trình tham gia chương trình thí điểm. Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa được xây dựng và ban hành được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng. Nhiều đơn vị đã sử dụng sản phẩm tái sử dụng hoặc thân thiện môi trường.

Đặc biệt, Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch được ban hành, đã tạo cơ sở cho các thành viên của Hiệp hội Du lịch triển khai và thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa. “Thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục nhân rộng các hoạt động này đến các địa phương khác, hướng tới chuyển đổi xanh trong kinh doanh du lịch để phát triển bền vững,” Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Quốc Trí nhấn mạnh.

Để tiếp tục duy trì và phát huy kết quả tích cực này, ông Vũ Thế Bình cho biết mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 75% thành viên Hiệp hội nâng cao nhận thức về rác thải nhựa, 100% khu du lịch, khách sạn không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và nhựa dùng một lần; 50% ban hành hướng dẫn giảm rác nhựa.

Đến năm 2030, 100% thành viên loại bỏ nhựa dùng một lần, lồng ghép nội dung giảm rác nhựa vào quy chế hoạt động. Hiệp hội cũng đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng du lịch xanh, bền vững./.

 Một góc vịnh sạch bóng rác của Hạ Long. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Một góc vịnh sạch bóng rác của Hạ Long. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

6 nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch hành động về giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Du lịch:

Một là tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa.

Hai, tham gia xây dựng, phổ biến, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm thiểu rác thải nhựa trong du lịch.

Ba, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch xanh, không rác thải nhựa.

Bốn, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch gắn với giảm thiểu rác thải nhựa.

Năm, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về giảm thiểu rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ của các đơn vị thành viên Hiệp hội.

Sáu, huy động nguồn lực quốc tế để thúc đẩy giảm thiểu rác thải nhựa.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/loai-bo-rac-thai-nhua-nhung-tin-hieu-tich-cuc-tu-nganh-du-lich-viet-nam-post1008789.vnp
Zalo